21/08/2018 10:30 GMT+7

Đường phố Sài Gòn đầy rác công nghiệp

LÊ PHAN - MỸ DUYÊN
LÊ PHAN - MỸ DUYÊN

TTO - Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM có văn bản yêu cầu các quận, huyện không thu gom rác thải sinh hoạt chung với rác thải công nghiệp. Từ đó, vải vụn, mút xốp, ghế sofa... trên đường phố, tại các bô rác không được dọn.

Đường phố Sài Gòn đầy rác công nghiệp - Ảnh 1.

Rác chất đống trên đường CN 1, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUYÊN

Một số tuyến đường như Bình Long, Kênh 19-5, Ao Đôi (Q.Bình Tân), đường CN1 (Q.Tân Phú), quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn P.Tân Thới Nhất (Q.12)... đầy những bao rác chứa vải vụn, xốp bị người dân đem vứt ra đường.

Rác chất đống nhưng không dám dọn

Anh Trần Văn Phức (nhân viên Công ty Môi trường đô thị thành phố), quản lý bô rác đường Bình Long, lo ngại: "Theo yêu cầu của cấp trên, chúng tôi không được thu dọn rác công nghiệp chung với rác sinh hoạt nữa. Nếu không, có thể sẽ bị phạt khi chở rác đi". Tương tự anh Hoàng Nhân, người thu gom rác dân lập tại địa bàn Q.Bình Tân, chia sẻ có thấy rác công nghiệp để gần rác sinh hoạt cũng để lại chứ không gom vì nếu gom chở tới có thể bị phạt tiền.

Những hộ kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn khi đột nhiên đơn vị thu gom không tiến hành thu gom rác công nghiệp nữa. Chị T., một chủ cơ sở sản xuất nón tại địa bàn Q.12, cho biết rác từ việc sản xuất 2 tuần nay chất đống tại xưởng không biết đem bỏ đâu. Mỗi ngày cơ sở thải ra khoảng 100kg vải vụn, chị đang đau đầu chưa biết xử lý sao. Chị đã gọi cho các đơn vị thu gom nhưng chỉ được hẹn "sẽ gọi lại sau".

Quận khó khăn trong xử lý

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, lo ngại: rác công nghiệp từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nếu không được thu gom sẽ dẫn tới việc lén lút đổ ra. Đây là vấn đề gây khó cho quận. 

Quận đã chỉ đạo lắp camera theo dõi và xử phạt 13 trường hợp vi phạm đổ rác ra đường tại khu vực đường Bình Long nhưng vẫn không thể dứt điểm được. 

Để giải quyết vấn đề này, quận đã thống kê, làm việc với các cơ sở kinh doanh và các đơn vị thu gom rác để hai bên làm hợp đồng thu gom, không được đổ rác ra đường.

Ông Bình kiến nghị: việc thực hiện theo quy định là đúng nhưng cần phải có lộ trình, làm gấp và đột ngột như hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề phát sinh, khó khăn. Quận sẽ tổng hợp các khó khăn để kiến nghị lên Sở Tài nguyên và môi trường trong cuộc tiếp xúc vào ngày 21-8.

Còn ông Huỳnh Mộng Nhân, phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Tân Phú, cho biết đã đề xuất quận tổng vệ sinh toàn quận và cấp kinh phí xử lý toàn bộ rác thải công nghiệp đang tồn đọng, sau đó sẽ bàn giao địa bàn về cho 11 phường quản lý. Riêng đối với rác tại đường CN1 do ban quản lý Khu công nghiệp Tân Bình chịu trách nhiệm.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thành xử lý rác công nghiệp còn khá cao, 7 triệu đồng/tấn chưa bao gồm chi phí thu gom, vận chuyển. Đối với các hộ dân nhỏ lẻ mỗi ngày thải ra 1-2kg rác thải, việc thu gom riêng rác công nghiệp hằng ngày cũng không khả quan lắm. Còn để lâu thì dẫn tới tình trạng lén bỏ ra đường, bùng phát các bãi rác tự phát. Sở Tài nguyên và môi trường cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để các quận thực hiện" - ông Nhân nói.

Cần có nơi xử lý rác công nghiệp giá hợp lý

Đại diện Công ty Môi trường đô thị TP.HCM chia sẻ: việc Sở Tài nguyên và môi trường ra văn bản yêu cầu quận, huyện thực hiện đúng việc chuyển giao chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không được trộn lẫn vào chất thải rắn sinh hoạt trong thời điểm này là rất hay. Việc phân loại sẽ giúp thành phố giảm bớt ngân sách trong việc xử lý rác và quản lý tốt các nguồn rác công nghiệp.

Tuy nhiên, thành phố cần có một nơi xử lý tập trung với giá cả hợp lý để tạo thuận lợi cho việc xử lý riêng loại rác thải này.

Dọn rác vô chủ bị lập biên bản

Trong quá trình thu dọn rác trên đường phố, thấy nhiều bao rác công nghiệp "vô chủ", nhân viên thu dọn vệ sinh tại Q.3 đã thu gom lên xe. Trong lúc chở số rác này, xe của Công ty Dịch vụ công ích Q.3 đã bị lập biên bản nhắc nhở.

Công ty Dịch vụ công ích Q.3 đã có kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và môi trường có văn bản hướng dẫn về quy trình thu gom rác để tránh lặp lại trường hợp trên.

Mỗi ngày vớt từ 10 - 40 tấn rác tại bốn kênh ở TP.HCM Mỗi ngày vớt từ 10 - 40 tấn rác tại bốn kênh ở TP.HCM

TTO - Lượng rác vớt được tại kênh Đôi - Tẻ; Tàu Hủ - Bến Nghé cao nhất đến 80 tấn/ngày, trong đó đa phần là rác sinh hoạt, mút xốp được xả thẳng xuống kênh.

LÊ PHAN - MỸ DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên