Trước đây, những trường hợp xây sai mẫu nhà tại các dự án phân lô, bán nền phải nộp khoản lợi bất hợp pháp, nay được miễn. Trong ảnh: một dự án nhà ở phân lô bán nền tại Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là quy định tại thông tư 03 năm 2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ hôm nay (12-6).
Theo thông tư này, nếu nhà ở riêng lẻ đáp ứng đủ các điều kiện để tồn tại công trình thì chủ nhà không phải nộp lại một phần khoản lợi bất hợp pháp thu được từ phần diện tích nhà xây không phép, sai phép (gọi chung là nhà xây trái phép).
Gỡ khó cho hàng ngàn nhà sai phép
Năm 2017, ông T. nộp hồ sơ tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.Bình Tân (TP.HCM) để làm thủ tục hoàn công căn nhà xây trước đó tại P.An Lạc.
Cơ quan chức năng quận này sau khi đối chiếu giữa giấy phép xây dựng và thực tế xác nhận nhà ông T. xây sai diện tích hơn 100m2.
Sau khi được tư vấn có thể đóng khoản tiền phạt gần 500 triệu đồng hoặc phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép mới được hoàn công nhà, ông T. rút hồ sơ hoàn công nhà đã nộp tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Đến nay, căn nhà của ông T. vẫn chưa được cập nhật trên giấy chủ quyền.
Tương tự, tại Q.1 có nhiều căn nhà xây dựng sai phép như lấp ô thông tầng, xây phòng trên bancông, sân thượng...
Chủ nhà sau khi biết phải đóng tiền phạt lên đến vài trăm triệu đồng mới được hoàn công nhà đã lặng lẽ rút hồ sơ hoàn công, không cập nhật nhà trên giấy chủ quyền vì không chấp nhận nộp phạt khoản tiền lớn.
Phần lớn nhà riêng lẻ có phần diện tích xây trái phép thuộc trường hợp phải nộp lại khoản lợi bất hợp pháp chỉ được phát hiện khi chủ nhà nộp hồ sơ xin hoàn công, xin cập nhật tài sản trên giấy chủ quyền sau khi xây dựng.
Sau khi được tư vấn, các chủ nhà không làm hồ sơ hoàn công, đa số là những nhà có diện tích vi phạm lớn, số tiền đóng phạt lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Nhiều nhất là trường hợp người dân xây nhà trong các dự án phân lô bán nền xây dựng sai nhà mẫu chung.
Trên địa bàn TP.HCM, khoảng 10 năm trở lại đây (thời hạn áp dụng quy định của thông tư 03 là từ ngày 4-1-2008 đến 15-1-2018) có hàng ngàn căn nhà sai phép tăng diện tích nhưng chưa được phát hiện, xử lý.
Không để bị lợi dụng
Quy định nhà ở riêng lẻ được miễn nộp lại khoản lợi bất chính được quy định tại nghị định 139 năm 2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng... (có hiệu lực từ ngày 15-1-2018).
Tuy nhiên, các điều kiện để thực hiện việc này phải chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng trong thông tư 03.
Theo thông tư này, nhà ở riêng lẻ xây dựng trái phép từ ngày 4-1-2008 đến 15-1-2018 mà đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định (xem box) sẽ được miễn nộp lại khoản lợi bất hợp pháp.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho rằng buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với chủ nhà ở riêng lẻ có hành vi xây dựng trái phép là biện pháp khắc phục hậu quả nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại nhiều năm để ổn định đời sống người dân và an sinh xã hội.
"Theo khảo sát ở một số TP lớn thì nhiều công trình nhà ở riêng lẻ xây sai giấy phép vượt tầng hoặc xây thêm tum (mái che cầu thang ở sân thượng).
Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch chi tiết xây dựng chưa được phủ kín, thiếu cơ sở để cấp giấy phép cho người dân, thủ tục cấp phép và điều chỉnh giấy phép chưa thuận tiện...
Tất cả điều này gây tâm lý e ngại khi người dân muốn xin phép hoặc điều chỉnh giấy phép, trong khi người dân có nhu cầu cấp thiết xây dựng, sửa chữa nhà để ở" - ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhìn nhận để xảy ra xây dựng trái phép còn do chính quyền nhiều nơi quản lý trật tự xây dựng chưa sâu sát.
Vì vậy, trên cơ sở góp ý của các địa phương và bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ quy định miễn nộp lại số lợi bất hợp pháp, không buộc tháo dỡ đối với nhà ở riêng lẻ xây sai phép, không phép nếu nhà này đáp ứng các điều kiện do bộ quy định.
Ông Tuấn cũng cho rằng điều kiện để miễn nộp phạt và tồn tại nhà ở riêng lẻ rất chặt chẽ và chỉ áp dụng cho những trường hợp đã xây dựng xong trước ngày 15-1-2018.
Những công trình vi phạm xây dựng sau thời điểm này sẽ được xử lý nghiêm minh và bị buộc phải tháo dỡ, chứ không để cho tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định mới mà xây dựng không phép, sai phép.
Các điều kiện để tồn tại phần nhà xây dựng trái phép
- Việc xây dựng vi phạm xảy ra từ ngày 4-1-2008 (ngày nghị định 108 năm 2007 về xử lý công trình xây dựng trái phép có hiệu lực) và đã kết thúc trước 15-1-2018 (ngày nghị định 139 năm 2017 có hiệu lực), nhưng sau ngày 15-1-2018 mới phát hiện hoặc đã được phát hiện trước 15-1-2018 và có một trong các văn bản sau đây: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả;
- Không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Nếu nhà ở riêng lẻ vi phạm mà phần vi phạm không phù hợp quy hoạch đã được phát hiện trước ngày 15-1-2018, đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng đến ngày 15-1-2018 mà cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa nộp phạt (nếu có) và nộp số lợi bất hợp pháp thì sẽ bị buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thay thế biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận