23/04/2005 06:01 GMT+7

Khi chàng chán phở thèm cơm!

NGUYỄN ĐÀO
NGUYỄN ĐÀO

TT - Phở, cơm ở đây hoàn toàn là phở, cơm thiệt 100%. Ngày nay, nhiều bạn gái có điều kiện để thể hiện vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

5a2Cjtao.jpgPhóng to

Theo đó, họ tìm mọi cách để sắp xếp công việc nội trợ một cách gọn ghẽ, trong đó có người hạn chế tối đa cả việc... nấu ăn cho gia đình bằng dùng... cơm hộp hay ra quán...

Bếp nhà không đỏ lửa

Là thư ký một văn phòng đại diện nước ngoài, xinh đẹp và năng động, L. rất được sếp hài lòng. Chồng là một công chức nhà nước, cưới nhau đã ba năm nhưng L. chưa muốn sinh con vội. Lý do: công việc đang ổn định với mức lương 300 đôla/tháng, có em bé chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc và không còn cơ hội để tìm được việc khác tốt hơn.

Vài tháng đầu mới cưới, lúc là nhân viên hành chính của một công ty may mặc, L. luôn là một người nội tướng đúng nghĩa nhất.

Mọi việc dần thay đổi kể từ khi cô được tuyển vào làm cho một công ty nước ngoài. L. hết sức cố gắng đi sớm về trễ, tìm tòi, học hỏi để đáp ứng tốt nhu cầu công việc và cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì khi về đến nhà. Buổi trưa, hai vợ chồng hẹn nhau đi dùng cơm, rồi ai nấy về cơ quan sẵn sàng cho buổi chiều. Tối, hai người lại chở nhau dạo phố một vòng và... ghé quán ăn.

Dần dần những bữa ăn hàng quán đã thay thế toàn bộ bữa cơm gia đình đầm ấm xưa kia. Một hôm, chồng L. bỗng... giật mình, thèm bữa canh cua nấu cải xanh hay tô mắm chưng hành ớt của vợ; chán ngấy những món ăn đầy dầu mỡ, không khí ồn ào và không mấy sạch sẽ ở hàng quán. Đến lúc này thì L. đã quen nếp sinh hoạt bấy lâu nay, cương quyết không thay đổi, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến công việc của cô.

Cô tuyên bố nếu thích, chồng cô có thể tự đặt ăn cơm tháng ở đâu đó. Một nữ đồng nghiệp của chồng (chồng cô ta vốn đã mất, nhà ở gần cơ quan) mủi lòng, nấu hộ cơm cho chồng cô cùng ăn buổi trưa. Ban đầu là tình đồng nghiệp, gửi tiền ăn hẳn hoi, sau đó là một thứ tình cảm thật khó lý giải. Hình như L. có biết chuyện nhưng cô tự tin vào sự trẻ trung xinh đẹp và khả năng kiếm tiền của mình.

Cứ mỗi trưa nhìn D., một nam đồng nghiệp của tôi, ở lại cơ quan ăn mì gói hay rủ bạn bè chạy ra quán này nọ cho xong bữa là nhiều anh em cảm thấy chạnh lòng. Cưới vợ đã năm năm nay, cũng ngần ấy thời gian người chồng trẻ ấy không biết hương vị và không khí đầm ấm của bữa cơm gia đình.

Cả hai vợ chồng đều đi làm, buổi trưa cũng được nghỉ hai tiếng đồng hồ như mọi người. Buổi trưa cô vợ ở lại cơ quan và dùng cơm hộp. Chiều về cô vợ lại bận trông con, thế là... hàng quán muôn năm!

Đôi lúc tủi thân với bạn bè cũng có vợ làm công ty, cơ quan như mình mà vẫn có những bữa cơm gia đình ấm cúng, người đồng nghiệp ấy nghĩ quẩn: ly hôn, may mà còn có đứa con giữ lại...

Giải pháp nào cho hiện tượng?

Có người đã nói: con đường ngắn nhất đi đến trái tim chàng là con đường đi qua dạ dày. Nói thế không có nghĩa là các chàng quá xem trọng việc ăn uống, song một lẽ khác quan trọng hơn ẩn chứa đằng sau cách nghĩ đơn thuần ấy là những người đàn ông, nói gì thì nói, vẫn thèm một tổ ấm thật sự, trong đó có một người vợ đảm đang, biết thu vén và lo toan; hạt nhân của tổ ấm gia đình.

Trong cuộc sống có không ít người ví gia đình là một “trường đại học nấu ăn”. Thật vậy, nấu ăn cũng là một nghệ thuật. Mặc dù so với các chị em chỉ ở nhà chăm sóc chồng con thì các chị em đi làm có rất ít thời gian cho việc nấu nướng.

Song có lẽ các tiện nghi hỗ trợ nấu nướng trong gia đình không thiếu, công nghệ sơ chế ở chợ rất phong phú, cần thì cầu viện chồng, con... những bữa cơm đầm ấm hoàn toàn trong tầm tay chúng ta.

Đừng để chàng từ chán phở thèm cơm sang chán "cơm" thèm "phở".

NGUYỄN ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên