08/03/2019 19:35 GMT+7

Khi phụ nữ phải sống trong 'cái chuẩn' của đàn ông

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Vài người tự hỏi vì sao không làm nhiều nhà vệ sinh cho nữ hơn nam ở cùng một chỗ, làm áo chống đạn có ngực cho nữ cảnh sát hay đơn giản chỉ là thiết kế bao xi măng nhỏ lại cho chị em đỡ nặng...? "Bình đẳng" đã tạo ra bất bình đẳng vậy đó!

Khi phụ nữ phải sống trong cái chuẩn của đàn ông - Ảnh 1.

Nhiều vật dụng vẫn lấy chuẩn của đàn ông để thiết kế trong khi phụ nữ cũng xài mà? - Ảnh: MAXX

Từ xe hơi, điện thoại di động cho đến không gian làm việc hay vật dụng sinh hoạt hàng ngày đã được thiết kế theo các tiêu chuẩn chỉ phù hợp cho nam giới, và kéo theo hệ lụy là gây ra nhiều bất tiện, thậm chí nguy hiểm khi phụ nữ sử dụng.

Và người lên tiếng nói lên sự bất cập này là nữ phóng viên đấu tranh cho nữ quyền Caroline Criado Perez. 

Sau ba năm thu thập dữ liệu, cô đã cho ra mắt độc giả nước Anh quyển sách mà khi đọc xong, chắc ai cũng giật mình vì bao năm qua đã vô tình biến những người phụ nữ xung quanh trở nên "vô hình".

"Chuẩn đàn ông": 40 tuổi, 70 kg

Trong một bài viết trên báo The Guardian mới đây, tác giả Caroline Criado Perez đã liệt kê ra một vài trường hợp điển hình, đi từ những thứ bình thường nhất cho đến gây tranh cãi nhất. 

Chẳng hạn, ở các rạp phim hay rạp hát, số lượng phòng vệ sinh dành cho nam giới và nữ giới ngang bằng nhau. Nhưng dễ nhận ra rằng khu vệ sinh nữ luôn "tấp nập" hơn. 

Vậy thì nữ giới đi vệ sinh nhiều hơn nam giới chăng? Không đúng, nhưng thời gian họ đi vệ sinh lâu hơn. Chuyện đó thì ai cũng rõ, nhưng sao không ai nghĩ đến việc phải tăng gấp đôi số lượng phòng vệ sinh nữ tại nơi công cộng? 

Bởi vì chính yếu tố "bất bình đẳng" trong việc "bố trí bình đẳng" số lượng nhà vệ sinh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ khi họ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao gấp 8 lần nam giới.

Chuyện điều chỉnh nhiệt độ trong không gian làm việc chung cũng vậy. Vì cơ thể phụ nữ luôn nhỏ hơn đàn ông nên nữ chịu lạnh kém hơn nam. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature, hai chuyên gia Hà Lan nêu lên thực tế là trong thập niên 1970, mức nhiệt độ trong các công sở đã được điều chỉnh "rất trọng nam khinh nữ". 

Họ lấy chuẩn hoạt động sinh lý của một hình mẫu là một người đàn ông 40 tuổi, nặng 70 kg làm cơ sở để thiết kế không gian làm việc chung cho cả hai giới. Vậy là phụ nữ luôn phải "cắn răng chịu lạnh" tại công sở, đôi khi phải khoác áo ấm cả ngày.

Khi phụ nữ phải sống trong cái chuẩn của đàn ông - Ảnh 2.

Bạn có vô tình biến đồng nghiệp nữ trở nên vô hình? - Ảnh chụp màn hình

Tổn thương vì là "người vô hình"

Tác giả Caroline Criado Perez lập luận việc phụ nữ bị xem như "vô hình" trong việc đặt ra các tiêu chuẩn khiến các chị em gặp nguy hiểm nhiều hơn.

Chẳng hạn, mức chuẩn cho phép tiếp xúc với các hóa chất độc hại luôn được thiết lập theo "chuẩn đàn ông", trong khi nam giới và nữ giới có hệ miễn dịch và hệ nội tiết khác nhau.

Thêm nữa, cơ thể nữ thường nhỏ nhắn hơn nam, làn da mịn hơn và có nhiều mô mỡ hơn nên độc tố dễ tích tụ hơn trên cơ thể. 

Hệ quả là những phụ nữ làm trong lãnh vực chăm sóc sắc đẹp, làm nail thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất "được chứng minh là dễ mắc ung thư, dễ bị sẩy thai và mắc các bệnh về hô hấp". 

Và cũng đừng quên rằng các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa chén, xà phòng, bột giặt, mà các bà nội trợ xài hàng ngày cũng độc hại không kém.

Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia vào những nghề mà xưa kia là độc quyền của nam giới, và họ cũng phập phồng trước những "bất công" mà đáng lẽ ra mọi người phải thấy. 

Ví dụ, phụ nữ lao động chân tay như phụ hồ chẳng hạn. Tại sao không ai nghĩ đến chuyện làm ra những bao xi măng có kích thước nhỏ hơn cho chị em đỡ nặng? 

Rồi đến những dụng cụ có kích thước quá lớn so với công nhân nữ, như quần áo bảo hộ quá rộng, đai nịch bảo hộ, mặt nạ chống bụi hay phòng độc, kể cả kính đeo bảo vệ mắt cũng quá to so với vóc dáng trung bình của phụ nữ. 

Năm 2016, chỉ có 29% chị em khi trả lời phỏng vấn Trade Union Congress - một hiệp hội các nghiệp đoàn tại Anh - cho rằng trang thiết bị bảo hộ là phù hợp với thể hình của họ.

Khi phụ nữ phải sống trong cái chuẩn của đàn ông - Ảnh 3.

Những búp bê mô hình sử dụng cho thử nghiệm độ an toàn của xe hơi khi gặp tai nạn luôn được làm theo chuẩn của cơ thể một người đàn ông - Ảnh: AFP

Lấy một dẫn chứng cụ thể cho tình trạng trang thiết bị bảo hộ không phù hợp với vóc dáng của nữ giới gây hậu quả đáng buồn là vào năm 1997, một nữ cảnh sát đã thiệt mạng khi sử dụng một máy khoan thủy lực để phá một cánh cửa. 

Cô đã cởi bỏ chiếc áo bảo hộ trên người vì nó làm cô bị vướng víu khó chịu ở phần ngực. Mà tại sao các nhà thiết kế áo chống đạn cho lực lượng cảnh sát lại không nghĩ đến việc nữ cảnh sát phải có ngực chứ, đâu thể "phẳng lì" như nam?

Rồi đến chuyện thử độ an toàn của ôtô cũng vậy. Ít ai biết ban đầu người ta chỉ đặt một hình nộm là nam giới 70kg cho các bài thử va chạm. 

Chuyện này hoàn toàn không mới khi biết rằng vào đầu thập niên 1980, nhiều chuyên gia tại Mỹ đã kêu gọi các hãng sản xuất xe hơi phải đưa hai hình nộm cỡ nam nữ vào các khâu thử nghiệm.

Song, lời khuyến nghị này đã không được lắng nghe và hậu quả là nếu gặp tai nạn thì tỉ lệ phụ nữ gặp chấn thương rất nghiêm trọng, đến 47% các trường hợp tai nạn. 17% là những ca tử vong sau tai nạn giao thông do chính phụ nữ cầm lái, chỉ vì những thiết kế nội thất trong xe không phù hợp với vóc dáng và thể hình của nữ.

Các nhà thiết kế, đấng mày râu à, khi đã đọc đến đây rồi, hãy dừng lại một chút nghĩ về những khó khăn, bất tiện cho chị em nhé! Một sự thay đổi nhỏ thôi có thể tạo ra sự khác biệt lớn lắm đấy!

Người nước ngoài nói làm phụ nữ ở Việt Nam khó biết bao nhiêu! Người nước ngoài nói làm phụ nữ ở Việt Nam khó biết bao nhiêu!

TTO - Các quý ông người nước ngoài đã thấu hiểu và chia sẻ góc nhìn của họ về gánh nặng trên vai của phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt họ thấy phụ nữ Việt chịu áp lực rất lớn về ngoại hình...

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên