18/12/2008 09:44 GMT+7

Hướng Dương - mười năm một gánh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTCT - Thư viện sách nói dành cho người mù kỷ niệm 10 năm hoạt động, báo Tuổi Trẻ tặng Hướng Dương giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi”. Ai cũng bảo tưởng Hướng Dương đã có giải thưởng này lâu lắm rồi vì chị xứng đáng với nhiều huân chương, huy chương khác nữa.

zzpUqchE.jpgPhóng to
Hướng Dương cùng hát với các em học sinh khiếm thị "sống trên đời cần có một tấm lòng" trong đêm hội kỷ niệm 10 năm thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù tối 3-12-2008 tại Nhà hát Bến Thành - Ảnh: T.T.D

Mười năm, quãng thời gian không ngắn trong một đời người, càng dài với tuổi thanh xuân của một cô gái, càng dài nữa khi cô gái ấy phải bước đi mười năm trên đôi chân giả. Nhưng những gì Hướng Dương đã làm còn dài hơn mười năm, lớn hơn những gì một cô gái có thể làm trong thời xuân sắc. Ấy là Thư viện sách nói dành cho người mù.

Quẳng gánh lo đi và vui sống

Qua những ngày vật vã, đớn đau thể xác và chết điếng tinh thần khi một tai nạn khủng khiếp cướp mất đôi chân cùng sự nghiệp, ước mơ, hạnh phúc ở tuổi 25, vừa đi lại được trên đôi chân giả, Hướng Dương đã nghĩ đến chuyện đi tìm niềm vui không phải cho mình mà cho người khác. Có được sự chuyển biến ấy, như Hướng Dương kể, là nhờ cuốn sách Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie.

Năm 18 tuổi, Hướng Dương đã chép bài thơ trong sách dán lên đầu giường mình: Chào bình minh/ Hãy chăm chú vào ngày hôm nay/ Vì nó đời sống, chính là sự sống của đời sống/ Nó tuy ngắn ngủi/ Nhưng chứa tất cả chân lý về đời ta..., nhưng chính những ngày này chị mới thấm thía như đó chính là những câu thơ được viết riêng cho mình. “Không tránh được thì nhận đi và tìm cách cải thiện nó. Đã xác định mình không còn gì thì từ đó, tất cả chỉ có lợi chứ đâu còn hại” - Carnegie viết vậy và Hướng Dương lấy đó làm kim chỉ nam. Nụ cười trở lại với chị.

uWZjJMNP.jpgPhóng to
Hướng Dương trong một chương trình sinh hoạt "Ánh sáng từ trái tim" do nhóm Những Ước mơ xanh tổ chức - Ảnh: P.Vũ

Sau đó là những ngày mang màu vàng của nắng, màu xanh của lá, màu hồng của hoa đến với Trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Đọc sách từ phòng này sang phòng kia, nhìn ngắm nét mặt các em hân hoan đến say sưa khi nghe kể chuyện, trông ngóng đến hờn dỗi khi chị chưa đến kịp, Hướng Dương tự bảo mình còn hạnh phúc, đang có thêm nhiều hạnh phúc và phải làm nhiều hơn nữa. Một cassette, vài cuộn băng, một cuốn sách, một phòng học vắng, Hướng Dương đóng cửa, đọc và đọc. Đọc đến mệt nhoài. Và những cuộn băng sách nói đầu tiên ra đời.

Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 101 của báo Tuổi Trẻ tài trợ Hướng Dương một dàn thu âm thanh, Công ty Thế kỷ 21 cho mượn một phòng làm việc trống. Một mình Hướng Dương trong căn phòng vắng tự đọc, tự thu, tự lồng những tiếng chim, tiếng gió, tiếng sóng, tự in sang băng đĩa... Rồi những phát thanh viên của đài phát thanh, đài truyền hình đến chung sức, những mạnh thường quân mang đến những thùng băng trắng, những “đơn đặt hàng” tới tấp từ các trường, các cơ sở người mù, thêm Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM tạo điều kiện... Thư viện sách nói dành cho người mù từ đó nên vóc, nên hình.

Việc đọc sách nói không còn kiêm thêm những phút đắm mình vào thế giới thần tiên của chuyện cổ tích, hay tìm sự thanh thản trong những bài học làm người nữa mà bắt đầu những nhọc nhằn thật sự. Hướng Dương và những đồng nghiệp của chị phải cẩn trọng đọc từng dòng, từng chữ trong sách giáo khoa, chính xác từng cách phát âm, từng ký hiệu hóa, lý học, từng dấu cộng, trừ. Cam kết “các em học đến đâu, thư viện sách nói theo tới đó” đã là cứu tinh của không chỉ học sinh mù mà của cả các giáo viên vì sản xuất ra một cuốn sách chữ Braille là cả một kỳ công và tốn kém.

Mười năm, hàng trăm học sinh khiếm thị đã lên đại học và cả cao học. Bắt đầu mùa khai trường là phòng thu của Thư viện sách nói hoạt động hết công suất, lịch đọc ken dày đủ các loại giáo trình, sách tham khảo, kể cả các tài liệu nghiên cứu khoa học, cả luận văn, luận án cần thiết. Gần đến mùa thi, các em căng thẳng một thì các anh chị làm sách nói căng thẳng gấp đôi, phải chia nhau để có các loại tài liệu ôn thi “biết nói” mà đôi khi nó chỉ phục vụ cho một vài em có yêu cầu.

Bù lại, các anh chị ở thư viện thường xuyên nhận được những lá thư, bài thơ và cả kết quả học tập mà các em gửi tới như một sự tri ân. Cũng không phải tự nhiên mà rất nhiều em đã chọn khoa sư phạm, khoa xã hội học để theo học với ước nguyện sau này sẽ giúp những người đồng cảnh, như Trần Anh Thi, sinh viên khoa giáo dục đặc biệt ĐH Sư phạm TP.HCM. SV khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích “bắt các anh chị sáng mắt phải giúp chúng em hoài, cực quá. Em mong học xong sẽ biết cách thay các anh chị ấy”.

Thi viết “Cũng đôi mắt và hai bàn tay ấy/ Nhưng em tôi chưa hiểu hết bao điều/ Trước lòng người thề nào là rộng hẹp/ “Hồng là gì, con chưa hiểu, thầy ơi?”/ Thầy sẽ dạy cho em màu trắng trước/ Như tuyết đêm đông, như sương đọng trên cao/ Để em sưởi bằng màu hồng tri thức/ Để em sống bằng tình yêu khát vọng/ Của riêng thầy và cũng của riêng em…”.

Gánh nặng vẫn oằn vai

Mười năm qua, Thư viện sách nói đã phát hành 821 đầu sách nói, tặng 145.000 băng sách nói cho 75 đơn vị trường khiếm thị và các hội người khiếm thị trên cả nước, giúp hơn 440 học sinh sinh viên khiếm thị được cấp học bổng, tặng tay giả và xe lăn cho người khuyết tật.

Thông qua thư viện, từ mười năm nay, các em sinh viên khiếm thị được Hội Diễn đàn Việt (VFF) tại Mỹ tài trợ học bổng trong suốt quá trình học đại học. Nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập, thư viện đã vận động các nhà tài trợ cấp 100 học bổng “Vượt qua bóng tối” cho các học sinh khiếm thị học giỏi, vượt khó, 39 học bổng dành cho sinh viên khiếm thị và 16 máy tính xách tay cho các bạn sinh viên khiếm thị có điểm trung bình trên 7,0...

Mười năm, tâm sức của Hướng Dương, những kết quả của Thư viện sách nói đã được xã hội công nhận. Nhưng vẫn còn rất nhiều góc khuất không ngờ. Mười năm, cung cấp sách nói cho hầu hết học sinh, sinh viên khiếm thị, các câu lạc bộ, các hội người mù trên toàn quốc, bao nhiêu người sáng mắt cũng say mê nhưng phòng thu của thư viện vẫn là một căn phòng nhỏ xíu trên gác của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, dàn máy được một nhà tài trợ Nhật Bản tặng sử dụng đã sáu năm, nhân viên vẫn chỉ là vài ba người khuyết tật đến làm với tinh thần “thiện nguyện là chính”. Mười năm, khối công việc ngày một nặng vẫn oằn gánh trên đôi vai Hướng Dương và cô Tuyết Ngọc, mẹ chị.

Hướng Dương tỉ mẩn chọn lựa, biên tập từng cuốn sách cho phù hợp với tâm lý người mù. Hướng Dương ngược xuôi trên đôi chân tật nguyền đi vận động học bổng, máy vi tính cho học sinh khiếm thị. Hướng Dương ngồi trong phòng thu đến lúc cảm giác tê dại lan đến từng ngón tay. Cô Ngọc thì luôn tất tả với nhiệm vụ “làm đôi chân của Hướng Dương và của thư viện”: gửi thư - cô Ngọc, gặp các nhà tài trợ - cô Ngọc, dán nhãn băng đĩa, đóng thùng gửi đi - cô Ngọc...

Đã bao ngày, bao đêm, hai mẹ con bàn nhau tìm hướng phát triển thư viện, sao cho không còn phải phụ thuộc vào các nhà tài trợ, nhiều dự án được những người bạn đồng hành với thư viện sách nói như anh Phạm Đức Trung Kiên đưa ra... nhưng rồi tất cả vẫn chưa thực hiện được.

Không phải cứ nói mình vui là có thể vui, nghĩ mình hạnh phúc là có thể hạnh phúc. Nhiều lần Hướng Dương đã ngồi thừ ra vì chán nản, muốn buông bỏ vì bất lực. Rồi lại những vết thương cũ hành hạ. Ở hai mỏm cụt nơi chân chị thịt đã lành, xương đã mất nhưng những đầu dây thần kinh vẫn cứ nhú ra, một thời gian lại phải phẫu thuật. Kháng sinh dùng nhiều khiến tóc rụng, chân tay phù. “Rồi cũng đến lúc mình sẽ phải đi xe lăn, hai chân giả đâu trụ vững mãi được” - Hướng Dương bảo thế và nghĩ đến thư viện sách nói. Đã gần mười năm, thư viện có thể vẫn hoạt động nếu không có Hướng Dương?

Năm 2007, trong một đợt suy kiệt về sức khỏe, mệt mỏi về tinh thần, Hướng Dương nghỉ, cô Ngọc cũng ở nhà theo. Sáu tháng ròng chị ở nhà ăn cơm gạo lức muối mè, tập thể dục, tụng kinh, lên chùa. Sáu tháng ấy, thư viện sách nói... ngưng hoạt động. Dù Hướng Dương luôn nói “vắng tôi thì chợ vẫn đông” nhưng vai trò của chị thật sự không thể thiếu.

Vắng Hướng Dương, anh nhân viên kỹ thuật trong phòng thu xin chuyển ra Hà Nội học thêm và tìm được việc làm tại đó. Các phát thanh viên, tình nguyện viên vẫn đến đăng ký lịch thu nhưng không có người làm kỹ thuật, các đĩa có sẵn cũng không thể in sang. Các nhà tài trợ cũng không đến nữa...

“Một công trình đâu thể chỉ phụ thuộc vào một cá nhân” - Hướng Dương lập luận thế và cương quyết... ở nhà. Các sinh viên, học sinh mù ngơ ngác, trông ngóng, gọi điện thoại, gửi thư cho chị với những lời tha thiết. Nhiều khách quen của thư viện sau nhiều lần đến Hội Phụ nữ từ thiện mà không thấy Hướng Dương đã lần hỏi, đón xe đến tận nhà. Một bác ở Phan Thiết gửi tặng một thùng nước mắm... Thế rồi như có thuốc tiên, tóc chị mọc trở lại đen mướt, thân mình săn gọn, tâm trí bình yên và trái tim thổn thức nhớ các em học sinh mù.

Chị xuất hiện trở lại trong những chương trình “Ánh sáng từ trái tim” do nhóm Những ước mơ xanh tổ chức thường niên dành cho trẻ khiếm thị. Và đầu năm 2008, Hướng Dương trở lại phòng thu, một mình vừa đọc vừa cặm cụi làm luôn phần kỹ thuật. Có Hướng Dương, thư viện sách nói hồi sinh, lịch đọc lại ken dày, những thùng băng đĩa lại tấp nập được gửi đi, chương trình kỷ niệm mười năm thành lập thư viện lại hào hứng khởi động...

XWAxsNUD.jpgPhóng to
Chị Hướng Dương trao học bổng "Vượt qua bóng tối" cho các em học sinh khiếm thị ngày 16-11-2008 - Ảnh: Ngọc Châu

Thế nhưng mọi việc không thể trở lại như cũ. Canh cánh bên lòng Hướng Dương, cô Tuyết Ngọc và tất cả những ai đến với thư viện sách nói hôm nay là việc phải tìm ra một chiến lược, một hướng đi để Thư viện sách nói có thể tiếp tục phát triển và phát triển bền vững. Chưa bao giờ việc chung tay với Hướng Dương được đặt ra cấp thiết như bây giờ, như Hướng Dương bảo: “Không cần hoa, không cần quà, không cần giải thưởng và những lời chúc mừng, chỉ cần mọi người tìm cách giúp thư viện sách nói. Các em học sinh khiếm thị cần sách nói chứ không phải cần bản thân Hướng Dương”.

Như khi đã quyết định rời khỏi giường bệnh để tiếp tục những bước đi dài, hẳn nhiên là lần này Hướng Dương cũng đúng.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên