Toàn cảnh cuộc họp báo công bố giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1)
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của ông Phạm Quang Vinh và Trần Văn Nghĩa…
Cả thế giới đang xem... Hà Nội!
"The world is watching us" hay "Cả thế giới đang xem chúng tôi" là câu khẩu hiệu (slogan) khá khiêu khích, nhưng rất đúng mà Malaysia đã sử dụng khi nói về giải đua xe công thức 1 (formula 1), được tổ chức hàng năm.
Tôi nhớ cảm giác của thành phố Kuala Lumpur những mùa đầu tiên tổ chức hết sức thành công, hình ảnh của F1 có ở mọi quán bar, cafe, mọi tụ điểm công cộng.
Chúng tôi gặp những thông tin, kiểu như "bạn có biết một tay đua sút đi bao nhiêu kilogram sau mỗi vòng đua?" hay "Mỗi tay đua phải phanh bao nhiêu lần trong cả chặng đua, và không lần nào được làm sai", hoặc "Lực tác động lên vai của các tay đua khi vào cua là bao nhiêu kilogram".
Thành phố như một ngày hội, fans của các đội đua có mặt ở mọi điểm công cộng
Khi chính quyền Singapore nhìn thấy lợi ích của việc đưa giải thể thao đắt đỏ và đình đám nhất thế giới này đến với Singapore, họ đã nhớ đến và cần những kinh nghiệm của Ong Beng Seng - chủ của một công ty đầu tư vào khách sạn và nhiều ngành kinh doanh khác - người có quan hệ thân mật với ông chủ lớn của F1: tỉ phú Bernie Ecclestone.
Cái bắt tay của Ong Beng Seng và chính quyền Singapore và vai trò của tỉ phú này trong việc chắp nối với Bernie Ecclestone đã giúp Singapore đạt được những thành công rực rỡ từ F1.
Họ đã lựa chọn đua trên đường phố ở vịnh Marina vào ban đêm đã khiến Singapore nổi bật trên bản đồ của giải đua xe danh giá.
Cả thế giới lại nhìn về những đường đua sáng đèn đêm đêm quanh vịnh Marina từ năm 2008, cho dù từ 15 chặng đua năm 1999, giờ đây đã lên tới 21 chặng đua mỗi năm, và từ 2 vòng đua (Malaysia và Nhật Bản), giờ đây đã nhiều quốc gia châu Á tham gia tổ chức, như Trung Quốc, Azerbaijan, Bahrain, Hàn Quốc.
Và bây giờ đến lượt Việt Nam. Và tại sao không là "cả thế giới đang xem Hà Nội"?
Nếu được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong số những quốc gia đang tổ chức hoạt động thể thao tốn kém này.
Ở Singapore, chính quyền đã tạo ra một mô hình hợp tác công tư để có được hoạt động thể thao tầm thế giới này. Một liên doanh giữa tỷ phú Ong Beng Seng với chính quyền đã đứng ra tổ chức, và nguồn tiền thuế từ tăng giá khách sạn và các dịch vụ phát sinh nhờ cả trăm nghìn khách du lịch đến đảo quốc vì F1 được Chính phủ sử dụng để bù đắp, còn tỉ phú Ong Beng Seng được đảm bảo để có được một khoản lãi tối thiểu.
Đường đua F1 tại Hà Nội
Và Singapore có được một hoạt động thể thao tầm thế giới.
F1 của Hà Nội độc đáo hơn là sử dụng nguồn tiền hoàn toàn xã hội hóa. Nhưng cũng có nhiều thử thách trong công việc tổ chức. Ví dụ chúng ta không có được một hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo để kết nối thành phố với khu vực Mỹ Đình, và việc vận chuyển hơn 200.000 người xem đến và rời khỏi điểm đua trong ba ngày cuối tuần thật sự là một thử thách to lớn, lớn hơn cả việc bố trí để có đủ hơn 200.000 phòng khách sạn cho lượng khách tăng đột biến này…
Nhưng cơ hội thì tất nhiên là rất nhiều.
Trước hết là cơ hội để được giải những bài toán lớn, mà nếu giải được, thì năng lực tổ chức, quản lý đám đông và các sự kiện thế giới đã đến một đỉnh cao mới, và chắc chắn Hà Nội sẽ sớm hấp dẫn không chỉ các sự kiện thể thao, mà cả văn hoá, giải trí, khi người ta nhận ra ở đây có khả năng tổ chức được những hoạt động như vậy.
Cơ hội nữa, có thể thấy ngay, là phục vụ, bán hàng cho hàng trăm ngàn người xem và bạn bè, gia đình cùng đi, là chia sẻ cơ hội bán hàng cho họ với các tỉnh, thành lân cận, là qua họ mang đến nhiều khách du lịch khác đến với Hà Nội…
Và, cho dù là môn thể thao mới, nhưng sự có mặt của môn thể thao hấp dẫn này hẳn sẽ khiến nhiều người trẻ tuổi quan tâm đến không chỉ đua xe, mà còn về những gì mỗi năm được các đội đua mang đến, từ kỹ thuật động cơ đến những cải tiến về kết cấu và an toàn,…
Và quan trọng là có vẻ như cơ hội để Hà Nội có thể thật sự có tên mình ở bản đồ F1 và để "thế giới nhìn vào chúng tôi" đang ở rất gần, rất thật.
Tức là có rất nhiều thứ để có thể hy vọng, và tôi nghĩ, chính quyền Hà Nội thật sự đã có những nỗ lực đáng nể để mang F1 về Việt Nam.
Không việc gì phải đắn đo
Bản thân tôi cũng hết sức bất ngờ khi nghe tin Hà Nội nhận quyền đăng cai tổ chức F1. Tôi nghĩ, nhà tổ chức F1 đã tính toán rất kỹ khi trao quyền đăng cai cho Hà Nội, Việt Nam.
Thứ nhất, chúng ta có một ưu thế rất lớn là dân số trẻ, một đối tượng hết sức phù hợp với thể thao tốc độ nói chung, F1 nói riêng.
Thứ hai, đã nói đến F1 là phải nghĩ ngay đến chuyện kinh doanh xe hơi. Về chuyện này, tuy đất nước chúng ta chưa giàu có gì, nhưng việc mua sắm xe siêu sang ở chúng ta vào loại có "số má" trên thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta lại sắp sửa có thương hiệu xe hơi Việt đầu tiên nên tôi nghĩ việc nhảy vào F1 để quảng bá là điều bình thường, đúng đắn. Bên cạnh đó, F1 thu hút một lượng khán giả xem truyền hình rất lớn trên toàn thế giới, vì vậy Ban tổ chức F1 cũng cần phải tìm kiếm một quốc gia nào có sự hấp dẫn để kích thích khán giả. Với những yếu tố như vậy, tôi nghĩ hai bên đã gặp được nhau.
Khi tổ chức F1, tôi nghĩ những cái lợi thấy được là rất rõ, như thu hút khách du lịch, quảng bá thương hiệu Việt Nam với thế giới…
Đặc biệt, F1 là một sự kiện được xếp vào loại sang cả của thế giới thể thao.
Là một người xuất thân từ thể thao, bắt tay vào làm kinh tế thể thao vào loại đầu tiên ở Việt Nam, tôi cho rằng việc được tổ chức sự kiện chuyên nghiệp như F1 sẽ giúp cho chúng ta có được những bài học quý giá trong vấn đề tổ chức sự kiện - một khâu vào loại kém của thể thao Việt Nam nói riêng, ngành giải trí nói chung.
Nói thật, trở ngại lớn nhất cho việc tổ chức những sự kiện thể thao giải trí lớn như F1 chính là câu hỏi "đầu tiên" (tiền đâu?).
Nhưng một khi đã có được các nhà tài trợ cam kết bỏ ra hàng trăm triệu USD để tổ chức thì chẳng có gì phải đắn đo trong việc nhận hay không nhận.
Cho đến giờ, tôi vẫn khẳng định đua xe là một môn thể thao hấp dẫn đối với người Việt. Ở những cuộc đua xe gắn máy mới tổ chức lại gần đây, chúng ta vẫn thấy khán giả trẻ đến đông nghịt đấy thôi.
Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện của thể thao tốc độ rất tốn tiền và đòi hỏi trình độ tổ chức rất cao. Nhưng chuyện đấy vẫn không khó bằng chuyện tiền để tổ chức.
Vì vậy, bây giờ nghe chuyện giải được bài toán khó này để tổ chức F1, quả là một điều kỳ thú!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận