Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong bốn cổng của Hoàng Thành, được xây dựng năm 1833 (sau khi triệt hạ Nam Khuyết Đài và Càn Nguyên Điện) khi vua Minh Mạng cho qui hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc khu Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Ngọ Môn vừa là cửa chính của Hoàng Thành vừa là lễ đài dùng trong các lễ lớn của triều đình như lễ Ban sóc (phát lịch hàng năm), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô (xướng danh các tiến sĩ tân khoa)... Đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại trao quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời vào ngày 30 tháng 8 năm 1945.
Kiến trúc của Ngọ Môn bao gồm phần nền đài-cũng là phần cổng ra vào với 5 lối đi, và phần lầu Ngũ Phụng ở trên nền đài được xây dựng bằng kết cấu gỗ với hệ mái phức tạp, lợp ngói hoàng lưu ly (giữa) và thanh lưu ly (hai bên). Hệ thống 100 cây cột gỗ và 9 bộ mái được trang trí tỉ mỉ đã đem lại cho Ngọ Môn một dáng vẻ thanh thoát, thể hiện nét đặc sắc độc đáo của kiến trúc cung đình Nguyễn. Do điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, mặc dù công trình liên tục được bảo tồn, tu bổ với những quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp diễn ra thường xuyên, liên tục.
Trong lịch sử, lần tu bổ lớn nhất là vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh của nhà vua (mừng sinh nhật 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Ngọ Môn đã được đại trùng tu, toàn bộ lầu Ngũ Phụng được hạ giải để tu bổ.
Trước năm 1975, việc trùng tu Ngọ Môn cũng đã được thực hiện nhiều lần vào các năm: 1956, 1963, 1972, 1973.
Ngay sau khi thành lập (năm 1982), Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (tiền thân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng đã tu bổ cấp thiết Ngọ Môn vào năm 1986. Trong các năm 1992 – 2000, công trình lại tiếp tục được trùng tu ở quy mô lớn hơn.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ được bảo tồn tu bổ phần nền đài và lầu Ngũ Phụng, kết hợp phục chế phần trang trí mái và xử lý bảo quản, chống mối cho công trình.
Dự án dự kiến thực hiện trong thời gian 33 tháng (từ 21-3-2013 đến 21-12-2015).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận