Tôi không ngờ chia tay với em, quanh tôi lại là khoảng trống mênh mông - Ảnh minh họa: Moneywise
Trước đây, tôi là người không có trách nhiệm với gia đình, chỉ biết hết giờ ở cơ quan thì bù khú với bạn bè bên bàn nhậu. Về nhà, vợ chờ cơm mà tôi không thèm ăn, họa hoằn lắm nhai vài miếng cơm rồi lấy cớ canh nhạt, cá kho mặn không vừa miệng nên buông đũa đi uống nước xỉa răng.
Vợ tôi vốn hiền lành, lặng lẽ dọn mâm cơm, còn tôi thể hiện vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình bởi tôi là người nắm bao tử, người làm ra tiền, tháng nào tôi cũng đều đặn đưa vợ chút tiền lương rồi căn dặn đủ điều tháng này em mua thứ này, sắm cái nọ, đóng tiền điện, điện thoại… Vợ tôi nghe mà không hề nói tiền ít, tiền nhiều.
Rồi có lúc vợ tôi tâm sự: "Anh không lo chuyện gia đình, mà chỉ lo ăn nhậu với bạn bè, đến khi anh bệnh, bạn bè anh nuôi hay làm khổ cho em". Tôi chỉ ậm ừ lý sự: "Em không nghe người ta nói Giàu nhờ bạn sang nhờ vợ hay sao?". Rồi tôi nói anh nếu có mệnh hệ nào có bảo hiểm y tế lo. Tôi tin một điều vợ tôi nói vậy nhưng vẫn thương và lo cho tôi.
Rồi một lần say rượu, tôi bị tai nạn té gãy xương đòn. Hằng ngày, vợ tôi lo thuốc thang, cơm nước, chở đi khám bệnh tìm thầy bó thuốc cho mau lành. Lúc đó tôi thấy thương vợ làm sao. Tôi tự hứa trong lòng từ đây lo chăm sóc vợ con, hạn chế những tiệc rượu vô bổ.
Nhưng đến khi lành bệnh, tôi lại chứng nào tật đó. Khi tôi bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, cách chức về chính quyền vì buông lỏng quản lý, vợ tôi biết tin khóc hết nước mắt. Lúc đó tôi mới thấm thía ở đời chỉ có vợ con mới hiểu và thông cảm thương mình nhiều hơn.
Rồi vợ tôi cảm thấy mệt nhoài vì tôi làm nhiều điều phiền toái. Cô ấy khóc nhiều lắm. Tôi như khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng nên nêu ra giải pháp nếu chịu đựng không nổi thì chia tay. Tôi viết đơn xin ly hôn, bảo cô ấy nộp đơn, tôi lo mọi tổn phí. Vì tính bốc đồng, tôi viết đến tờ đơn thứ ba trong vòng hơn ba tháng.
Rồi một hôm vợ tôi nói: Em đã nộp đơn xin ly hôn rồi.
Tôi vặn lại: "Có chắc không?". Tôi tự nghĩ nếu ly hôn làm sao em sống nổi khi trong tay chẳng có nghề nghiệp chuyên môn.
Nhận giấy mời của tòa án hòa giải hôn nhân, tôi biết sự việc đã đến. Tôi hỏi vợ: "Em suy nghĩ kỹ chưa? Bây giờ chúng mình hòa giải cũng chưa muộn. Bộ em hết thương anh rồi sao?".
Em lắc đầu nói: "Hết thương anh rồi, từ đây chúng mình chia tay. Em mong anh để cho em giải thoát. Em cực và khổ với anh nhiều lắm rồi". Với bản tính nóng nảy và bất cần, tôi buông hai tiếng "Tùy em". Ra tòa, tôi đồng ý ký đơn ly hôn mà không có ý kiến nào.
Từ ngày không có em trong nhà, nhà cửa trở nên rộng hơn, bữa cơm nhạt nhẽo hơn, sân nhà anh quét trước lại dơ sau, anh buồn càng uống rượu nhiều hơn. Nhưng bây giờ anh say không có người khuấy nước chanh cho anh uống giả rượu, hay cạo gió cho anh mau tỉnh, cứ mặc anh nằm đó hết say lại tỉnh, hết tỉnh lại say. Tối nằm ngó mông lung trên trần nhà một màu đen xám xịt, nước mắt người đàn ông chợt chảy dài hai bên khóe mắt.
Thỉnh thoảng có đêm tôi nhận điện thoại của em hỏi thăm đủ điều. Lúc đó cảm thấy trống trải tâm hồn, tôi thầm ước giá như hồi đó anh không nóng vội, anh không sĩ diện, chúng mình không ly hôn thì giờ này đâu có cảnh này.
Trời chậm sáng, xung quanh anh là khoảng trống mênh mông, em có biết không.
Tôi cũng không biết duy trì cuộc sống như thế này đến chừng nào. Mong em quay lại bên anh để chúng mình nương tựa vào nhau sống hết quãng đời còn lại.
Bạn có tâm sự muốn nhắn gửi người thương xưa, hay người yêu hiện tại? Mời bạn gửi bài viết cho chủ đề Gửi người thương trên Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận