01/05/2018 13:41 GMT+7

Học ngay từ vườn rau công nghệ cao

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Khu vườn nằm trong Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều người bất ngờ về độ chuyên nghiệp.

Học ngay từ vườn rau công nghệ cao - Ảnh 1.

Học sinh khối 11 Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng chăm sóc vườn hoa trong nhà kính sắp đến ngày thu hoạch - Ảnh: M.VINH

Trong ngôi trường giữa lòng thành phố có một khu vườn trồng rau, hoa công nghệ cao. Khu vườn là nơi học sinh dân tộc nội trú thực hành các kiến thức về cây trồng, học nghề nông và cùng tạo quỹ khuyến học.

Khu vườn nằm trong Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều người bất ngờ về độ chuyên nghiệp, bởi không giống như những khoảnh hoa được làm theo kiểu "giáo cụ" để học sinh thực hành, thực hành xong lại bỏ hoang.

Khu vườn rộng hơn 500m2 được trang bị nhà kính, có hệ thống tưới phân thẩm thấu, tưới nước phun tự động để chuyên canh hoa. Một khoảnh đất khác nằm gần khu trồng hoa được trang bị hệ thống thủy canh trong nhà kính để trồng rau sạch. Nơi đây, thầy trò của trường thực hành sản xuất như nông dân công nghệ cao thực thụ.

"Rau, hoa đến kỳ thu hoạch được bán cho thương lái, tiền thu được sẽ dùng cho hoạt động phong trào của nhà trường và quỹ khuyến học của học sinh" - cô Phạm Thị Hồng, hiệu trưởng, cho biết. 

Nhìn vườn hoa đã đơm nụ khỏe mạnh, cô Hồng khoe: "Có người trả hơn 80 triệu, giành bao tiêu toàn bộ vườn hoa rồi đấy. Các em khéo tay chăm nên thầy cô hướng dẫn sơ là các em đã trồng được hoa ngay vụ đầu tiên. Nhiều người dò la mua hoa khen đẹp, khỏe và rất bất ngờ khi biết đó là công sức của các em học trò".

Cách đây một năm, vườn rau, hoa khang trang này từng là ổ muỗi mòng, cỏ dại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe các học sinh.

"Thầy cô chỉ hướng dẫn quy trình thôi, còn lại các em tự phân công chăm vườn. Các công đoạn như xuống giống, pha chế phân bón, hẹn giờ tưới nước, châm phân đều do các em tự làm" - thầy Nông Văn Hưng, bí thư Đoàn trường, hào hứng kể. Có tiếng cửa vườn mở, không cần nhìn, thầy Hưng nói: "Các bạn khối 11 xuống làm cỏ vườn đấy, hôm nay tới phiên tụi nhỏ".

Sau tiếng cửa mở là tiếng học trò phân công nhau rồi tỏa ra. "Có cây hoa nở rồi nè, đến lúc thu hoạch rồi" - nữ sinh Dạ Gút Phương reo lên, lập tức các bạn khác chạy tới và trầm trồ khen.

Nữ sinh Ká Bình nói: "Vui lắm, mỗi buổi sáng, chiều bọn mình đều làm vườn. Nhiều bạn, nhất là mấy bạn nam từ khi có việc làm vườn nên không còn trốn khỏi khu nội trú ra ngoài chơi nữa. Ngoan hẳn. Tiền bán rau, hoa sẽ giúp được các bạn nghèo nên mọi người thích lắm". 

Ánh mắt Ká Bình đang vui bỗng chuyển sang lo âu và bảo các bạn: "Vườn có bướm, cẩn thận phát sinh sâu".

Thầy Hưng cười: "Chỉ sau một mùa hoa với một mùa rau, kiến thức nghề nông của các em tốt hơn. Đa số các em biết cách xem thông số độ ẩm không khí mà đoán biết trong những ngày tới cây cối sẽ có hiện tượng gì và đưa ra phương án phòng trừ sâu bệnh". 

Nữ sinh Dạ Gút Phương nói thêm: "Các thầy cô hướng dẫn cơ bản về làm vườn, về hệ thống canh tác công nghệ cao. Sau đó dặn dò tra cứu từ sách và Internet cách chăm sóc cây. Sau khi học sinh tìm hiểu xong sẽ gặp thầy Hưng và cô Hồng trình bày kế hoạch để cùng làm vườn".

Cô Hồng tâm sự: "Làm vườn tương tự như việc làm tiểu luận vậy, các em phải ghi chép lại những gì quan sát được trong quá trình thực hiện. Công việc này còn giúp các em học một nghề cụ thể. Nếu sau này các em không đi tiếp con đường học vấn thì có thể quay về gia đình và làm nông hiệu quả. Học trò của trường toàn bộ xuất thân từ nông thôn, miền núi nên dạy cho các em yêu nghề nông và biết làm nông kiểu công nghệ cao là điều cần thiết".

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên