19/05/2018 16:30 GMT+7

Giá tôm tại Sóc Trăng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm thẻ và tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần và hiện ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Giá tôm tại Sóc Trăng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm - Ảnh 1.

Giá tôm tại Sóc Trăng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Ảnh: TTXVN

Theo các hộ nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề, giá tôm nguyên liệu tăng giảm thất thường và hiện nay xu hướng tôm cỡ nhỏ lại được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt hơn loại tôm cỡ lớn.

Cụ thể, những ngày qua, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2018. Tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi tôm chỉ hòa vốn hoặc lãi rất thấp, một số hộ đầu tư ban đầu cao mà chăm sóc không tốt còn bị lỗ vốn.

Đơn cử như hộ ông Võ Văn Nhựt, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên vừa thu hoạch ao tôm sau 3 tháng nuôi, với kích cỡ trên 100 con/kg nên ông chỉ bán được giá 70.000 đồng/kg, tính ra, sau khi trừ chi phí bị lỗ hơn 10 triệu đồng.

Theo ông Nhựt, vụ vừa qua thất bát giá tôm giống, thức ăn tăng trong khi tôm chậm lớn, giá bán thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại hộ anh Đỗ Minh Trí ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), do hiện nay giá tôm cỡ nhỏ tốt khá hơn nên anh thả nuôi mật độ dày, tới 100 con/m2, sau 45 ngày được thu hoạch. Tôm nuôi dày trọng lượng không cao nhưng quay vòng nhanh và giá vẫn chấp nhận được nên nhiều hộ cũng làm theo, với cách nuôi thả dày như vậy, các hộ nuôi còn có lãi.

Nhận định của ngành chức năng cho thấy, giá tôm nguyên liệu hiện nay giảm mạnh là do các nước có hàng thủy sản tồn kho nhiều, đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang ưa chuộng loại tôm có kích cỡ 100 con/kg trở lên nên giá tôm các cỡ lớn chậm tiêu thụ.

Bên cạnh đó, vụ tôm năm trước trúng mùa nên các doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh và khu vực vẫn còn dự trữ tôm nguyên liệu nhiều nên chưa mặn mà với việc thu mua trong dân.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã thả nuôi khoảng 13.000 ha tôm nước lợ (tôm thẻ và tôm sú); trong đó, thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 1.000 ha tôm bị thiệt hại.

Ngành chức năng cũng cảnh báo bà con hạn chế nuôi tôm thả dày vì dễ sinh ra dịch bệnh. Việc bắt đầu vào mùa mưa, môi trường nước thay đổi cũng dễ dẫn đến tôm bị sốc nước, thiệt hại có thể tăng thêm, cùng với giá cả tôm nguyên liệu đang ở mức thấp nên người nuôi tôm Sóc Trăng đang lo lắng sẽ khó khăn trong thời gian còn lại của mùa vụ năm nay.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên