19/03/2019 06:35 GMT+7

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của 'cô gái vàng' 19 tuổi

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018' trong lĩnh vực học tập là cô nữ sinh viên 19 tuổi của hệ cử nhân tài năng khoa công nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).

Nguyễn Phương Thảo, 19 tuổi, sinh viên hệ cử nhân tài năng khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, vừa được trao danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Có bảng thành tích đáng nể, Thảo được mệnh danh là "cô gái vàng" môn sinh học của Việt Nam.

"Tôi nghĩ mỗi người sẽ có sở thích riêng, mình cứ theo sở thích đấy chứ không gò ép theo hướng học thuật. Cả nước theo học thuật thì ai sẽ theo ngành nghề khác? Tôi nghĩ mình thoải mái phát triển theo hướng tốt đẹp nhất của mình, giống như việc trồng cây, cố gắng uốn nắn cho đẹp và giúp cây phát triển tự nhiên.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Nguyễn Phương Thảo

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 2.

Nụ cười rạng rỡ của cô gái vàng sinh học Việt Nam Nguyễn Phương Thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Đằng sau tấm huy chương

Năm 2017, cô nàng "rinh" về huy chương bạc kỳ thi sinh học quốc tế (IBO) đầy nuối tiếc. Thảo trăn trở với phần thực hành không tốt đã kéo điểm mặt bằng chung xuống. "Nhưng đó không phải là cơ hội cuối cùng, mình vẫn còn kỳ thi tiếp theo", cô tự nhủ. Lấy kết quả đó làm động lực, cô miệt mài đến gõ cửa phòng thí nghiệm các trường đại học ở Hà Nội, nhờ tạo điều kiện cho cô rèn luyện phần thực hành.

Cơ hội đến một lần nữa, năm 2018 Thảo là một trong bốn đại diện tham gia kỳ thi IBO lần thứ 29 diễn ra tại Iran. Khí hậu khô nóng, Thảo bị chảy máu mũi liên tục. Trước đêm thi lý thuyết, cô gần như không ngủ được.

"Không biết lấy năng lượng từ đâu mà thi xong phần thi lý thuyết, về chỗ nghỉ là tôi nằm bệt ra giường luôn", Thảo nhớ lại. Được thầy cô "trợ cấp" mì gói, cô sinh viên nói đó là gói mì ngon nhất mà cô từng ăn.

Năm đó, Thảo giành tấm huy chương vàng với số điểm cao nhất: 98,13/100 điểm.

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 3.

Nguyễn Phương Thảo với các đại diện Việt Nam đoạt giải tại cuộc thi Olympic sinh học quốc tế - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Khi tên mình được xướng lên, đồng thời hình ảnh mình và quốc kỳ Việt Nam được trưng lên màn hình, mình hạnh phúc xen lẫn tự hào vì đã làm được điều gì đó cho đất nước dù là rất nhỏ", cô gái vàng nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt.

Với thành tích xuất sắc, Nguyễn Phương Thảo được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 4.

Đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olymic sinh học quốc tế, Thảo là một trong ba thí sinh đoạt huy chương vàng và một đại diện đoạt huy chương bạc - Ảnh: do nhân vật cung cấp

Thảo chia sẻ cảm xúc khi biết mình dành huy chương vàng Olympic sinh học - Video: NAM TRẦN

"Mồi lửa" thổi bùng đam mê

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 6.

Nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi cô gái trẻ - Ảnh: NAM TRẦN

Thảo nói sinh học là đam mê ấp ủ bấy lâu, nhưng câu chuyện về cuộc đời của bà mới là "mồi lửa" thổi bùng lên lên đam mê ấy.

Bà phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư năm cô học lớp 7. Đến năm Thảo học lớp 11, cũng là giai đoạn đang ôn luyện cho kỳ thi IBO, thì bà qua đời. 5 năm trời, Thảo chứng kiến bà héo mòn vì bệnh tật, hóa trị, xạ trị gây đau đớn. "Tôi không bao giờ quên được. Mỗi lần thấy chán nản, mệt mỏi, tôi sẽ nghĩ về hình ảnh của bà lúc ấy để có động lực hơn", Thảo tâm sự.

Thảo chia sẻ căn bệnh ung thư của bà và động lực để học tập - Video: NAM TRẦN

Trước đó, ông trẻ (em trai của bà - PV) cũng mất vì căn bệnh ung thư đại tràng. Theo đuổi con đường sinh học, Thảo biết ung thư là căn bệnh di truyền, có thể bản thân có tiền sử về bệnh này.

Cô quả quyết: "Tôi không kỳ vọng có thể tạo nên điều gì đó để đoạt giải Nobel - đó là chuyện của tương lai, nhưng nghiên cứu về nó, ít nhất tôi có thể giúp được gia đình và những người bệnh khác".

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 8.

Câu chuyện về cuộc đời người bà là "mồi lửa" thổi bùng lên đam mê sinh học, cô gái trẻ quyết tâm tìm hiểu về căn bệnh ung thư - Ảnh: NAM TRẦN

Căn bệnh ung thư luôn luôn biến đổi, hiện nay có ba phương pháp truyền thống điều trị ung thư là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, nhưng cô hiểu có một số ung thư không thể phẫu thuật được như ung thư máu. Thảo trăn trở, hóa trị và xạ trị như quá trình đuổi và chạy, mình cứ đuổi theo tế bào ung thư nhưng nó đã chạy mất một quãng xa rồi.

"Một hướng mới mà tôi thích là liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, giống như "đào tạo" tế bào miễn dịch của người bệnh, để tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn và tác động đến các tế bào ung thư", Thảo nói.

Cô tin liệu pháp miễn dịch này đang được chứng minh ở ung thư giai đoạn cuối sẽ là hướng đặc biệt tạo nên đột phá trong điều trị ung thư. Tin tưởng vào liệu trình này, Thảo mày mò tìm tài liệu, đặt ra lộ trình tìm hiểu trong tương lai và mong muốn gặp được những người có cùng đam mê, hướng đi như mình.

Trồng cây, gom sách tặng người yêu thương

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 9.

Ngoài đam mê sinh học, cô gái trẻ còn có sở thích tự gieo trồng cây để tặng cho bạn bè, người thân - Ảnh: NAM TRẦN

Một ngày Thảo bắt đầu bằng việc học ở trường, nếu không có tiết học thì cô ở ký túc xá Mễ Trì đọc thêm tài liệu, bài báo về sinh học. Chiều đến không có lịch cố định, cô vào thư viện tự học hoặc đến tham gia CLB guitar, đi tập gym.

Thảo luôn biết cân bằng giữa việc học và yêu thương bản thân. Cô nàng "mách nước" một vài mẹo hay mà bản thân đang áp dụng như: cứ hai tiếng học thì dành thời gian ở giữa nghe nhạc, đánh đàn hoặc xem Facebook; tối đến cố định từ 22-23h đi dạo hoặc làm việc mình thích; ngồi vào bàn học thì cứ 30 phút tập nhìn xa cho đỡ đau mắt.

Đến ký túc xá nơi Thảo đang ở, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là ở góc bàn học, cô nàng có đặt những chậu xương rồng, sen đá nhỏ xinh. Thảo "bật mí", trồng, chăm sóc cây cối là niềm yêu thích từ thuở bé. Đôi tay khéo léo của Thảo sẽ tự gieo giống hoặc ươm từ cành nhỏ, chừng 1-2 tuần là cây ươm sẽ lớn dần. Với hạt giống thì kỳ công hơn, nhưng sẽ cho ra cây rất đẹp.

Giấc mơ nghiên cứu liệu trình điều trị ung thư của cô gái vàng 19 tuổi - Ảnh 10.

Những chậu cây nhỏ xinh do Thảo ươm trồng - Ảnh: NAM TRẦN

Thảo trồng cây để… cho đi. Hễ đến dịp sinh nhật của bạn bè, người thân, Thảo tặng có combo quà tặng gồm sách và cây.

"Trồng cây cũng đơn giản thôi, nhưng đến lúc cho đi thì cả người nhận và người cho đều vui", Thảo nói.

Ngồi bàn học quá nhiều, không hiệu quả!

Thảo luôn đề cao việc tự học. Lớp 10 và 11 là giai đoạn nước rút ôn luyện cho kỳ thi, cô học miệt mài quên ngày đêm. Đó cũng là khoảng thời gian căng thẳng với mục tiêu đề ra, Thảo sống khép mình.

thao (5)

Thảo luôn đề cao việc tự học - Ảnh: NAM TRẦN

Thảo chuyển vào ký túc xá ôn luyện cùng với ba người bạn. Cô không ngồi lì ở bàn học nữa, cùng các bạn học nhóm, mỗi người một chuyên môn giúp nhau học và thư giãn sau mỗi buổi học.

Học nhóm không bắt buộc người này giỏi hơn người kia, cô gái "vàng" nói mỗi người bổ sung cho nhau giống như tay trái - tay phải. Thảo học sinh học, rất cần bạn bè hỗ trợ môn hóa, và ngược lại sẽ giúp các bạn về môn sinh.

Hai học sinh Huế xin bã mía về làm hộp chống thấm Hai học sinh Huế xin bã mía về làm hộp chống thấm

TTO - Từ nguyên liệu bỏ đi ở những quán nước mía, hai học sinh ở Thừa Thiên - Huế đã cùng nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm giấy chống thấm từ bã mía có khả năng thay thế những vật dụng bằng nhựa, nilông.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên