Vỏ cây thuộc chi Cinchona trên dãy Andes chứa chất quinine chữa bệnh sốt rét - Ảnh: HISTORY BLOG
Bạn có biết từ malaria (sốt rét) bắt nguồn từ tiếng Ý là "bad air" (có nghĩa "khí độc")? Trong nhiều thế kỷ, người ta từng cho rằng căn bệnh lây nhiễm qua đường máu do muỗi đốt này là do những đám mây mù độc hại bốc lên từ các khu đầm lầy gây ra.
Mặc dù có thể hiểu sai về nguồn gốc lây bệnh sốt rét, từ lâu mọi người đều hiểu rõ đây là căn bệnh rất nguy hiểm nếu không muốn nói đó là một trong những căn bệnh kinh hoàng nhất của mọi thời.
Ngay cả thời nay, mỗi năm bệnh sốt rét gây ảnh hưởng tới sức khỏe của từ 300-500 triệu người trên toàn thế giới.
Vậy người ta đã làm gì để chữa trị căn bệnh này?
Chất quinine (còn gọi là ký ninh) chính là loại dược liệu đầu tiên trị sốt rét mà con người khám phá ra. Loại chất này được tìm thấy ở mãi trên những rặng núi cao thuộc dãy Andes.
Tại đó người ta tìm thấy trong vỏ của một loại cây thuộc chi cinchona có chứa loại phân tử của chất ký ninh mà sau này đã trở thành liều thuốc cứu sống vô số mạng người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh sốt rét.
Mặc dù những người dân địa phương đã từng nấu trà từ vỏ loại cây này trong suốt nhiều năm để chữa bệnh cho những người lên cơn sốt, việc những người châu Âu tìm ra phương thuốc này như thế nào được mô tả rất khác nhau.
Có câu chuyện kể về nữ bá tước người Tây Ban Nha của vùng Chinchón. Bà này bị ốm nặng trong khi tới thăm một khu vực thuộc vùng núi Andes. Khi đó vị bác sĩ người châu Âu của nữ bá tước không biết phải làm sao, và phải nhờ những người dân bản địa cứu giúp.
Khi đó những người dân địa phương đã dùng vỏ cây thuộc chi cinchona để cứu chữa cho nữ bá tước. Sau đó tác dụng thần kỳ của loại vỏ cây này đã được mọi người truyền tai nhau và dần trở nên phổ biến.
Cho dù trên thực tế câu chuyện đã xảy ra thế nào thì tiếng lành đồn xa, tác dụng kỳ diệu của chất quinine và nhu cầu tìm một loại thuốc có khả năng chữa trị chứng sốt rét đã khiến nó mau chóng trở nên phổ biến, "cầu" nhanh chóng vượt quá "cung".
Chính phủ nhiều nước tại châu Âu quyết định trồng các cây thuộc chi cinchona trên những lục địa khác. Tuy nhiên vì việc buôn bán quinine mang lại lợi nhuận quá "kếch xù" cho những nước ở Nam Mỹ, chính quyền những nước này đã cấm mọi hoạt động xuất khẩu hạt giống của loại cây trên.
Song cũng vì hấp lực quá lớn của lợi nhuận, rốt cuộc hạt giống của cây cinchona đã bị người Hà Lan và người Anh lén mang ra ngoài gieo trồng. Tuy nhiên, tùy theo giống cây cinchona mà sản lượng quinine thu được cũng rất khác nhau.
Lượng quinine do người Hà Lan và người Anh thu được từ những cây gieo bằng hạt giống họ có được đã không đủ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế.
Trong thời gian này, người Hà Lan đã trả 20 USD cho các hạt giống của Bolivia mà một nhà thực vật học người Úc có được. Những hạt giống đó đã cho sản lượng thu hoạch lên tới 13% là chất quinine.
Chính vì thế, giao dịch mua hạt giống quinine này được xem là khoản đầu tư có lời nhất trước nay bởi sau đó Hà Lan đã trở thành quốc gia trồng và cung cấp chất quinine cho toàn thế giới.
Bài viết trích từ quyển Napoleon’s Buttons: How 17 molecules changed History (tạm dịch: Những chiếc cúc của Napoleon: 17 phân tử đã thay đổi lịch sử như thế nào), tác giả Penny LeCouteur-Jay Burreson.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận