06/05/2016 07:59 GMT+7

Giám đốc Hãng phim truyện VN: Chúng tôi như bị bỏ rơi

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Chiều 5-5, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có cuộc gặp gỡ báo chí đột xuất, giải đáp những thắc mắc xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN (VFS).

Phim Chị Tư Hậu do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962. - Ảnh: C.K.
Phim Chị Tư Hậu do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962. - Ảnh: C.K.

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái dành khá nhiều thời gian để nhắc lại sự khó khăn trong việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước như Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện I, Hãng phim hoạt hình.

Vì vậy, khi cổ phần hóa Hãng phim truyện VN, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch rút kinh nghiệm, chỉ giữ lại 20% cổ phần, để mong tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược. 

Về việc bán 65% cổ phần cho Tổng công ty Vận tải thủy - công ty cổ phần (Vivaso) - một đơn vị không liên quan đến điện ảnh, ông Ái giải thích theo Luật doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm! Trong vòng năm năm sau khi cổ phần hóa, “nếu nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng những cam kết thì chúng tôi sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu sử dụng đất không đúng mục đích thì bộ sẽ có văn bản đề nghị thu hồi đất” - ông Ái khẳng định.  

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về thời gian đăng tin rao bán Hãng VFS quá ngắn (trong 11 ngày) và đăng trên tờ báo ít người biết, ông Trần Hoàng - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính - cho biết theo nghị định 59/2011/NĐ-CP, về nguyên tắc bộ không cần phải đăng tin rao bán trên báo, nhưng để tạo thông tin rộng rãi, minh bạch, bộ vẫn chỉ đạo đăng báo.

Về hàng trăm đầu phim sau khi cổ phần hóa, ông Hoàng khẳng định tất cả các phim của Hãng phim truyện VN đều là phim đặt hàng của Nhà nước, nên bản quyền thuộc về Nhà nước, và công ty cổ phần không có bản quyền đối với những bộ phim này.

Tham gia buổi gặp gỡ, đạo diễn Vương Đức - giám đốc VFS - chia sẻ cá nhân ông không thích thú, thậm chí rất đau xót trước việc cổ phần hóa VFS, vì đây là đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập và có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà.

“Chúng tôi như bị bỏ rơi” - đạo diễn Vương Đức cảm thán.

Nhưng ông và các cá nhân trong VFS vẫn nghiêm túc thực hiện yêu cầu cổ phần hóa, dù trong thâm tâm còn nhiều băn khoăn, lo lắng:

“Cổ phần còn hơn là chết với những ước mơ, khát vọng, những mong muốn làm phim...”.

Sau cuộc họp này, một câu hỏi đầy mâu thuẫn vẫn còn lơ lửng chưa có lời giải đáp: Sau năm năm, khi doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp thì Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ kiểm soát được công ty cổ phần bằng cách nào khi chỉ nắm 20% cổ phần?

Và khi đó, số phận của hãng phim từng có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà sẽ đi về đâu?

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên