15/01/2018 15:28 GMT+7

Học văn hóa đổ rác của người Hàn

TRẦN MAI NHÂN (Hàn Quốc)
TRẦN MAI NHÂN (Hàn Quốc)

TTO - Thật chạnh lòng khi đọc bài viết “Công nhân vệ sinh ngày càng khốn khó” (Tuổi Trẻ ngày 13-1). Không thể chậm trễ hơn, chúng ta phải thay đổi ngay cách ứng xử với rác để giảm thiểu nhọc nhằn cho các lao công này.

Học văn hóa đổ rác của người Hàn - Ảnh 1.

Người Hàn Quốc có thói quen phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định - Ảnh: T.M.N.

Trong vấn đề này, chúng ta không thể không học người Hàn Quốc bởi đây là một quốc gia có nguyên tắc đổ rác, phân loại rác (rác thường, rác thải thực phẩm, rác tái chế, rác thải có kích thước lớn) rất nghiêm ngặt.

Ấn tượng người Hàn phân loại rác

Với người Hàn, xử lý rác không đơn giản chỉ đổ rác mà là "phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định". Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được giáo dục về "văn hóa đổ rác" từ cách nhận biết các chất liệu, cách thu gom, phân loại rác và ý thức để rác đúng nơi, đúng chỗ. Rồi màu sắc của túi đựng rác ở mỗi địa phương cũng khác nhau... Nếu đổ rác không đúng quy định, người dân sẽ bị phạt rất nặng.

Đó là lý do vì sao khi tham gia các lễ hội, các sự kiện lớn có đến hàng ngàn người ở Hàn Quốc, chúng ta không hề thấy người dân vứt rác bừa bãi. Tôi đã chứng kiến hàng biển người khi xem bắn pháo hoa ở sông Hàn, họ cùng gia đình mang thức ăn theo, trải bạt trên các bãi đất trống dọc bờ sông vừa ăn vừa xem pháo hoa. Nhưng khi ra về, tất cả đều được thu dọn sạch sẽ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, không ai tiện tay vứt một bao nilông hay hộp bánh kẹo ra đường.

Vì vậy, khi đến làm việc ở Hàn Quốc, việc đầu tiên tôi phải học là học văn hóa đổ rác của họ. Học, trước hết là để không phạm luật, sau là để không làm xấu mặt người Việt mình. Khi mới sang, tôi thường đứng trên cửa sổ tầng 3 của ký túc xá quan sát cách người ta bỏ rác. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh những người đàn ông đứng phân loại rác và bỏ rác dưới trời giá lạnh một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Có những vị giáo sư trước khi đi làm, đã thắng bộ veston nhưng tay vẫn xách theo túi rác đến điểm đặt thùng rác, rồi cẩn thận và tỉ mỉ, lấy ra từng loại cho vào những thùng khác nhau. Với các chai nước suối, họ gỡ nhãn bỏ riêng, dốc sạch nước trong chai, bóp xẹp vỏ chai rồi mới cho vào thùng rác tái chế, sau đó lên xe hơi đến trường. Nhìn những hình ảnh ấy, chúng ta sẽ càng hiểu hơn vì sao đất nước họ phát triển nhanh, trở thành một quốc gia văn minh hiện đại như vậy chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhân văn hơn với người lao công

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của bè bạn năm châu. Bên cạnh những điểm tốt được thừa nhận thì bạn bè nước ngoài vẫn có ấn tượng không tốt về người Việt khi nhìn thấy người dân vô tư xả rác ra môi trường. Thậm chí, một vài người nước ngoài còn phải ra tay nhặt rác để làm sạch môi trường cho đất nước chúng ta.

Không thể chậm trễ hơn nữa, ngay bây giờ chúng ta phải kiên quyết thực hiện việc phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là ở các thành phố lớn. Một mặt, phải tích cực giáo dục, hướng dẫn người dân phân loại rác; mặt khác, cần quy định phạt thật nặng những ai không thực hiện tốt việc phân loại rác và xả rác bừa bãi ra môi trường. Phải thực hiện đồng bộ việc này từ trong gia đình, nhà trường, các cơ quan công sở đến những nơi công cộng.

Thực sự, thói quen là do mình tập nên. Trước kia tôi cũng đổ chung các loại rác vào với nhau nhưng bây giờ, mỗi khi về nước, tôi đều có thói quen phân loại ra thành các túi khác nhau, tiếc là khi mang đến nơi tập kết rác thì tất cả phải cho vào một thùng. Vì vậy, tôi tin chỉ cần phát động và ráo riết thực hiện trong một thời gian, chắc chắn vấn đề này sẽ được cải thiện.

Chỉ cần mỗi người có ý thức phân loại khi đi đổ rác sẽ giảm được biết bao nhiêu thời gian và sự nhọc nhằn cho người lao công. Đó cũng là lối sống nhân văn, biết nghĩ đến người khác mà chúng ta cần dạy cho thế hệ trẻ hôm nay. Khi đó, hình ảnh người Việt cũng như gương mặt của những thành phố trên đất nước mình sẽ trở nên đẹp hơn trong mắt bè bạn năm châu.

Phải bỏ thói xấu xả rác

Trong các ý kiến phản hồi của bạn đọc, có nhiều lời kêu gọi phải trân trọng người công nhân vệ sinh và giảm đi thói quen xả rác bừa bãi.

- Không có các anh chị công nhân vệ sinh thì chúng ta không thể có cuộc sống xanh - sạch - đẹp được đâu. Phải biết quý trọng họ. Bản thân mỗi người phải bỏ thói xấu vứt rác, xả nước thải... ngoài đường.

Trần Đức Nhã


- Đa số các hàng quán bán thức ăn dọc đường đều xả rác xuống ngay nơi miệng cống mà họ đang kinh doanh hằng ngày, gây khổ sở cho các anh em đi làm vệ sinh vô cùng. Mong bà con có ý thức để bỏ rác đúng chỗ.

Trần Văn Long


- Nhìn cảnh công nhân nạo vét cống thấy cực quá, nên mọi người phải có ý thức thu gom rác, phân loại và tránh tiện tay vứt vào miệng cống. Ngoài biện pháp tuyên truyền giáo dục, chính quyền cũng nên có biện pháp xử phạt các vi phạm môi trường bằng hình thức lao động công ích như: lau chùi nhà vệ sinh công cộng, quét rác, thông cống... cho họ biết cái cực, cái vất vả của người công nhân vệ sinh.

Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt


- Công nhân vệ sinh rất vất vả, môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm. Nhà nước nên có chính sách đặc biệt cho những người công nhân vệ sinh. Thành phố có sạch đẹp, cống thoát nước có tốt hay không phần nhiều là do những con người này. Xin chân thành cảm ơn các anh chị công nhân vệ sinh.

Minh Luân

TRẦN MAI NHÂN (Hàn Quốc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên