06/11/2018 11:16 GMT+7

Đừng vây thành phố bằng tường cao ốc

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Biển và sông, những 'máy điều hòa' khổng lồ cho các thành phố, đã và đang bị vô hiệu hóa bởi tường cao ốc cản nắng, gió từ biển, sông thổi vào. Những bức tường nhà cao tầng liên tục kéo dài dọc sông, dọc biển... đang nhốt người dân ở bên trong.

Không rõ từ bao giờ người Việt Nam đã tôn sùng văn hóa "mặt tiền". Cái gì mặt tiền là có giá, bởi vậy các đô thị có hình thái giống hệt nhau là nhà nhà ôm mặt tiền, kết lại thành dải chạy dọc theo trục đường, nhìn hết tầm mắt không biết đâu là điểm cuối.

Văn hóa "mặt tiền" bắt đầu lan ra đến quy hoạch và kiến trúc sông, biển sau năm 1995.

Kịch bản ở các thành phố có biển hay nằm gần sông dường như giống nhau. Ban đầu chỉ là vài tòa nhà cao tầng đơn lẻ nằm sát bờ biển, bờ sông.

Thấy làm ăn được, các nhà đầu tư bằng mọi cách lấp đầy các khoảng trống còn lại bằng một loạt cao ốc tạo ra những bức tường nhà cao tầng chạy dài dọc theo bờ biển, bờ sông.

Đến nay bức tường cao ốc có ở khắp nơi: Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ...

Nếu chỉ có một vài tòa cao ốc có kiến trúc đẹp, độc đáo sẽ trở thành điểm nhấn, kết hợp các nhà thấp tầng, vườn cây, công viên sẽ tạo ra "nhịp điệu đô thị" sinh động. Nhưng khi kết thành các khối nhiều tòa cao ốc, tạo ra những bức tường cao ốc, trở thành tai họa.

Nha Trang cũng đã muộn màng khi kiến nghị tạm dừng xây công trình cao tầng tại đây.

Trước kia, khi chưa có những bức tường cao ốc, người dân ở trong nhà thấp tầng đều nhìn thấy biển xanh và mặt trời ló dạng mỗi sớm mai, nay ngồi trong nhà nhìn ra chỉ thấy tức mắt vì tầm nhìn bị che chắn.

Biển và sông là máy điều hòa khí hậu khổng lồ cho các thành phố, nhưng đã bị vô hiệu hóa bởi tường cao ốc cản nắng, gió từ biển, sông thổi vào.

Khi xây dựng Sài Gòn, người Pháp đã thiết kế các trục đường vuông góc với bờ sông Sài Gòn để đón gió tự nhiên đẩy sâu vào trong nội ô thành phố. Họ không cho xây nhà cao tầng ở ven sông, cao nhất cũng chỉ là 3 tầng, cả tầng áp mái.

Những năm gần đây, do thiếu kinh nghiệm trong quy hoạch nên các quần thể nhà cao tầng xuất hiện ken sát sông Sài Gòn, làm thay đổi hình thái kiến trúc truyền thống.

TP.HCM đã cố gắng hạn chế xây nhà cao tầng ở khu vực lõi 930ha và vùng trung tâm. Nhưng từ chối các đại gia xây cao ốc ở trung tâm là không dễ dàng, đề nghị họ nhích ra xa một chút không chỉ là vấn đề kỹ thuật, pháp lý mà còn là nghệ thuật đàm phán.

Dự án xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn dài 64km từ cảng Sài Gòn đến Bến Súc (Củ Chi), xây dựng khu đô thị ở Thủ Thiêm, bán đảo Thanh Đa cần cân nhắc đến hình thái đô thị sông nước.

Tuyệt đối không cho hình thành những bức tường nhà cao tầng liên tục hay những đoạn kéo dài dọc sông, hay bao quanh bán đảo, nhốt người dân ở bên trong.

Kể cả việc xem xét lại dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội ở Q.4, sau khi mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ 14m lên 40m, di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội về cảng Hiệp Phước, có hơn 32ha đất sạch được đưa vào xây dựng.

Nếu lại để nhà cao tầng ken dày đặc ở bờ tây sông Sài Gòn, người dân sống bên trong sẽ ngộp, hình ảnh của thành phố mất đẹp, bởi đi trên sông Sài Gòn, đứng bên Thủ Thiêm nhìn sang chỉ thấy rừng khối nhà hộp bêtông xám xịt hay bọc kính chọc thẳng lên trời.

Khi ấy có bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức cũng vô nghĩa bởi không khó để phá căn nhà cấp 4, còn với rừng cao ốc coi như... thua.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhà cao tầng cao ốc