Đường hoa xuân Cao Lãnh (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, TP Cao Lãnh) đã khai trương tối 7-1 (28 Tết) với chủ đề "Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong".

Đường hoa gồm 2 chương: Bản sắc Sen hồng và Bứt phá tiên phong, 13 đại cảnh dẫn dắt du khách khám phá đặc trưng về văn hoá và con người vùng đất sen hồng - Đồng Tháp.

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 1.

Linh vật rồng, biểu tượng của năm Giáp Thìn 2024, đặt ở cổng vào đường hoa với hình ảnh bay lượn trên những đoá hoa sen, miệng phun dãy hoa nhiều màu sắc, thu hút nhiều du khách tập trung chụp ảnh.

Thiết kế của linh vật rồng được lấy cảm hứng từ rồng Việt Nam trong dân gian, mang hai màu sắc chủ đạo là vàng và cam, điểm xuyến bằng dải hoa sen rực rỡ đón chào du khách tham quan đường hoa, thể hiện ý chí mạnh mẽ và một khởi đầu bứt phá.

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, hoa sen và bé sen xuất hiện đều khắp mọi ngõ ngách của đường hoa, bởi hoa sen gắn liền với con người Đồng Tháp. Trong đó, bé Sen, một biểu tượng vui, một hình ảnh đậm chất "đất sen hồng" gần gũi và mộc mạc, điểm tô sự năng động, tươi trẻ, tạo tính kết nối hơn đối với du khách.

Trải nghiệm chương 1 "Bản sắc sen hồng", du khách có thể cảm nhận văn hoá và con người Đồng Tháp được những hình ảnh của công cuộc khai hoang mở đất và những đặc trưng của tỉnh. Có nhiều đại cảnh được trang trí đẹp mắt như: Tích Con Rồng cháu Tiên thể hiện sự tôn vinh nguồn gốc dân tộc, nòi giống Rồng - Tiên; Phong vị Ngày Xuân giới thiệu ẩm thực Đồng Tháp được hình thành trên cơ sở của những điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng đất Nam Bộ; Vang ca Nam bộ lẩy cảm hứng từ đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật đắc sắc vùng nước nổi; Miền đất trù phú, lấy cảm hứng từ khung cảnh sinh hoạt tại làng nghề dệt Long Khánh lâu đời - nơi dệt nên chiếc khăn rằn, biểu tượng gắn liền với người dân đất sen hồng.

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 3.

Ở chương 2 "Bứt phá tiên phong", nhiều du khách lưu lại chụp ảnh khá lâu tại đại cảnh Nơi đàn sếu về nguồn, thiết kế với đàn sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm hiện đang bảo tồn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim - bay lượn uyển chuyển đan xen với những bông so đũa đặc trưng miền Tây; Nông nghiệp Công nghệ cao, nêu bật nông nghiệp, với vai trò là trụ đỡ quan trọng của kinh tế Đồng Tháp; Xuân hội tụ, hình ảnh hai linh vật rồng cùng hướng về mặt trăng, thân hình uốn lượn 12 khúc, biểu thị sự thuần phục, ý chỉ sức mạnh tâm linh.

Ngoài ra còn có các tiểu cảnh, đại cảnh thiết kế khu vực được tạo dựng dựa trên tinh thần hiếu học của người dân Cao Lãnh nói riêng, khát vọng chuyển mình vươn lên của tỉnh Đồng Tháp.

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 4.
Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 5.

Đường hoa Cao Lãnh Xuân Giáp Thìn 2024 kết thúc bằng một bức tranh rực rỡ sắc xuân được điểm tô bằng hình ảnh rồng hiên ngang vươn lên trên bông sen khổng lồ. Hoà chung vào không khí năm mới, các hiện thân của miền đất Cao Lãnh, của truyền thống được tôn vinh, hòa quyện cùng những nét hiện đại, thể hiện khát vọng vươn cao phát triển, quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ, cùng góp sức vào công cuộc đưa đất nước "hoá rồng", hứa hẹn một diện mạo phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, đời sống phồn vinh và thịnh vượng.

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 6.

Đường hoa được thi công trong hơn 20 ngày, kinh phí từ nguồn xã hội hoá. Các kỹ sư thiết kế sử dụng liệu thân thiện với môi trường, gắn với nét đặc trưng của Đồng Tháp như sen, tràm, tre, gần 80.000 chậu hoa, trên 30 loài hoa có sẵn ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ TP.HCM) chia sẻ: "Khi đến với lễ hội hoa xuân Cao Lãnh, mình thấy linh vật rồng rất ấn tượng, được làm công phu, mỹ thuật và đẹp. Đặc biệt rồng bay lên từ biểu tượng hoa sen, giống như rồng bay lên từ tất tinh hoa của vùng đất này".

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 7.

"Đường hoa thiết kế công phu, có nhiều nội dung, sen, khăn rằn và biểu tượng của nông nghiệp như lúa, xoài…. Có một đặc nét không nơi nào có đó là sếu đầu đỏ, hình ảnh loài vật thanh cao sang trọng. Mình thấy rất vui khi trở về quê hương tham dự lễ hội xuân, qua đó cảm nhận quê mình có sự phát triển, đường hoa đầu tư chỉn chu và nội dung và bố cục hài hoà", chị Tâm nói thêm.

Lễ hội Xuân và Đường hoa Xuân Cao Lãnh diễn ra từ ngày 7 đến 14-2 (nhằm 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết) tại Quảng trường Văn Miếu, công viên Văn Miếu - (phường 1) và công viên Hai Bà Trưng (phường 2).

Đường hoa xuân Cao Lãnh: ‘Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong’ - Ảnh 8.
ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên