27/03/2004 16:27 GMT+7

Gà "đệ nhất Bắc Kỳ"

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTCN - Gà Hồ, gà Đông Cảo, gà ri là những giống gà quí của miền Bắc ... Nhưng hiện nay chỉ còn hơn 200 con tương đối thuần chủng đang được nuôi ở làng Hồ (thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) trong tình cảnh lay lắt.

PINIdTxU.jpgPhóng to
Gà Hồ mẹ chăm con
TTCN - Gà Hồ, gà Đông Cảo, gà ri là những giống gà quí của miền Bắc ... Nhưng hiện nay chỉ còn hơn 200 con tương đối thuần chủng đang được nuôi ở làng Hồ (thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) trong tình cảnh lay lắt.

Hội Gà Hồ vẫn còn“trực chiến”

“Cậu là trường hợp đặc biệt tôi mới cho tiếp xúc với gà. Bây giờ nếu chưa được phép của trạm thú y, chúng tôi vẫn chưa cho phép ai đến gần chuồng gà”. Phải nể nang lắm anh Nguyễn Đăng Trung - hội trưởng Hội Gà Hồ - mới cho tôi chụp mấy kiểu ảnh đàn gà hơn 50 con tương đối thuần chủng đang được chăm sóc cẩn thận trong khu chuồng được quây kín mít bằng gỗ và lưới sắt B40.

Vừa mở cửa chuồng, đàn gà đủ cỡ đã ùa ra vây lấy chủ sau bao ngày bị giam biệt lập. Dịch cúm gà đã qua nhưng đối với những người dân nuôi gà Hồ, chuồng gà vẫn là khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những người cao tuổi trong thôn cũng không biết gà Hồ có từ bao giờ nhưng ai cũng biết chắc một điều: từ xưa, trong tranh dân gian Đông Hồ đã có vẽ gà Hồ. Đây là giống gà to con, có thể đạt trọng lượng 10kg/con, thịt rất thơm ngon và có khả năng kháng bệnh rất cao. Thích nghi với điều kiện và môi trường sống của địa phương hàng ngàn năm nay, con gà Hồ đã trở thành biểu tượng cho ngôi làng ven sông Đuống hiền hòa. Ngày xưa, năm nào làng cũng tổ chức hội thi gà sau tết. Người đoạt giải nhất ngoài phần thưởng hơn một quan tiền còn được miễn phu phen, tạp dịch. Mọi người nuôi gà chủ yếu để chọn gà tiến vua và dùng trong lễ lạt, chỉ khi nào nhà có việc đại sự họ mới thịt gà.

Bẵng đi một thời gian, gà Hồ mai một gần như tuyệt chủng vì bị lai tạp quá nhiều. Gần chục năm nay, các nhà khoa học và người dân làng Hồ bắt đầu tìm cách khôi phục giống gà này. Năm 1991, anh Trung cùng với một số người thành lập Hội Gà Hồ. Năm 1992, họ tổ chức hội thi gà trở lại nhằm khuyến khích phong trào nuôi gà và phát hiện những con thuần chủng còn sót lại. Sát cánh cùng người dân, Viện Chăn nuôi quốc gia cũng nhảy vào cuộc bằng hội thảo bảo vệ, gìn giữ gà Hồ tổ chức vào năm 1993 ngay tại làng. Cứ thế giống gà Hồ dần dần phát triển trở lại. Ngoài 22 hộ tham gia Hội Gà Hồ, cả thôn nhà nào cũng nuôi giống gà này. Ai ngờ trận dịch cúm gà làm mọi người điêu đứng.

Anh Trung kể lại: “Lúc có tin dịch cúm gà do Viện Chăn nuôi báo về, chúng tôi chọn ra 261 con gà thuần chủng và 286 con gần thuần chủng từ 22 hộ trong hội giao cho 10 hộ nuôi tập trung để cách ly. Ngoài ra, cả thôn còn có 570 con gà Hồ khác. Vậy là trong thời điểm dịch chúng tôi có 1.117 con gà Hồ”. Những ngày đó cả thôn như sẵn sàng đánh trận. Chính quyền và ngành thú y lập vành đai, đặt chốt kiểm dịch khắp huyện không cho ai mang gia cầm ra vào. Các ngả đường vào làng Hồ đều có chốt kiểm dịch canh giữ suốt ngày đêm.

Riêng các hộ gom gà nuôi tập trung chỉ có một người trong gia đình được phép vào chuồng cho ăn, tẩy uế. Ngoài ra không ai được lại gần chuồng gà. Cứ 2 lần/ tuần, đàn gà lại được phun thuốc sát trùng. Tết vừa qua, hội thi gà cũng không tổ chức để đảm bảo an toàn cho đàn gà. Số gà không thuần chủng trong thôn cũng được giết thịt dần chỉ để lại những con giống gốc. May mắn thay, nhờ sự bảo vệ chu đáo của người nuôi, nhờ khả năng kháng bệnh trời ban nên không một chú gà Hồ nào nhiễm bệnh. Hiện nay hội không gom gà nuôi tập trung nữa nhưng vẫn giữ chế độ cách ly và phun thuốc đều đặn.

Lao đao gìn giữ giống gà

5uYSvyG8.jpgPhóng to
Trưởng thôn Đỗ Tiến Toàn bên chuồng gà đầy dấu vôi bột
Vất vả để bảo vệ đàn gà nhưng những thành viên Hội Gà Hồ lại rất vui mỗi khi nhìn thấy những chú gà con mới nở. Từ khi gom gà chống dịch tới nay đã có hơn 200 chú gà con chào đời. Đây là một thành công ngoài mong đợi của những người nuôi gà. Trước đây họ chỉ mong cứu đàn gà thoát dịch, bây giờ lại hăm hở phát triển đàn gà. Ông trưởng thôn Đỗ Tiến Toàn không giấu được niềm vui khi chỉ cho tôi xem hai đàn gà con vừa nở đẹp như kén tằm. Bây giờ đàn gà của ông đã có 50 con, tất cả đều thuần chủng.

Ông cho biết: “Muốn thành hội viên Hội Gà Hồ phải có tối thiểu một cỗ gà gồm một con trống và bốn con mái. Muốn cải tạo đàn gà để chọn giống chuẩn, mọi người phải đổi gà cho nhau để chúng phối giống. Làm thế sẽ tránh được hiện tượng đồng huyết và tăng dòng máu gà Hồ trong từng con. Hiện thời đây là cách bảo tồn gen tốt nhất mà chúng tôi làm được”.

Ngoài ra, để bảo tồn giống chuẩn mọi người đều nuôi cách ly gà Hồ với các loại gà khác. Anh Trung cho biết thêm: “Thấy con nào pha vài sợi lông trắng là loại liền. Mục đích lớn nhất của chúng tôi là chọn và giữ giống thuần”. Theo lời anh, con trống của gà Hồ chỉ có hai màu lông đặc trưng là màu lĩnh, màu mận. Gà chuẩn chân phải tròn, vảy mịn và có màu như hạt đậu nành, thân gà phải cao, mào tròn (mào sít) hoặc hơi nhú (mào lũ), đầu to và xù xì (đầu gộc). Còn gà mái phải có lông màu đất thó (mã thó) hay màu quả nhãn (mã nhạn). Để biết chính xác gà thuần họ còn phải nhờ Viện Chăn nuôi lấy mẫu máu kiểm tra gen.

Hiện nay người ta nuôi gà Hồ không phải để ăn thịt. Họ nuôi để giữ giống, để tặng người thân hay bán cho người chơi gà, mua gà về tạo giống. Có người lặn lội từ Đồng Nai, Quảng Nam đến làng Hồ để mua gà. Gà vừa nở nửa tháng đã có giá 20.000 đồng/con nhưng không đủ bán. Người ta chỉ bán gà choai năm tháng tuổi trọng lượng 2 kg/con chứ không ai bán gà giống bố mẹ. Con gà trống 7kg của ông Toàn có người trả trên 1 triệu đồng nhưng ông quyết giữ nó để phối giống cho cả đàn.

Trong thâm tâm người dân làng Hồ luôn muốn giữ gìn giống gà quí mà cha ông để lại. Nhưng họ vẫn gặp nhiều trở ngại. Gà Hồ có thịt cực thơm ngon, gen kháng bệnh tốt nhưng sinh sản ít (chỉ đạt 50 trứng/con/năm, tỉ lệ ấp nở đạt 70%). Khả năng kiếm ăn của gà Hồ trong môi trường tự nhiên không thua các loại gà khác, nhưng ở làng Hồ do diện tích đất vườn ít nên không có điều kiện chăn thả. Vì vậy người nuôi phải cho chúng ăn chủ yếu là cám ngô, gạo xay hay nấu gần chín, cám nấu, thóc sống hoặc ngâm, dù giá không cao hơn giá gà thường. Lý do là gà có trọng lượng lớn nhưng tăng trưởng chậm. Một con gà nuôi hai năm mới trưởng thành, nặng 5-6 kg/con. Nếu người dân quê mua một con gà loại này cả gia đình ăn không hết, bày cỗ cũng không hợp vì thịt to và dày nhìn không đẹp mắt.

Đến nay những người nuôi gà vẫn chưa nhận được một số tiền trợ cấp nào ngoài số tiền bảo trợ quĩ gen 5 triệu đồng/năm của Viện Chăn nuôi. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với số lượng đàn gà. Trong khi đó thôn Lạc Thổ Bắc lại nằm giữa thị trấn Hồ là trung tâm của huyện Thuận Thành nên tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, người nuôi gà không còn vườn để chăn thả. Hội Gà Hồ đang đề nghị chính quyền cấp đất để xây trại nuôi gà tập trung nhưng vẫn chưa thấy trả lời.

Trao đổi với TSKH Lê Thị Thúy - người phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ gen động vật của Viện Chăn nuôi quốc gia, chủ trì đề tài “Bảo tồn giống gà Hồ”)

* Giống gà Hồ có những đặc tính khoa học quí hiếm nào?

- Đây là giống gà bản địa thích nghi với điều kiện và môi trường sống của Việt Nam hàng nghìn năm nay. Đặc điểm quí nhất của giống gà này là có trọng lượng lớn nhất trong các giống gà nội địa, kháng bệnh dịch rất tốt, thịt ngon và mã đẹp.

* Chúng ta đã tiến hành bảo tồn giống gà Hồ như thế nào trong những năm qua?

- Ngày xưa, người dân địa phương đã có hội thi gà hằng năm để chọn gà tốt nên có phong trào nuôi gà Hồ. Đây là một cách chọn lọc tự nhiên để lưu giữ giống tốt. Tuy nhiên, do không được quan tâm chăm sóc nên giống gà Hồ bị lai tạp nhiều. Nhận thức được vấn đề này, năm 1989 Nhà nước đã có chính sách bảo tồn giống gà Hồ để giữ nguồn gen quí. Viện Chăn nuôi đã vào cuộc cùng người dân địa phương thành lập Hội Gà Hồ, tuyển chọn những con gà hạt nhân (thuần chủng). Dần dần đã chọn lọc và khôi phục trở lại giống gà Hồ. Ban đầu (1989) do bị pha tạp nhiều gà chỉ có trọng lượng 4 kg/con (con trống), đến nay đã đạt 5 - 6kg. Đã xuất hiện những con gà mái cho 80-90 quả trứng /năm.

* Hiện nay viện đang bảo tồn gà Hồ theo hướng nào?

- Chúng tôi đang thực hiện cả hai phương pháp bảo tồn là cất giữ mẫu gen và bảo tồn tại nông trại. Phương pháp cất mẫu gen chống được nguy cơ rủi ro rất cao, có thể cất giữ hàng trăm năm mà không biến đổi di truyền. Phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật cao và thiết bị hiện đại.

Gà Hồ vẫn là số 1 trong hơn 20 loại gia cầm quí hiếm nhất của Việt Nam. Vì vậy cần ưu tiên giống gốc trong các dòng gà. Ngoài ra, Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ NN & PTNT cần có chính sách hỗ trợ để động viên những hộ bảo tồn gà Hồ. Mỗi con gà mỗi năm ngốn hết của người nuôi 250.000 đồng tiền thức ăn, thuốc thú y và chi phí khác. Nếu được thì nên đầu tư trại lớn để bảo tồn. Đây là giống gà cực hiếm, có số lượng rất ít. Nếu không giữ tốt sẽ tuyệt chủng. Mà mất là mất nguồn gen quí của quốc gia.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên