01/12/2018 21:54 GMT+7

Hong Kong - "Hollywood phương Đông" tàn phai sau 40 năm?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Sau 40 năm cải cách, ngành công nghiệp phim ảnh của Trung Quốc giờ đã vượt xa Hong Kong về số sản phẩm, số người xem và doanh thu. Chuyện gì đã xảy ra với "Hollywood của phương Đông"?

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 1.

Diễn viên Thành Long trong loạt phim "Câu chuyện cảnh sát" vào thập niên 1980 và 1990 - Ảnh: ALAMY

40 năm cải cách và mở cửa ở Trung Quốc không chỉ có những khoản đầu tư khổng lồ, những dự án hạ tầng mọc như nấm sau mưa, hay vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới… mà còn là cuộc chiến giành thế thượng phong trên đấu trường phim ảnh với xứ Cảng Thơm.

Diên Hi Công Lược - minh chứng của sự chuyển mình

Những năm 1960-1970, người dân đại lục ít xem các bộ phim truyền hình hay phim điện ảnh. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa, các bộ phim Hong Kong bắt đầu "tràn" vào.

Những bộ phim kinh điển bắt đầu cho người dân Trung Quốc đại lục một cái nhìn khác về thế giới bên ngoài, về cuộc sống phố thị đầy ánh hào quang và về những thứ mà sự chuyển mình của Trung Quốc sẽ đem lại trong tương lai.

Và rồi khi Trung Quốc đại lục sẵn sàng đầu tư vào ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, đó cũng là lúc "Hollywood của phương Đông" dần mất phong độ.

Ngày nay, các tác phẩm truyền hình và điện ảnh Trung Quốc đại lục trở nên phổ biến ở Hong Kong, đồng thời thống trị tại xứ Cảng Thơm xét về số tác phẩm, lượt xem và doanh thu phòng vé.

Một ngày chủ nhật của tháng 8 năm nay, một tập phim của tác phẩm cung đấu Diên Hi Công Lược (The Story of Yanxi Palace) cán mốc 530 triệu người xem trực tuyến, lập nên kỷ lục.

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 2.

Nhân vật Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn đóng) và Phú Sát Phó Hằng (Hứa Khải đóng) trong bộ phim ‘Diên Hi Công Lược’ - Ảnh: SINA

Bộ phim truyền hình dài 70 tập đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt không chỉ ở Trung Quốc đại lục, mà còn ở Hong Kong. Diên Hi Công Lược còn trở thành bộ phim truyền hình gây tiếng vang lớn nhất năm 2018 được chiếu trên đài TVB - đài truyền hình thương mại lớn nhất Hong Kong.

Với chi phí sản xuất 300 triệu nhân dân tệ (1.007 tỉ đồng), sự thành công của Diên Hi Công Lược cũng chính là hình ảnh thu nhỏ đại diện cho sự chuyển mình to lớn của ngành công nghiệp phim ảnh tại Trung Quốc trong 40 năm qua, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Năm tháng huy hoàng của xứ Cảng Thơm

Hồi tưởng lại những năm tháng huy hoàng, nam diễn viên Hong Kong Điền Khải Văn chia sẻ: "Chúng ta là Hollywood của phương Đông. Những con người tài năng đã tụ hội ở một chốn nhỏ như thế".

Khi gia nhập ngành công nghiệp phim ảnh vào năm 1979, nam diễn viên kiêm nhà sản xuất Điền Khải Văn, người đứng đầu Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong (FHKF), chỉ là một thiếu niên thời điểm đó. Giờ đã 56 tuổi, Điền Khải Văn cho biết ông thật may mắn khi là một phần của kỷ nguyên vàng trong thập niên 1980 và 1990.

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 3.

Lưu Đức Hoa trong phim "Thần điêu đại hiệp" (1983) - Ảnh: SINA

Giai đoạn 1979-1999, Hong Kong sản xuất trung bình 133 phim mỗi năm, lên tới đỉnh điểm 200 phim/năm vào năm 1992 và 1993. Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục, ít hơn 100 phim được sản xuất mỗi năm vào thập niên 1980. Phim điện ảnh của đại lục thậm chí sa sút vào thập niên 1990 khi truyền hình thắng thế.

Tiến sĩ Lư Vĩ Lực - chuyên gia về lịch sử phim ảnh Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong (HKBU) - nhớ lại vào năm 1983, bộ phim võ thuật Thiếu Lâm Tự (The Shaolin Temple) do Lý Liên Kiệt đóng đã được 50 triệu người xem ở Trung Quốc đại lục.

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 4.

Đúng thật Hong Kong là "Hollywood của phương Đông" bởi không chỉ phim ảnh mà âm nhạc cũng đã khắc sâu vào tim bao thế hệ 8X, 9X. Và hẳn không ai quên được nhóm "Tứ đại thiên vương" - Ảnh: SINA

Xuyên suốt thập niên 1980 và 1990, một làn sóng phim truyền hình từ Hong Kong bắt đầu lan tỏa khắp Trung Quốc đại lục.

Đại hiệp Hoắc Nguyên Giáp (1981) là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hong Kong được phép du nhập và công chiếu ở đại lục vào năm 1983, hai năm sau khi công chiếu tại thị trường địa phương.

Nữ diễn viên Uông Minh Thuyên, hiện 71 tuổi, còn nhớ như in lần bà được mời đến thành phố Quảng Châu để dự live show đầu tiên vào năm 1979.

Người đời thắp nến tiễn biệt Kim Dung ở thành cổ Tương Dương sau khi ông tạ thế hồi cuối tháng 10 - BÌNH AN

Nhiều bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung tung ra liên tục sau đó, chẳng hạn Thần điêu đại hiệpLộc Đỉnh ký. Nhiều ngôi sao như Huỳnh Nhật Hoa, Ông Mỹ Linh, Miêu Kiều Vĩ, Lương Triều Vĩ và Lưu Đức Hoa sớm nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục.

"Hong Kong đại diện cho sự mới mẻ, giàu có, thời trang và những cơ hội dành cho khán giả đại lục. Các bộ phim Hong Kong là một cánh cửa để khán giả đại lục nhìn ra thế giới bên ngoài", bà Chu Ảnh, giáo sư về văn hóa truyền hình Trung Quốc tại HKBU, chia sẻ.

Trung Quốc tiếp thu tinh hoa và sự chuyển mình ngoạn mục

Trước sự phát triển mạnh mẽ ở xứ Cảng Thơm, Trung Quốc đại lục đã bắt đầu khuyến khích ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình địa phương phát triển. Phía Hong Kong cũng hỗ trợ bằng việc cấp vốn, cử chuyên gia cũng như chia sẻ kinh nghiệm.

"Chúng tôi thật sự đã có những đóng góp to lớn cho đại lục vào thời kỳ đầu cải cách và mở cửa. Chúng tôi mang đến cho họ công nghệ, các đạo diễn, máy móc, người mẫu, đoàn làm phim chuyên nghiệp… vì chúng tôi hiểu biết nhiều hơn họ", nữ diễn viên Uông Minh Thuyên cho biết.

Bà chia sẻ: "Trung Quốc đại lục không chỉ dừng lại ở việc mua bản quyền. Họ còn thuê toàn bộ êkip sau một chương trình để tiếp tục quay cho đến khi họ nắm bắt thuần thục".

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 6.

Diễn viên Châu Tấn trong phim "Hậu cung Như Ý truyện" (2018) - Ảnh: WEIBO

Trung Quốc đại lục bắt đầu cuộc tranh giành ảnh hưởng với Hong Kong vào thập niên 1990, khi các đài truyền hình mới mọc lên như nấm ở đại lục. Việc sản xuất chương trình cũng nở rộ trong khi Bắc Kinh hoan nghênh dòng vốn tư nhân - nước ngoài cho các sản phẩm hợp tác chung.

Có lẽ bộ phim truyền hình Hong Kong cuối cùng "hạ cánh" tại đại lục là Thâm Cung Nội Chiến (War And Beauty, 2004). Bộ phim dài 30 tập lấy bối cảnh ở Tử Cấm Thành, vào thời nhà Thanh trong những năm trị vì của hoàng đế Gia Khánh.

Bộ phim được công chiếu ở Trung Quốc đại lục hai năm sau đó và được cho là nguồn cảm hứng cho làn sóng phim cung đấu tại đây.

Năm 2011, có ít nhất 8 bộ phim cung đấu như vậy được sản xuất tại đại lục, trong đó có Hậu cung Chân Hoàn truyện (Empresses in the Palace) dài 76 tập.

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 7.

Diễn viên Tôn Lệ (giữa) trong 'Hậu cung Chân Hoàn truyện (2011) - Ảnh: SCMP

Trước đó, năm 2007, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất phim truyền hình lớn nhất thế giới, cho ra 15.000 tập phim/năm.

Việc sản xuất ồ ạt tới mức các kênh truyền hình truyền thống quá tải. Đến năm 2013, Internet bất ngờ trở thành nền tảng chính thay thế. Một năm sau, 250 bộ phim với tổng cộng 2.918 tập dành cho các cổng streaming trực tuyến, hoặc do chính họ sản xuất.

"Mọi thứ giờ đã thay đổi vì đại lục đã có được kĩ thuật để sản xuất những bộ phim tinh vi dành cho họ. Trung Quốc đại lục đã định vị họ là vùng đất của cơ hội mới", bà Chu Ảnh tại HKBU nhận định.

Trong khi đó, nữ diễn viên Uông Minh Thuyên đánh giá: "Đại lục hiện có nhiều đất khai thác, tài năng cùng nguồn vốn. Một số nghệ sĩ có thể kiếm vài trăm ngàn nhân dân tệ chỉ với việc hát vài ca khúc. Điều này là không thể ở Hong Kong".

Hong Kong - Hollywood phương Đông tàn phai sau 40 năm? - Ảnh 8.

"Ảnh" - tác phẩm điện ảnh mới của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu, với sự tham gia của vợ chồng diễn viên Đặng Siêu và Tôn Lệ - Ảnh: WEIBO

Theo SCMP, đối với ngành công nghiệp giải trí của Hong Kong, câu hỏi lớn vào lúc này là "Hollywood của phương Đông" sẽ hợp nhất với Trung Quốc đại lục hay vẫn tách biệt "một mình một cõi".

Dàn sao Trung Quốc và Đài Loan ăn miếng, trả miếng ở lễ trao giải Kim Mã Dàn sao Trung Quốc và Đài Loan ăn miếng, trả miếng ở lễ trao giải Kim Mã

TTO - Lễ trao giải Kim Mã ở Đài Loan bỗng biến thành một cuộc tranh cãi chính trị sau khi một nữ đạo diễn Đài Loan có phát ngôn 'nhạy cảm' tại sự kiện này.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên