Phóng to |
Ðầu tháng 10, trong quá trình thi công công trình bảo vệ tháp Pô Ðam, các công nhân đã phát hiện hai bức tường dưới chân đế của tháp. Hai bức tường cổ nằm ở hướng đông, đoạn giữa nhóm tháp bắc và nhóm tháp nam, ở độ cao 37m so với mực nước biển. Mỗi tường cao 190cm, dày 65cm, khoảng cách trong lòng giữa hai tường là 246cm.
Trong lòng có nhiều lớp gạch được đặt bằng phẳng được cho là lối dẫn lên tháp. Ngay sau đó, Bảo tàng Bình Thuận đã cho đình chỉ thi công để tiến hành khảo sát kiến trúc khảo cổ học, phục vụ công tác nghiên cứu.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý - giám đốc Bảo tàng Bình Thuận - cho biết: "Hai bức tường này có niên đại nửa cuối thế kỷ thứ 8 cùng thời gian với nhóm tháp Pô Ðam, có kiểu xây, chất kết dính và cách xây hoàn toàn giống như các nhóm tháp ở đây".
Theo tiến sĩ Lê Ðình Phụng (Viện Khảo cổ), việc phát hiện hệ thống tường gạch dẫn lên khu đền tháp Pô Ðam giúp các nhà khoa học có một nhận thức mới về hệ thống tháp này trong tổng thể của những kiến trúc di tích Chăm. Trước hết, kiến trúc hiện còn một phần và tường dẫn lên cho thấy tháp đã đổ chính là tháp chính của nhóm đền tháp Pô Ðam.
Trong hệ thống tháp Champa hiện còn ở miền Trung Việt Nam, Pô Ðam này là nhóm tháp có niên đại sớm nhất. Do đó việc khai quật, khảo cổ toàn diện di tích này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu kiến trúc Champa cổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận