TAND tối cao mới công bố dự thảo thông tư về công khai bản án, quyết định của tòa án sau khi các bản án, quyết định được tuyên.
Mục đích việc này là để người dân, chuyên gia, nhà nghiên cứu có thể tiếp cận được các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trong hệ thống tòa án trên toàn quốc.
Nâng cao việc giám sát cơ quan xét xử
Nói về việc công khai bản án lên mạng, ông Nguyễn Hòa Bình - chánh án TAND tối cao - cho rằng việc công khai các bản án đã có hiệu lực pháp luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong đó, đặc biệt là sự giám sát của nhân dân trong hoạt động xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa.
Ngoài ra, cũng theo ông Bình, việc công khai bản án cũng nhằm nâng cao chất lượng các bản án và các quyết định của tòa án.
Theo đó, các thẩm phán khi viết án phải cân nhắc cẩn thận trong câu từ, ngữ pháp và lập luận, phân tích đánh giá từng hành vi và lập luận về tội danh. Thông qua từng bản án có thể nhận ra được năng lực của từng thẩm phán thế nào.
“Đây là cơ hội để các thẩm phán buộc phải hoàn thiện năng lực cũng như nghiệp vụ trong xét xử”, ông Bình nói.
Ngoài những mục đích trên, việc công khai bản án còn là để toàn dân được giám sát sẽ kịp thời phát hiện và phòng ngừa vi phạm, tham nhũng trong thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa cũng như tăng cường tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi xét xử.
Ủng hộ và cho rằng việc công khai bản án là tiến bộ, tiến sĩ Lê Minh Hùng - phó chủ nhiệm khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết lâu nay, giới sinh viên, nghiên cứu luật rất khó khăn khi tiếp cận bản án.
Vì vậy, công khai bản án là tạo sự thuận lợi cho giới nghiên cứu cũng như những người dân quan tâm đến bản án.
Phải thận trọng
Dự thảo đưa ra hai phương án để công khai bản án, đó là mã hóa các thông tin cá nhân của đương sự để đảm bảo bí mật đời tư mà luật đã bảo vệ, và phương án thứ hai là công khai toàn bộ thông tin như bản án vốn có.
Luật sư Lưu Văn Tám, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng việc công khai bản án dễ đứng trước nguy cơ xâm phạm quyền nhân thân và quyền tài sản của đương sự đã được pháp luật bảo vệ.
“Bản thân đương sự không muốn công khai tài sản, nhân thân của mình cho tất cả mọi người thấy, thậm chí đó còn là nguy cơ cho những tiêu cực khác”, ông Tám nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Minh Hùng khẳng định việc công khai bản án là cần thiết nhưng đối với những bản án hôn nhân gia đình, án liên quan đến người chưa thành niên nếu không phải là án xử kín thì cần phải được mã hóa hoặc đổi tên đương sự.
“Cũng như khi lấy ý kiến về án lệ, cũng có ý kiến cho rằng cần phải mã hóa các án lệ này, nhưng thực sự mã hóa tên người thành anh A, chị B, ông C, bà F mà có những vụ án lên tới hàng trăm đương sự mà bảng chữ cái chỉ có vài chục chữ thì không đủ để đặt tên hết, nên sẽ trùng mã, khi đó thì người đọc không biết làm thế nào để phân biệt được đương sự nào với đương sự nào.
Khi đó, đọc bản án là việc đánh đố đối với người cần được tiếp cận bản án”, ông Hùng băn khoăn.
Về khía cạnh bí mật thông tin gia đình bị công khai ngoài sự mong muốn của đương sự, nhất là những bản án hôn nhân, tranh chấp tài sản…, ông Nguyễn Văn Thuân - phó chánh án TAND tối cao - cho rằng chính vì còn cân nhắc nên phải lấy ý kiến phân tích, góp ý của nhân dân và các chuyên gia.
Thực tế thì ngoài các vụ án được xét xử kín hoặc cần phải đảm bảo bí mật theo quy định của luật, hoặc bí mật kinh doanh… thì không công khai, còn những vụ án được xét xử công khai thì ai cũng có thể tham dự phiên tòa nên có thể công khai bản án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận