17/07/2019 06:46 GMT+7

Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Phải xác định rõ vai trò của các tập đoàn, chủ dự án BOT và Ban chỉ đạo quốc gia các dự án trọng điểm về năng lượng trong việc chậm triển khai các dự án điện, gây ảnh hưởng đến cung cấp nguồn điện quốc gia.

Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh? - Ảnh 1.

Công nhân thi công để truyền tải điện từ các trạm 500kV - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết như vậy tại cuộc họp đánh giá tình hình về các dự án điện trọng điểm sáng 17-7, đồng thời đề nghị cần phải có chế tài với những doanh nghiệp chậm triển khai dự án, không chấp nhận tình trạng chủ đầu tư chậm triển khai dự án rồi xin... rút kinh nghiệm, thậm chí đùn đẩy lên Chính phủ hoặc bộ, ngành.

Quá nhiều dự án điện chậm tiến độ

Báo cáo về tình hình triển khai các dự án điện thời gian qua, ông Phương Hoàng Kim - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - dự báo sau năm 2020 VN sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện. 

Theo ông Kim, để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm. Tức tổng công suất nguồn bổ sung mỗi năm là 4.500 - 5.000MW nguồn nhiệt điện và khoảng 15.000MW nguồn tái tạo.

Tuy nhiên, nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nên dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên tới khoảng 6,6 tỉ kWh, đến năm 2022 là 11,8 tỉ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh. 

Cụ thể, trong số 62 dự án công suất lớn đang hoặc dự kiến triển khai với hơn 200MW, đến nay chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ. Trong đó Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có 9 dự án chậm tiến độ, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có 8 dự án và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) là 4 dự án.

Trong 19 dự án BOT, mới chỉ có 4 dự án đi vào hoạt động, số còn lại đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư. Ngay cả 7 dự án đầu tư theo hình thức IPP (nhà máy điện độc lập) cũng đều chậm tiến độ, 5 dự án chưa có chủ đầu tư... "Dù đã có nhiều chỉ đạo, có cơ chế quy trách nhiệm nhưng vẫn chưa có cơ chế, chế tài cụ thể nên cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý" - ông Kim thừa nhận.

Cũng theo ông Kim, khó khăn nhất hiện nay là công tác quy hoạch liên quan Luật quy hoạch ảnh hưởng đáng kể đến việc lập, thẩm định, bổ sung các công trình điện, khiến việc triển khai xây dựng các dự án điện bị kéo dài. Trong thực tế, hiện có gần 400 dự án đang vướng mắc trong điều chỉnh bổ sung quy hoạch dù đã được báo cáo các cấp như dự án Tây Bắc, cụm khí Bạc Liêu, Cà Ná, Long Sơn...

"Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác trong đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách bảo lãnh triển khai dự án, các thủ tục đầu tư kéo dài do việc thẩm tra, thẩm định nhiều bước, phức tạp, rủi ro trong đảm bảo nguyên liệu như cấp than, khí..." - ông Kim cho biết. 

Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo có 89 nhà máy đưa vào hệ thống với tổng công suất 4.500MW nhưng cơ sở hạ tầng, lưới điện để truyền tải công suất đều quá tải. Để bù đắp nguồn điện thiếu hụt, ông Kim cho biết VN sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Dự kiến từ sau năm 2020, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng từ 3,6 tỉ lên 9 tỉ kWh/năm vào năm 2023.

Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh? - Ảnh 2.

Vướng mắc khi làm theo quy định?

Cũng tại cuộc họp, ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết một trong những nguyên nhân khiến các dự án điện bị chậm trễ là do có thay đổi về quan điểm chỉ đạo trong xây dựng các dự án hạ tầng thời gian gần đây, đặc biệt là dự án năng lượng. 

Đây là những dự án quy mô lớn, nhu cầu vốn lớn, việc đầu tư thường kéo dài, phức tạp với hàng nghìn hạng mục.

Trong khi đó, Chính phủ lại không bảo lãnh cho dự án điện, nên các doanh nghiệp đều khó khăn trong huy động vốn, hoặc phải huy động vốn vay thương mại lãi suất cao nên càng làm cho dự án khó khăn hơn. 

"Chưa kể quá trình triển khai dự án các bộ, ngành luôn dựa trên nguyên tắc "bám theo quy định pháp luật để thực hiện" nhưng các quy định hiện nay lại chưa hoàn chỉnh, luật này đá luật kia. Khi có vướng mắc không biết giải quyết thế nào và không ai dám đề xuất giải pháp ngoài luật nên dự án chậm" - ông Vượng nói.

Do đó, theo ông Vượng, ngoài giải pháp tiết kiệm điện và tăng mua điện, cần xác định trách nhiệm rõ ràng các bên liên quan với các dự án chậm tiến độ, tránh tình trạng không biết xác định trách nhiệm cho ai. Với những dự án có vướng mắc nhỏ cần phải tăng sự quyết đoán, tránh tình trạng "cứ theo luật mà làm" sẽ không làm được gì. 

"Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng như cơ chế bảo lãnh, triển khai thủ tục đầu tư, tính toán việc xã hội hóa lưới truyền tải..." - ông Vượng đề nghị.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng cần phải xác định rõ vai trò của các tập đoàn trong việc chậm triển khai các dự án, gây ảnh hưởng đến cung cấp nguồn điện quốc gia. Theo ông Trần Tuấn Anh, không thể chấp nhận chuyện các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước triển khai dự án chậm rồi... rút kinh nghiệm, thậm chí tìm cách đẩy lên cho Chính phủ, bộ, ngành... 

Ngoài ra, cần xem xét lại trách nhiệm các chủ đầu tư dự án điện BOT vì có tình trạng một số chủ đầu tư muốn bán dự án, cũng như trách nhiệm của Ban chỉ đạo quốc gia các dự án trọng điểm về năng lượng.

"Đề nghị rà soát ngay cơ sở pháp lý và trách nhiệm liên quan các bộ ngành, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cả thực tiễn pháp luật và điều hành chung của Chính phủ" - bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết sẽ đề nghị thành lập một tổ công tác của bộ trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp giữa Bộ Công thương với Ủy ban Quản lý vốn, Chính phủ nhằm giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là các dự án tồn đọng.

Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh? - Ảnh 3.

Thủy điện, nhiệt điện đều gặp khó

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết từ tháng 10-2019, Nhà máy khí Cà Mau sẽ hết quyền lấy khí nên nguồn chạy dầu sẽ phải huy động thêm hơn 500 triệu kWh, với chi phí tăng thêm 2.500 - 3.500 đồng/kWh. Các nhà máy thủy điện cũng gặp khó khăn do vừa đảm bảo vận hành và xả nước cho hạ du. Điện than không còn nguồn mới vào, trong khi việc đảm bảo cung cấp than cho điện cũng đang gặp khó khăn.

Đề xuất các cơ quan hưởng ngân sách phải lắp điện mặt trời

dienmattroithanhpho 8(read-only)

Công nhân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM - Ảnh: N.HIỂN

Tại hội thảo "Chiến lược phát triển năng lượng xanh và tiết kiệm năng lượng của VN đến năm 2020 có xét đến năm 2030..." được tổ chức ngày 17-7, bà Nguyễn Ngọc Tường Vi (quyền trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết đơn vị này đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND TP.HCM cần có quy định buộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước phải lắp điện mặt trời trên mái để thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Ngoài ra, cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, có cơ chế hỗ trợ chi phí lắp đặt, quy định về tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà...

Theo bà Vi, trên địa bàn TP.HCM hiện có 3.124 công trình lắp điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt 37,44 MWp và khách hàng đã nhận được 3 tỉ đồng tiền bán lại lượng điện dư thừa cho ngành điện. Tuy nhiên, việc đầu tư điện mặt trời ở TP.HCM còn những khó khăn như chi phí lắp đặt cao

(18-20 triệu đồng mỗi kWp), chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, chưa có các chương trình hỗ trợ tín dụng... (NGỌC HIỂN)

Nhiều dự án điện chậm tiến độ, sau 2020 sẽ thiếu khoảng 12 tỉ kWh Nhiều dự án điện chậm tiến độ, sau 2020 sẽ thiếu khoảng 12 tỉ kWh

TTO - Bộ Công thương dự báo mức thiếu hụt điện năng đến năm 2021 khoảng 3,7 tỉ kWh và tăng lên gần 10 tỉ kWh năm 2022, mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên