Nhiều người nói "quy định cứng nhắc", "trên trải thảm dưới rải đinh" khi biết ông Thành là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán ĐH Minnesota (Mỹ); giành giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ và từng là "một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ".
Ông Thành được TP.HCM mời về lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM.
Sau đó, ông tham gia giảng dạy rồi phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen. Hiện ông Thành đã về Mỹ "tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam".
Việc quy định tiêu chuẩn cho từng vị trí của bất kỳ tổ chức, đơn vị nào là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể nên xem ở vị trí đó, người nắm giữ đóng góp gì cho sự phát triển của tổ chức thay vì chỉ chiếu theo quy định để công nhận. Bởi nếu chỉ theo quy định đôi khi sẽ bỏ qua những người có năng lực phù hợp.
Đáng ngại hơn, trong trường hợp kể trên dư luận sẽ nghĩ theo chiều hướng việc tuyển dụng, bổ nhiệm ở ta "coi trọng thâm niên hơn năng lực".
Và môi trường làm việc chưa xem năng lực là yếu tố hàng đầu trong tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn là một trong những điều cản trở du học sinh, trí thức Việt kiều mong muốn trở về đóng góp cho quê hương.
GS Trương Nguyện Thành - Ảnh: trang web ĐH Hoa Sen
Chuyện bổ nhiệm người có chuyên môn, đam mê, tài giỏi vào vị trí quản lý ở trường ĐH tư còn trắc trở, có lẽ việc tìm người tài vào các cơ quan của Nhà nước chưa hẳn đã suôn sẻ.
Mới đây, UBND TP.HCM đề ra chính sách tuyển dụng chuyên gia, trí thức Việt kiều vào các cơ quan nghiên cứu khoa học của TP. UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ tại TP và tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc.
Mọi người đang hi vọng và theo dõi sẽ có những làn gió mới, "cách mạng" trong tuyển dụng, vượt lên mọi nguyên tắc, quy định cứng nhắc mà đôi khi đã vô tình, lạnh lùng gạt bỏ những người có chuyên môn, đam mê cho sự nghiệp.
Có thể "giáo sư quần đùi" tạm gác lại giấc mơ đóng góp cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam nhưng phải xem đây là bài học để phá hết các cản trở những du học sinh, trí thức kiều bào nói riêng và những người đam mê, tài năng nói chung cũng không phải hi sinh giấc mơ chỉ vì những quy định dạng như "chưa đủ 5 năm quản lý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận