03/07/2018 10:17 GMT+7

Dự án nào cũng có mặt công ty CTK

ĐÔNG HÀ - HỮU KHÁ -  ĐOÀN CƯỜNG
ĐÔNG HÀ - HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không chỉ TP.HCM, tại Vũng Tàu, Đà Nẵng... cũng có những dự án bất động sản liên quan đến các đơn vị của Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ).

Dự án nào cũng có mặt công ty CTK - Ảnh 1.

Một góc dự án khu gia đình quân nhân sư đoàn 372 ở Đà Nẵng được giao cho Công ty CTK làm chủ đầu tư - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tất cả những dự án này đều được giao cho Công ty cổ phần đầu tư CTK (Công ty CTK) hoặc doanh nghiệp có liên quan đến CTK lo thủ tục, đầu tư xây dựng, trong đó có dự án thể hiện rõ tỉ lệ "phân chia lợi nhuận"...

73.000m2 đất quốc phòng thành dự án CTK

Tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu hiện có dự án khu nhà ở quân nhân của Quân chủng PKKQ với diện tích hơn 73.000m2.

Theo tìm hiểu, ngày 15-7-2013, Bộ Quốc phòng có văn bản đồng ý, cho phép Quân chủng PKKQ làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hoàn thành các thủ tục chuyển hơn 62.000m2 đất quốc phòng để quy hoạch, xây dựng khu gia đình quân nhân của quân chủng.

Ngày 8-8-2013, tư lệnh Quân chủng PKKQ - trung tướng Phương Minh Hòa có quyết định chọn Công ty CTK làm "đối tác" xây dựng khu gia đình quân nhân tại P.Thắng Nhất, TP Vũng Tàu.

Tiếp đó, ngày 19-8-2013, trung tướng Phương Minh Hòa tiếp tục có quyết định thu hồi diện tích đất nói trên do sư đoàn 367 quản lý giao cho Công ty CTK để triển khai dự án.

Tháng 1-2014, dựa trên diện tích đo đạc thực tế, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định thu hồi hơn 73.000m2 (tức chênh lệch khoảng 11.000m2 so với quyết định thu hồi của Bộ Quốc phòng và giao đất của Quân chủng PKKQ) để Công ty CTK lập thủ tục đầu tư dự án.

Đến tháng 4-2015, UBND TP Vũng Tàu có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án trên.

Ngày 2-7-2018, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho biết quy hoạch 1/500 chỉ là bước khởi đầu của dự án và còn phải qua nhiều thủ tục nữa như xác định vị trí đất để nộp thuế chuyển nhượng, lập dự án đầu tư và được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cùng ngày, một lãnh đạo UBND P.Thắng Nhất, TP Vũng Tàu cho biết hiện trong khu đất của dự án có gần 40 hộ dân sinh sống.

Ngày 2-7, có mặt tại dự án này, chúng tôi thấy toàn bộ đất nằm lọt thỏm trong khuôn viên của E261.

Khu đất này có đoạn có tường xây cách biệt với khu dân cư nhưng cũng có đoạn chỉ là những hàng rào tạm bợ. Bên trong dự án đã có những con đường chính trải đá dăm và các đường xương cá.

Đất đã được chia lô, đóng cọc. Cột điện cũng đã được cắm trên đất dự án, chỉ chờ bắc đường dây. Phía cổng phụ của dự án có một hàng rào đơn sơ với dòng chữ "Công trường đang thi công. Cấm vào".

Những người dân ở đây cho biết dự án triển khai làm hạ tầng từ lâu rồi và ai cũng biết đây là đất của dự án quân đội.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay tại dự án này đang xảy ra việc người dân tố cáo cán bộ liên quan đến việc vì sao khu đất này có hai diện tích: một là theo quyết định thu hồi đất của Bộ Quốc phòng 62.339m2 và một là theo diện tích đo đạc thực tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 73.463,3m2.

Hiện ngành chức năng của TP Vũng Tàu đang xác minh đơn tố cáo này.

Theo tìm hiểu, khu đất xung quanh E261 từ hàng chục năm nay là điểm nóng về xây dựng trái phép.

Từ gần 10 năm trước, theo xác định của UBND phường Thắng Nhất đã có những gia đình hợp đồng thuê ao thả cá của E261 sau đó sang nhượng trái phép, xây cất trái phép trên đất quốc phòng. Và ở đây đã hình thành khu dân cư mà người dân thường gọi "xóm liều".

Đáng chú ý, theo đánh giá của chính quyền, nguyên nhân của sự việc trên là do đất quốc phòng bị quản lý lỏng lẻo.

Nguyên nhân có một phần là do E261 không chủ động ngăn chặn, phát hiện ngay từ khi các hộ dân bắt đầu vi phạm cũng như không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết. Khi được yêu cầu phối hợp, có lúc E261 không kịp thời cử người.

Ngày 2-7 khi liên lạc với chỉ huy E261 để hỏi về dự án cũng như những việc liên quan đến quản lý đất, vị này cho biết đang công tác ở Hà Nội và hẹn khi nào về, vào đơn vị làm việc.

Dự án nào cũng có mặt công ty CTK - Ảnh 2.

Một góc khu đất quốc phòng được Quân chủng PKKQ giao cho CTK làm chủ đầu tư tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu - Ảnh: T.K.L.

Đà Nẵng: 63.000m2!

Trong khi đó, các dự án tại Đà Nẵng cũng có sự hiện diện của Công ty CTK. Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, ngày 6-7-2011 trung tướng Phương Minh Hòa, lúc đó là tư lệnh Quân chủng PKKQ, đã ký văn bản đồng ý chọn Công ty CTK làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu gia đình quân nhân sân bay Đà Nẵng.

Đối tác đầu tư là Công ty TNHH một thành viên xây dựng công trình hàng không ACC. Đồng thời giao sư đoàn 372 và chủ đầu tư làm việc với các cơ quan chức năng để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang đất ở.

Ngày 11-10-2011, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết. Theo đó, khu đất diện tích 63.606m2 giáp ranh sân bay Đà Nẵng được phép chia ra 414 lô.

Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng, cuối tháng 10-2011, thiếu tướng Nguyễn Kim Cách - phó chính ủy Quân chủng PKKQ (đại diện bên A) - đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Xuân Hải, tổng giám đốc Công ty CTK (bên B), đầu tư dự án này.

Dự án nào cũng có mặt công ty CTK - Ảnh 3.

Thông tin về Công ty CTK và văn bản do ông Phương Minh Hòa ký chấp thuận cho CTK thực hiện dự án. Ông Hòa là người vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận có sai phạm trong việc ký kết các dự án hợp tác làm khu nhà ở quân nhân

Theo hợp đồng, Quân chủng PKKQ đóng góp bằng quỹ đất và sẽ bàn giao cho Công ty CTK toàn bộ diện tích 63.606m2, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho công ty để lập và trình duyệt dự án. Trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất quốc phòng sang đất ở.

Công ty CTK có trách nhiệm bỏ tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng...

Việc phân chia lợi nhuận được tính như sau: sư đoàn 372 được quyền sử dụng 65,1% sản phẩm của dự án (tức là 272 lô đất) để phân bán với giá chính sách cho cán bộ quân nhân được xét duyệt.

Công ty CTK được quyền bán kinh doanh 34,9% còn lại (tức là 142 lô đất, diện tích 13.445m2). Đáng chú ý, để sở hữu 142 lô đất này Công ty CTK chỉ phải nộp cho ngân sách nhà nước tiền sử dụng đất là 17,4 tỉ đồng.

Như vậy không chỉ ở TP.HCM, các dự án ở một số địa phương khác cũng được giao cho Công ty CTK hoặc doanh nghiệp có liên quan đến Công ty CTK làm chủ đầu tư.

Vậy Công ty CTK là ai?

Đề nghị không giao đất khi chưa xong thủ tục về đất đai

Đầu tháng 5-2018, tại buổi làm việc với thiếu tướng Bùi Anh Chung - phó tư lệnh Quân chủng PKKQ - về dự án xây dựng khu gia đình quân nhân ở P.Thắng Nhất, UBND TP Vũng Tàu đề nghị quân chủng không nên giao quyết định giao đất cho quân nhân, cán bộ khi chưa xong các thủ tục về đất đai.

Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao? Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao?

TTO - Không chỉ hơn 7.000 mét vuông chung cư Golf View Tower, UBND TP.HCM còn phê duyệt dự án đầu tư “khu dân cư gia đình quân nhân” ở phường 15, quận Tân Bình lên gần 60.000 mét vuông. Và chủ đầu tư là Công ty CTK.

ĐÔNG HÀ - HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên