Nhà Đinh Văn Toàn ở làng Xà Tang, cách điểm Trường tiểu học Vĩnh An ba quả đồi. Năm lớp 1, nhằm vận động cho Toàn được đến trường, giáo viên chủ nhiệm phải đến tận nhà, thuyết phục cha mẹ.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 1.

Trong mắt bậc phụ huynh người đồng bào, gia đình thiếu một thành viên tức là mất một lao động có thể phụ giúp chăm em và đi chăn bò những lúc cha mẹ lên rẫy.

Gia đình không chấp nhận, giáo viên đành nhờ tới cán bộ địa phương đến giải thích về tầm quan trọng của việc học. Thế nhưng, hôm nào Toàn không đến lớp, thầy giáo vẫn phải đến tận nhà để chở học sinh.

"Có đứa may mắn thì buổi sáng ba mẹ nấu cơm cho ăn rồi đi học, còn lại thì toàn tự túc, đôi khi mang cả chiếc bụng đói đến mà vẫn im lặng vì chưa giao tiếp tốt tiếng Kinh", thầy Nguyễn Văn Văn (chủ nhiệm lớp 1B, 2B) chia sẻ.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 2.

Sang năm lớp 3, Toàn được chuyển điểm trường tập trung. Đoạn đường từ nhà đến lớp học hơn 3km, cậu bé vẫn tiếp tục bươn đồi, vượt suối bằng đôi chân. Có nhiều lần qua đoạn lầy, cậu bé phải xách dép, kéo quần qua tận đầu gối để về nhà.

Những đứa trẻ như Đinh Văn Toàn không phải ít ỏi ở đây, nơi hầu hết học sinh từ lớp 3 khi học tại điểm trường chính ở xã Vĩnh An đều đi bộ hoặc tự đạp xe vượt đồi và băng qua cây cầu treo được dựng tạm bợ qua suối, chính là con đường duy nhất để dẫn tụi trẻ con đồng bào Bana đi tìm con chữ.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 3.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 4.

Chiều thứ hai, tụi trẻ con không có tiết học. Từ đầu tuần trước, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo tất cả học sinh đều sẽ tập trung về điểm trường chính tham dự buổi lễ long trọng.

Thế nhưng tiết học buổi sáng kết thúc, tụi trẻ con về nhà chưa 30 phút đã quay lại sân trường với đủ váy vóc, quần áo thổ cẩm. Nếu tôi là ống kính trong chiếc drone đang dần bay lên cao, tôi đã có thể thu hết vào mắt mình hình ảnh tụi trẻ con như những búp hoa sặc sỡ sắc màu giữa rừng.

Chị Đinh Thị Xướng (29 tuổi) vừa tất bật chỉnh lại quần áo cho con gái, vừa dắt tay đứa con nhỏ. Chị Xướng có hai con, một học lớp 1, một học lớp 5 cùng ở điểm Trường tiểu học Vĩnh An.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 5.

Gia đình Xướng cả đời trồng keo. Vào mùa mưa, đường rừng khó khăn khiến thu nhập gia đình cũng bấp bênh, việc nuôi 2 đứa con tuổi ăn tuổi học bỗng trở thành gánh nặng.

Ấy vậy nhưng chị Xướng chưa bao giờ có ý định để con nghỉ học!

Buổi sáng, chị dậy sớm nấu nồi cơm trắng, chia mỗi đứa một bát cơm rồi nhìn con gái lớn đạp xe đến trường, còn chị thì dắt tay đưa đứa nhỏ đến điểm trường lẻ. Xướng chỉ học đến lớp 7 nhưng chị rất có ý thức trong việc con chị phải có cái chữ để thành người.

"Nếu không học hành đến nơi đến chốn, con lại đi rừng, cực khổ lắm! Sợ con không theo nổi, chứ con học tới đâu thì cha mẹ chúng tôi theo tới đó", Xướng khẳng định.

3 năm liền, tấm bằng khen xuất sắc của con gái là động lực để Đinh Thị Kham đưa con đến trường. Cả gia đình 4 người sống dựa vào công việc làm nông, thế nhưng Kham luôn cố gắng cho con được đi học.

"Ở nhà con học xong là phụ giúp bố mẹ rửa chén, chăm em. Bây giờ kinh tế đỡ hơn nhưng mình luôn ý thức tiết kiệm cho con sau này lớn lên. Vì vậy, chỉ cần con có trình độ, bố mẹ khổ mấy vẫn quyết tâm", chị Kham nói.


Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 6.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 7.

Trường tiểu học Vĩnh An bao gồm một điểm trường chính dành cho khối lớp 3 đến lớp 5 và 2 điểm lẻ tại làng Xà Tang và Kon Giang. Có trường lẻ để rút ngắn đoạn đường cho những em bé khối lớp 1, lớp 2 đến trường.

Hơn 10 năm trước, thầy Nguyễn Văn Văn (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, 2B) sau khi học xong đã quyết định quay về quê nhà phục vụ đồng bào quê hương.

Lần đầu nhận đứng dạy ở phòng học ghép 2 khối lớp, thầy Văn không khỏi bỡ ngỡ. Bên này bảng, tụi trẻ con lớp 2 chưa giải xong bài tập, bên kia lớp 1 đã như đàn ong vỡ tổ.

Cuối cùng, giáo viên như thầy Văn đều phải tham gia các buổi tập huấn do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Sơn tổ chức, nhằm có kinh nghiệm quản lý lớp học ghép.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 8.

Gọi là điểm trường nhưng thực chất đây là ngôi nhà cũ được dựng tạm bợ. Thầy cô sẽ được luân phiên 2 năm đứng lớp 1 lần ở điểm trường lẻ.

Mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên của thầy Văn là đếm sĩ số. Tối đa chỉ có 20 học sinh trong một khóa, thế nhưng để đảm bảo sĩ số này thôi cũng trở thành vấn đề.

"Nhiều hôm lớp vắng, thầy phải đến nhà đưa học sinh đi học. Đời sống của người dân tộc khó khăn, bố mẹ đi nương rẫy suốt ngày nên hầu hết con cái tự bươn chải, tự ăn uống. Dạy được các em, giáo viên cũng phải thấu hiểu cho cả hoàn cảnh gia đình học trò", thầy Văn nói.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 9.

Trong ký ức của cô giáo Đinh Thị Ghinh (giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 1C, 2C), những năm đầu tiên, điểm trường lẻ còn không có một chiếc bàn đúng khổ với thân hình nhỏ bé của trẻ em đồng bào. Học vài tiếng là học sinh đều nhức mỏi.

"Lúc đó ở bản chưa đủ điện, quạt. Hôm nào cúp điện, cúp nước là cô trò thay nhau đi xách nước dùng, nhà vệ sinh cũng phải nhờ mảnh đất trong rừng", cô giáo chia sẻ.

Thế nhưng, điều khó khăn nhất với giáo viên vẫn là khâu giao tiếp. Trẻ em chủ yếu nói tiếng đồng bào mình, trong khi giáo viên là người Kinh khiến cả hai không hiểu nhau.

Sau này, cô Ghinh ở lại nhà tập thể. Buổi tối cô giáo nấu cơm xong là lại nhờ học trò đến nhà để dạy thêm tiếng Bana.

"Phải nói ngôn ngữ mới nó giống như chúng ta học ngoại ngữ vậy. Mình đã ghi nhiều vào sổ nhưng mãi đến khi tiếp xúc nhiều, giao tiếp qua hằng năm mới hiểu hết các em", cô Ghinh nói.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 10.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 11.

Đó là lời thầy Đỗ Thanh Tuấn - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh An - chia sẻ với phóng viên.

Năm 2022, ông Tuấn nhận quyết định về công tác tại điểm trường xã Vĩnh An. Đó cũng là lần đầu tiên người thầy làm việc trực tiếp với những con em người đồng bào. Ấy vậy, chính sự thiệt thòi về mặt vật chất lẫn tinh thần của con em xã miền núi khiến ông không ngừng nỗ lực nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng giáo dục tại địa bàn.

Trước năm 2022, Trường tiểu học Vĩnh An chỉ có 90% học sinh đảm bảo hoàn thành năm học. Thầy Tuấn cho biết đó là con số rất thấp so với toàn tỉnh, nên luôn tạo động lực giúp giáo viên quyết tâm hơn.

Sang năm 2023, con số này đã nâng lên 95% khiến thầy cô lòng vui như mở hội. "Dù là con số khiêm tốn với tỉnh, nhưng đó là nỗ lực to lớn của thầy và trò", ông Tuấn mỉm cười.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 12.

Khi lắng nghe tin Trường tiểu học Vĩnh An được Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) hỗ trợ xây dựng điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ, tổng kinh phí lên đến 5 tỉ đồng, thầy Tuấn vui lắm!

Những ngày tòa nhà thành hình, thầy Tuấn lúc nào cũng đứng ngắm nhìn tỉ mẩn. Trên chiếc sân xi măng mới tráng, thầy còn đích thân trồng thêm nhiều cây xanh nhỏ nhằm chứng kiến nó phát triển theo thời gian cùng trường.

Đặc biệt, tại 2 điểm trường phụ, ngoài lớp học khang trang, Vietlott còn hỗ trợ xây thêm khu nhà vệ sinh mới đảm bảo cho học sinh cả việc học lẫn việc vui chơi.

"Thầy cô phải nói rất phấn khởi, các em học sinh cũng thích thú, muốn đến trường nhiều hơn. Hỏi trò, trò đều nói câu "ưng cái bụng" khiến bản thân người làm giáo dục như mình vui lắm!", thầy Tuấn nói.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 13.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 14.

Ngày khánh thành tòa nhà mới ở Trường tiểu học Vĩnh An, người dân xã Vĩnh An đều đến chúc mừng. Từ buổi chiều, cán bộ đã mang cồng chiêng, nhảy những điệu múa truyền thống để chào đón khách mời phương xa.

Buổi lễ có sự góp mặt của ông Hồ Đức Phớc (bộ trưởng Bộ Tài chính), ông Hồ Quốc Dũng (bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định), ông Nguyễn Thanh Đạm (chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam - Vietlott), cùng các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Định.

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 15.

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Nam (phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định) phát biểu: "Trường tiểu học Vĩnh An đã hoàn thành nghiệm thu, đưa vào sử dụng vào đúng dịp năm học mới. Công ty Xổ số điện toán Việt Nam tài trợ xây dựng trường là có ý nghĩa thiết thực giúp xã đạt tiêu chí về văn hóa, giáo dục, giải quyết khó khăn cho các trường, các địa bàn ở xã miền núi".

Ông Nguyễn Thanh Đạm (chủ tịch Vietlott) cũng chia sẻ: "Là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thành lập từ năm 2011, trực thuộc Bộ Tài chính, Vietlott được phép kinh doanh qua kênh thiết bị đầu cuối và kênh điện thoại trên toàn quốc.

Toàn bộ nguồn thu từ hoạt động xổ số vào khoảng gần 30% doanh thu, Vietlott đã nộp vào ngân sách của 63 tỉnh, thành để thực hiện đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Ngoài hỗ trợ xây trường, Vietlott còn trao tặng 100 triệu đồng nhằm giúp đỡ thầy cô và học sinh mua dụng cụ học tập, thiết bị giảng dạy".

Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 16.


Đường đến trường của người dân xã miền núi - Ảnh 17.


NGỌC PHẠM
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: vietlott
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên