16/04/2018 00:29 GMT+7

Hoàng gia Thái loại bỏ cây thuốc phiện như thế nào?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Chiang Rai, tỉnh xa nhất phía bắc Thái Lan, nổi tiếng vì nằm trong vùng Tam giác vàng. Một dự án phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời giúp đẩy lùi thuốc phiện.

Hoàng gia Thái loại bỏ cây thuốc phiện như thế nào? - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Thái Lan tại tỉnh Chiang Rai dệt thổ cẩm - Ảnh: CHIANG RAI TIMES

Ngày nay, các sản phẩm dệt may thủ công của người dân tộc Thái Lan là mặt hàng được bán với giá cao tại thị trường thời trang trong nước và quốc tế, theo đài Channel NewsAsia.

Văn hóa bản địa

Ở Thái Lan, truyền thống dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống của người dân tộc Tai Lue. Phụ nữ Tai Lue đến tuổi lấy chồng bắt buộc phải biết dệt thổ cẩm và đây là nghề các bà mẹ dạy con gái trước khi chúng bước vào tuổi trưởng thành.

Bà Kham Takhamching bật cười khi nhớ lại thời thơ ấu ở một làng hẻo lánh thuộc tỉnh Chiang Rai hơn 50 năm về trước: "Mẹ tôi bảo nếu tôi không biết dệt sẽ không có ai lấy tôi làm vợ". 

Giống như nhiều người dân tộc thiểu số ở Thái Lan, bà Kham lớn lên trong nghèo khó, làng bản không có đường, điện hay nước sạch. Người ta kiếm sống bằng cách đốt nương làm rẫy và trồng cây thuốc phiện.

Mẹ của bà Kham hẳn không ngờ mình đã trao cho con gái tiền bạc, sự nghiệp và uy tín chỉ bằng những lời khuyên. Nhiều năm sau, việc am tường dệt thổ cẩm đã giúp bà Kham thoát nghèo và trở thành một nghệ nhân văn hóa được kính trọng. 

Nay là mẹ của 3 con, bà Kham có thu nhập ổn định từ nghề dệt và việc dạy nghề tại các trung tâm dạy nghề thủ công thuộc Dự án phát triển Doi Tung, một dự án của hoàng gia Thái.

Manh nha từ năm 1969 sau chuyến thăm của đức vua Bhumibol Adulyadej đến tỉnh Chiang Rai, dự án của Hoàng gia Thái Lan có mục tiêu phát triển thị trường, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề nhằm giúp các cộng đồng thiểu số thoát nghèo, phát triển bền vững và tự chủ. 

Nhiều nhóm dân tộc thiểu số chuyển đổi từ trồng cây thuốc phiện sang trồng rừng kinh tế và phát huy các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. "Ngày nay, không ai cần phải trồng thuốc phiện nữa. Mọi người đều hạnh phúc vì chúng tôi kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình mình" - bà Kham khoe.

Vào thời đỉnh cao ở những năm 1970, Thái Lan sản xuất khoảng 200 tấn thuốc phiện mỗi năm, chiếm 8% nguồn cung toàn cầu. Ngày nay, lượng sản xuất của Thái Lan chỉ còn dưới 2 tấn mỗi năm. Theo nghiên cứu của học giả James Windle - Đại học Tây London, một số ít cây thuốc phiện vẫn còn được trồng ở các tỉnh phía đông bắc và nam Thái Lan để phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Phục vụ du lịch

Trong quá khứ, dệt thổ cẩm là một lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Chiang Rai hơn là một nguồn thu nhập. Người ta dệt vải cho nhu cầu của bản thân và gia đình. 

Theo thời gian, mục đích của việc dệt thổ cẩm đã thay đổi và thích nghi với điều kiện mới: nhu cầu của khách du lịch.

Cô Saengsuri Chalermthiem - thong, một người dân ở Chiang Rai, giải thích thêm: "Du khách đến làng của chúng tôi và muốn mua sản phẩm truyền thống. Do đó chúng tôi bắt đầu dệt để bán".

Theo cô Saengsuri, trước đây cô và dân làng dệt vải vì không có tiền mua quần áo. Phụ nữ ngồi trước một cái khung tre để dệt bông thành sợi rồi thành áo quần. 

Tất cả những điều đó đã thay đổi hoàn toàn khi du khách bắt đầu xuất hiện. "Chúng tôi dệt thổ cẩm để giới thiệu với du khách về văn hóa" - cô nói.

Qua nhiều năm, dệt thổ cẩm cũng như các nghề khác như làm giấy từ lá dâu tằm, sản xuất gốm sứ và rang cà phê đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân tộc thiểu số ở miền bắc Thái Lan. Nhiều người dân tộc thiểu số đã trở thành chủ doanh nghiệp. Điều đáng nói hơn, nghề trồng thuốc phiện vốn là nghề chủ đạo nơi đây dần bị đẩy lùi.

Độc đáo, điển hình

Dự án phát triển Doi Tung của Hoàng gia Thái Lan được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao về tính độc đáo và là điển hình để nhân rộng. "Nó bắt đầu với mục tiêu xóa bỏ tội phạm, buôn bán và sử dụng thuốc phiện, và theo thời gian đã chuyển hóa cuộc sống của cộng đồng, không chỉ ở miền bắc Thái Lan mà còn ở những nơi khác của đất nước và ở các nước khác" - ông Antonio Maria Costa, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), nói trên tờ Chiang Rai Times.

Năm 2013, dự án được trao giải Colombo Plan cho thành tích xóa bỏ cây thuốc phiện. Hội đồng đánh giá dự án là điểm sáng toàn cầu về thay thế cây thuốc phiện và là "dự án duy nhất trên thế giới đã xóa bỏ thuốc phiện bằng những biện pháp tích cực".

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên