09/07/2019 12:09 GMT+7

Giấc mơ marathon và cuộc chiến với bệnh hen

HOÀNG XUÂN DUNG
HOÀNG XUÂN DUNG

TTO - Hơn 5 năm trước tôi sững sờ khi bị viêm phế quản mãn tính và chuyển sang hen suyễn. Nửa đêm ho dựng người, thở khò khè làm tôi mất hết niềm tin có phương thuốc chữa trị hữu hiệu khi tần suất những cơn đau ngày càng dày hơn.

Giấc mơ marathon và cuộc chiến với bệnh hen - Ảnh 1.

Tác giả (thứ hai từ phải sang) tham gia một cuộc marathon xuyên đêm - Ảnh: H.X.D.

Kể chuyện bệnh tật cho những người hàng xóm, anh Ngô Trung Cao, người khởi xướng phong trào chạy bộ trong xóm, nói "ngày mai chú ra chạy bộ với chúng tôi". 

Tôi bảo với anh: "Đi bệnh viện, bác sĩ nào cũng bảo bệnh của em không nên vận động mạnh. Giờ anh bảo em chạy bộ thì toi em à". 

Nhưng anh vẫn nói "thì cứ thử xem biết đâu liều thuốc chống chỉ định lại là liều thuốc chữa khỏi bệnh". 

Dù nghi ngại nhưng tôi vẫn chuẩn bị giày để sáng mai bắt đầu thử nghiệm. Và từ buổi nói chuyện đó đã dẫn tôi đi đến một ngã rẽ không ngờ tới: chữa bệnh hen bằng chạy bộ.

Những ngày đầu tôi chủ yếu đi bộ, sau đó quãng đường chạy được đếm bằng khoảng cách từ cây cột điện này đến cây cột điện kia, mỗi ngày tốt lên một chút. 

Dần dần, chúng tôi rủ rê thêm một vài anh chị nữa cùng chạy. Cứ 4h30 sáng là gọi nhau í ới, từ chỗ chỉ đi bộ tới chạy xen kẽ, tôi đã chạy được 2km, 3km, 5km liên tục.

Để khuyến khích anh em có động lực luyện tập, tháng 4-2018, chúng tôi tổ chức giải marathon cấp... xóm và lần đó tôi chạy được 7km liên tục. 

Mấy tuần sau, nghe rủ tôi hồ hởi tham gia và đã hoàn thành 10km giải chạy do công ty nơi anh Cao làm việc tổ chức. 

Thừa thắng xông lên, tôi bắt đầu say mê luyện tập, cứ mỗi sáng 5-7km và sức khỏe tôi cải thiện dần, bệnh tật cũng thuyên giảm tuy vẫn còn những đợt hen tái phát khi gặp mưa lạnh.

Cứ thế, nỗi khát khao chinh phục cự ly marathon và tống khứ bệnh hen ra khỏi cuộc đời cứ lớn dần trong tôi. 

Dịp ấy, anh Cao cho biết sẽ tham gia chạy xuyên đêm ở Sài Gòn mừng ngày đất nước thống nhất và rủ anh em đi chơi cho vui. 

Dù phát hoảng khi nghe cụm từ "chạy xuyên đêm" nhưng tôi vẫn rất tò mò khi nói: "Để em đi điếu đóm cho anh chứ chân em đang đau cũng không chạy được đâu".

Đến điểm tập trung xuất phát, mọi người chào, cười vui hớn hở làm tôi thấy hình như những người chạy bộ rất dễ làm quen nhau. Tôi bỗng thấy đôi chân muốn "nhấp nháy" theo họ và rồi tôi nói với anh Cao "em cũng muốn chạy". 

Hôm đó tôi nhận ra tôi cũng có thể chạy được như họ. Tuy bị đau nhưng cái không khí tươi vui cộng với từng tiếng nện chắc nịch của những đôi chân xuống mặt đường giữa đêm khuya càng làm khao khát một ngày tôi sẽ khỏe mạnh.

Chạy được 16km, tôi đau quá và nằm trên vỉa hè ngủ một lúc. Rạng sáng, tôi chạy thêm được 9km nữa. 

Vậy là tôi đã chạy được 25km về khoe với vợ con, đến vợ tôi còn chẳng tin đó là sự thật. 

Các lần chạy xuyên đêm marathon tiếp theo do câu lạc bộ RFF (Run For Fun) tổ chức tôi không bỏ sót lần nào. Nhờ nó tôi có động lực để luyện tập, để đẩy lùi bệnh tật...

Và giấc mơ hoàn thành 50km đường chạy đã trở thành hiện thực trong lần tôi chạy xuyên đêm cuối tháng 6 vừa rồi. 

Dù không ở trạng thái sức khỏe tốt nhất nhưng tôi vẫn kiên định một niềm tin tôi sẽ đạt được giấc mơ của mình. Khởi đầu suôn sẻ đến nỗi khi được 10km tôi thở phào và nói với anh em: "1/5 chặng đường qua vèo như chớp mắt".

Từng kilômet cứ chầm chậm qua nhưng tới kilômet 38, tôi cảm thấy hơi nhói tim, triệu chứng mà tôi đã gặp phải và ôm ngực đi bộ suốt 6km tại một cuộc chạy trước đó. 

Nghĩ đến cảm giác đó tôi lại sợ và có luồng suy nghĩ rất tiêu cực: "bỏ cuộc hoặc về ngủ một giấc rồi sáng mai tính tiếp".

Sau đó, tôi lại nảy thêm một suy nghĩ tồi tệ hơn "đây sẽ là lần cuối tôi chạy 50km". Nhưng rồi tôi tự động viên mình: "Dung ơi, dù có đi bộ thì cũng cứ hãy đi bộ về đích, không thể bỏ cuộc". 

Tôi lại bước đi, đi rồi chạy, chạy rồi đi... Cứ thế, tôi đã về đích trong niềm sung sướng khi mình đã không cho cái nhụt chí có cơ hội đánh gục mình bởi một phút yếu lòng.

Thế đấy, giấc mộng chinh phục cự ly marathon của tôi được trở thành hiện thực từ chính nỗ lực đẩy lui bệnh tật và hướng tới một cơ thể khỏe mạnh, yêu cuộc sống với thông điệp: Khỏe để yêu thương gia đình.

Tuần qua, ban tổ chức cuộc thi “Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình” đã nhận được bài của các bạn đọc: Hàn Thị Quỳnh Giao, Hoàng Thái Hùng, Hoàng Xuân Dung, Trương Thanh Lực, Võ Duy Tâm, Lê Hoài Phúc, Nguyễn Trận (TP.HCM); Từ Văn Hà (Bến Tre); Phạm Thị Phần (Đồng Nai); Phạm Thành Nhân (Trà Vinh); Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ); Nguyễn Thị Bích Nhàn, Nguyễn Văn Danh (Phú Yên); Nguyễn Văn Công (Hà Nội); Huỳnh Thanh Hải (Lâm Đồng)...

logo-her

Thể thao là liều thuốc chữa lành tất cả Thể thao là liều thuốc chữa lành tất cả

TTO - "Cái chân trái dị tật từ năm 2 tuổi không chỉ khiến tôi gặp khó trong sinh hoạt đời thường, mà còn mang đến bao nỗi hờn oán, mặc cảm và cả giận dữ với cuộc đời".

HOÀNG XUÂN DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên