Thông tin được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo trước Quốc hội khi thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sáng 3-11.
Cao tốc nối Lạng Sơn đến Cà Mau
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết từ Lạng Sơn đến Cà Mau hiện đã hình thành sẵn một số đoạn cao tốc. Cụ thể, đoạn từ Hà Nội - Lạng Sơn dài 167km đã đưa vào khai thác 60km, đang đầu tư 64km và đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xác định được nguồn vốn 43km.
Đoạn Hà Nội - TP.HCM dài 1.622km đã đưa vào khai thác 123km, đang đầu tư 208km còn lại 1.372km cần đầu tư và mở rộng lên 4 làn xe.
Đoạn TP.HCM - Cần Thơ dài 170km, đã đưa vào khai thác 40km, đang đầu tư 51km, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xác định được nguồn vốn 24km.
Để nối thông tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 dài khoảng 7km và kêu gọi nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc.
Đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 150km, theo quy hoạch sẽ có đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau dài 150km. Và hiện trên hành lang vận tải từ Cần Thơ đến TP Cà Mau có 2 tuyến song hành, gồm quốc lộ 1 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đường cao tốc trên hành lang Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP Cà Mau đã đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km, đã xác định được nguồn vốn và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km.
Còn lại 1.372km trên đoạn Hà Nội - TP.HCM, 150km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau và 7km cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.
8.200 hộ dân bị ảnh hưởng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỉ đồng, theo mặt bằng giá quý 2-2017. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng.
Để thực hiện dự án cần khoảng 3.736ha đất, trong đó đa số là đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đồi núi...
Dự kiến có khoảng 8.200 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phải tái định cư 2.020 hộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo giá quý 2-2017 khoảng 14.155 tỉ đồng.
Để mau chóng có mặt bằng thực hiện, Chính phủ đề nghị tách các dự án giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập theo địa giới các tỉnh, thành và giao các địa phương liên quan tổ chức thực hiện.
Và chỉ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch các đoạn đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận