11/02/2006 01:14 GMT+7

Hội Lim, hi vọng mãi còn quan họ...

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Hàng chục ngàn du khách đã đổ về Hội Lim tham gia các lễ hội truyền thống. Hội Lim năm nay được tổ chức qui củ hơn nhưng nhờ... cúp điện, khách mới nghe tiếng hát "mộc" thanh thoát của các liền anh, liền chị.

AzU7wmkZ.jpgPhóng to
Du khách cho tiền liền anh, liền chị - Ảnh: XUÂN BÌNH
TT - Hàng chục ngàn du khách đã đổ về Hội Lim tham gia các lễ hội truyền thống. Hội Lim năm nay được tổ chức qui củ hơn nhưng nhờ... cúp điện, khách mới nghe tiếng hát "mộc" thanh thoát của các liền anh, liền chị.

An toàn, sạch sẽ

Khoảng 6 giờ sáng 10-2, tức 13 tháng giêng âm lịch, đến hẹn lại lên, khoảng 40.000 du khách tứ xứ đã đổ về đồi Lim (xã Lũng Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để dự lễ rước bài vị từ chùa Hồng Ân trên đỉnh đồi Lim vào đình làng Lũng Giang. Từ ngoài mồng 10, ở đồng bằng Bắc bộ trời càng ngày càng rét, sáng sớm chỉ 13-140C nhưng không vì thế mà dòng người đổ về các vùng quê văn vật tham gia các lễ hội truyền thống giảm đi chút nào.

Khoảng 9 giờ sáng qua, khi khách từ Hà Nội sang, từ Hải Phòng lên và Lạng Sơn xuống dồn dập, lượng xe lưu thông trên quãng đường ngắn từ ngã ba đường 5 đến thị trấn Từ Sơn lên đến hàng ngàn chiếc, lực lượng cảnh sát giao thông đã phải làm việc cật lực để phân luồng và hướng dẫn giao thông, đảm bảo đường từ trung tâm thị trấn Từ Sơn đến Hội Lim (khoảng 10km) chỉ nghẽn cục bộ từng thời gian ngắn chứ không bị tắc.

Khu vực trung tâm Hội Lim năm nay được qui hoạch lại khang trang, có sân đón tiếp, bãi đỗ xe, có khu vui chơi riêng, khu hành lễ riêng và khu hát quan họ riêng. Ban tổ chức đã hết sức cố gắng để có một lễ hội tương đối an toàn và sạch sẽ. Thùng rác và nhà vệ sinh tuy ít nhưng cũng đã có và được đặt ở nơi thuận tiện, giá cả trông xe không bị chặt chém, người dân cũng không xô ra đường mời chào, níu kéo khách, làm mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.

Cũng như các lễ hội khác, Hội Lim còn hấp dẫn ở các trò đánh cờ người, thi thổi cơm (có cả cỗ cơm gà ở Lũng Giang và cơm cỗ chay ở Lũng Sơn), thi đánh đu tiên, đấu vật, tổ tôm điếm, chọi gà, dệt cửi... Người xem rất đông nhưng khá trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy dẫn đến móc túi hay đánh nhau thường thấy ở các lễ hội gần đây. Không thấy các trò chơi nặng tính cờ bạc như lôtô, ném vòng treo, ném vòng cổ chai, người ăn xin cũng rất ít.

Nhẹ người vì cúp điện

Ban tổ chức khá chu đáo khi bố trí dày đặc hệ thống micro cho mỗi nhóm hát, mỗi trại hát, thuyền hát. Càng chu đáo hơn khi đặt các hệ thống tăng âm đều nhau san sát ở tất cả các chỗ tụ họp đông người. Chính vì vậy mà tiếng loa ở chỗ đấu vật vọng sang chỗ chọi gà, loa trên thuyền quan họ át tiếng hát thi của các trại quan họ, loa to quá khiến người ta rất khó nghe được lời mà chỉ có thể dựa vào giai điệu quen thuộc để đoán ra bài hát.

Chính vì thế khi đột ngột xảy ra sự cố mất điện lúc khoảng 11 giờ trưa, rất nhiều du khách đã nhẹ người thở phào vì thoát khỏi tiếng loa tra tấn mà được nghe âm thanh “mộc” từ các lão bà đã lên hàng đại thọ 90 như cụ Lịch, cụ Bẩy ở Lũng Giang trong điệu La rằng lời cổ cực kỳ khó hát, hay nghe giọng ngọt như mía lùi của chị Luyến, chị Tâm ở làng Diềm trong câu hát Ba vì: “Thuyền ai lờ lững bên sông - có nằm đợi khách hay chăng hỡi thuyền”. Hai liền anh, một bán hàng nước tên Tuấn và một thợ mộc tên Thoa cũng tranh thủ lúc vắng tiếng loa mà tình tứ: “Những là đáy biển mò kim - mà tôi lận đận đi tìm nhân duyên”.

Không quan tâm “chớp thời cơ” như các cụ bà và các liền anh liền chị đứng tuổi, các anh tư, chị năm tuổi chỉ đôi tám tranh thủ… tô lại son phấn và… giở cơm nắm, bánh chưng, giò thủ ra ăn trưa. Quan họ là đời thực, không phải là sân khấu, không có màn che nên tất cả đều thanh thiên bạch nhật, chỉ tội mấy cậu Tây balô trót say tiếng hát và vẻ lúng liếng quan họ thấy vậy thì… chĩa ống kính chụp lấy chụp để rồi… tháo lui.

Nhưng buồn hơn cả vẫn là màn… quan họ xin tiền. Danh nghĩa thì không ai xin ai, nhưng một cái tráp to tướng mở nắp để tênh hênh trên thuyền, mà thuyền thì cứ đi sát vào bờ, vừa tầm cho khách ném tiền vào tráp. Nhìn những tờ 2.000, 5.000, 10.000đ cứ đầy dần lên trong tráp mà thấy thương cho quan họ. Anh hai, chị hai không còn tâm trí nào mà La rằng với Ba vì, không còn sức đâu mà đua giọng bỉ với giọng vặt, chẳng ai chấm điểm vang, rền, nền, nẩy, chỉ hát những “quan họ đời mới” cho nhẹ nợ, cho dễ, cho nhanh.

Ở các trại quan họ (có bốn trại như vậy dựng trên sườn đồi Lim), quan họ “xin” cũng “nhã” hơn: không đưa tiền trực tiếp mà có chị hai tha thướt bưng cơi trầu têm cánh phượng đi mời khách, khách nhón một miếng trầu và tùy tâm đặt vào cơi 500, 1.000, 2.000 hay 5.000đ... Tiền mua câu hát hay mua miếng trầu thì cũng vậy, nó làm cho câu hát không còn trong, dẫu không ai dám nói là đục, và nghe cứ chơi vơi, hờn tủi thế nào.

Quan họ còn hai ngày nữa mới giã bạn. Còn hai đêm hát thâu canh trong những chiếu quan họ không micro, không loa, không tiền. Ai cũng hi vọng ở đó còn quan họ, thật tình.

Quan họ là kết tinh sinh hoạt dân ca VNLập hồ sơ đề nghị công nhận quan họ là di sản thế giới

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên