Phóng to |
Ảnh: Nhã Linh |
Tác giả của bộ sách hai cuốn này là những tên tuổi lớn của giáo dục xứ ta thời Pháp thuộc. Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận là những học giả, nhà văn, nhà giáo dục lừng danh một thời. Họ đã dày công biên soạn và để lại cho hậu thế một bộ sách sâu sắc mà giản dị, trải rộng nhiều lĩnh vực mà vẫn chặt chẽ. Và hơn hết, trong từng bài học, người học sẽ có cảm giác được yêu thương, được quan tâm hết mực của những người thầy đáng kính.
Bài học đầu tiên trong Quốc văn giáo khoa thư của lớp đồng ấu là “Tôi đi học”: “Năm nay tôi lên bảy tuổi. Tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học...”. Ðến trường, “tôi” được tập đọc, tập viết, học yêu mến giúp đỡ cha mẹ, rồi học về thân thể người ta. Cứ thế, từng bài học mở dần ra một chân trời rộng rãi, bao quát nhiều quan hệ của cuộc sống một con người. Học để biết yêu kính tổ tiên từ trong tâm khảm. Học để kính trên nhường dưới, sống thuận hòa có trước có sau. Và quan hệ không nghĩa là chỉ với con người. Quốc văn giáo khoa thư dạy cẩn trọng và rõ ràng về cảnh vật xung quanh, về những con gà, con chim, con cóc, con trâu... Thiên nhiên là chốn nâng đỡ cuộc sống con người, là nơi sự sống phát sinh. Học chậm rãi mà sâu sắc, để từng bài học thấm vào mao mạch.<?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Có những bài học trong Quốc văn giáo khoa thư có thể khiến người làm giáo dục tự xưng là hiện đại phải sựng người. Có nhiều bài như thế, chỉ xin dẫn một vài bài: Chơi đùa không phải vô ích (lớp dự bị), Không nên báo thù, Chí làm trai (lớp sơ đẳng)... Sẽ rất khó để so sánh chương trình học ở đầu thế kỷ trước và hiện nay, nhưng hẳn rằng cái sựng người ấy là biểu thị của lòng kính trọng sâu xa.
Luân lý giáo khoa thư, như cái tên của sách, gồm những bài học về luân lý. Có ba chương cho mỗi lớp lần lượt là: bổn phận của đứa trẻ trong gia đình, bổn phận của đứa trẻ ở học đường, và chương nói về những tính tốt, tính xấu của đứa trẻ. Lên lớp sơ đẳng có thêm chương về bổn phận đối với xã hội. Ngay ở phần đầu sách, những người biên soạn đã căn dặn người làm thầy trẻ con rằng: “Nói rút lại, bất cứ dạy những bổn phận đối với gia tộc hay đối với học đường, ông thầy phải giảng giải cho minh bạch và kỹ càng, mà dạy cho trẻ biết rằng các bổn phận ấy tuy chia ra như thế, nhưng thật có liên lạc với nhau: đứa con có hiếu trong nhà, ra trường tất là đứa học trò tốt, ra đường tất là đứa bé nết na”.
Cách dạy và học trong Luân lý giáo khoa thư có vẻ rỉ rả, chậm rãi, nhưng mưa dầm thấm lâu. Cái rỉ rả ấy sẽ theo suốt cuộc đời người học, rồi truyền căn cốt về lối sống cho đời con, đời cháu.
Với thời bây giờ, ngôn ngữ của bộ sách có phần giống đồ cổ, xưa cũ. Nhưng ngôn ngữ là cái vỏ cũ đi theo thời gian, còn nội dung của Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư vẫn cứ sáng rỡ ràng. Ðiều đó cho thấy tầm nhìn rất xa và rất sâu của những người biên soạn.
Những thế hệ học trò gần đây không còn được học giống như trong Quốc văn và Luân lý. Nhưng bộ sách được Nhà xuất bản Trẻ tái bản nhiều lần sẽ giúp cho mỗi người có cơ may được học lại vốn quý của tiền nhân. Tinh thần học nữa, học mãi sẽ soi rọi lại vào từng ngóc ngách tâm cảm của người lớn thời nay khi đọc lại bộ sách này. Chẳng có gì là quá lời cả, nếu bảo học Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư là học hoài không cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận