Phóng to |
Mấy hôm nay, trời sáng trăng. Trái trăng tròn quay hiện trên bầu trời, vàng rực vào lúc chín giờ tối. Tôi mang ba lô, rủ mấy người bạn cùng leo lên đồi chơi. Dọc đường, chúng tôi ghé vào vườn đào hái vài trái. Chúng tôi không ăn trộm đâu nhé. Đây là vườn đào của một người bạn tốt. Người bạn bán nhà cho người khác, nhưng giữ lại khu vườn ăn trái nằm cạnh mé rừng, cho phép chúng tôi vào hái. Đào mọc tự nhiên, không bón phân mà cũng không tưới nước. Những trái đào thơm, ngọt làm tôi nghĩ tới Tề Thiên. Nếu có chàng ở đây, thì những trái đào tiên này sẽ mọc thêm cánh mà bay hết vào bụng chàng.
Tôi nghe nói tháng này, ngày trăng tròn thì ta sẽ chứng kiến hai mặt trăng mọc trên bầu trời. Cô bạn giải thích cho tôi hiểu là sao Hỏa di chuyển đến gần trái đất và ta sẽ thấy sao Hỏa lớn như một mặt trăng thứ hai. Vậy mà tôi tin thật. Em thấy tôi có ngây thơ không? Tôi nhìn hoài mà không thấy mặt trăng thứ hai đâu hết. Nhưng mà tôi không thất vọng đâu em. Mặt trăng thứ nhất đã đẹp lắm rồi. Ở trên đồi, có một nhà thờ xinh xắn được xây dựng vào thế kỷ thứ 12. Trăng mọc từ bên hông trái của nhà thờ. Chúng tôi nằm dài trên đồi, thưởng thức từng luồng gió mát.
Bây giờ là mùa trái cây. Đi đâu ta cũng thấy trái cây chín, rụng xuống bãi cỏ xanh. Hôm qua, trên đường đi chơi, tôi gặp một người nông dân đang chăm sóc cây lê sai quả của mình, và tôi khen: “Những trái lê của ông đẹp thật.” Người nông dân quay lại, cười thật tươi và nói: “Chúng nó chưa chín đâu.” Nếu chín rồi thì thế nào ông cũng cho tôi một trái. Những người nông dân ở đây rất tốt bụng. Hôm trước tôi mới hỏi bà hàng xóm về những cây mận thơm tho của bà thì hôm sau bà đã gọi tôi lại, tặng hai thùng mận nặng trĩu. Bà nói: “Nhớ đem xe lại mà chở nhé, nặng lắm đó.” Rồi bà nở nụ cười thật đẹp, thật hạnh phúc.
Tôi từng nghĩ đến sự cô đơn của những người nông dân già ở đây. Tôi ở trong một ngôi làng nhỏ thuộc miền nam nước Pháp. Cảnh trí đẹp kỳ lạ. Nhưng mà tôi thấy rất ít người trẻ. Thỉnh thoảng, vào ban chiều, vài người trẻ rủ nhau đua xe gắn máy trên đường làng làm lòng tôi vui lên. Tuy họ chạy hơi nhanh và luôn nhắc nhở tôi phải đứng nép vào bên lề đường. Khi thấy người trẻ chơi đùa tôi cảm thấy vui nhộn và tôi lấy tấm lòng vui vẻ này mà đo lường tấm lòng của những người già ở đây. Con cháu họ đều ở xa, trên tận những thành phố tráng lệ, học hành, làm ăn và lâu lâu mới về thăm ông bà, cha mẹ một lần.
Tôi ý thức rằng hơn một trăm năm trước, chàng điên tóc đỏ Vincent van Gogh (1853-1890) một danh họa người Hòa Lan, cũng đã từng sống, từng đi trên những con đường làng này. Những người nông dân hiền hòa ở đây cũng là những người nông dân năm xưa. Tôi tưởng tượng chàng điên Van Gogh được một bà hàng xóm gọi lại, tặng cho một gói mận tươi rồi vui vẻ nói: “Hôm nay trời đẹp lắm. Chắc anh lại đi vẽ những cánh đồng hướng dương?”
Tôi cũng là họa sĩ, và tôi cũng vẽ. Tôi họa những cánh đồng hướng dương bằng tâm của mình. Tôi yêu xứ sở này bằng tất cả tấm lòng của mình. Mỗi nghệ sĩ đều phải sáng tác bằng tình thương. Ý thức đó, trong một chớp mắt, biến tôi thành họa sĩ Van Gogh. Tôi nhìn mặt trăng bằng đôi mắt Van Gogh. Giữa hai chúng tôi, sống cách nhau hơn trăm năm, nhưng chỉ có một tấm lòng. Chúng tôi đều sống xa quê hương. Hòa Lan cũng là quê hương của tôi. Tôi đã lớn lên trên xứ sở hoa tu-líp từ lúc còn cắp sách đến trường tiểu học. Trong một thế kỷ đó, Hòa Lan như không thay đổi gì cả. Và chàng Van Gogh vẫn còn đó, đi chơi bên những cánh đồng hoa mặt trời vàng rực của miền nam nước Pháp.
Ngày xưa Van Gogh vẽ bằng cọ, để lại những tác phẩm bất hủ cho nhân loại. Còn tôi vẽ bằng tâm. Tôi vẽ lại người nông dân già, ngồi chơi trên băng ghế, dưới một cây sung mà trái vừa chín tới. Ông cụ để một tay trên đầu gậy, nhớ con, nhớ cháu, rồi mỉm cười một mình, nghĩ đến thời tiết mùa hè. Tôi đến gần, chào cụ, lễ phép xin cụ cho tôi hái vài trái lựu đang chín phía sau nhà. Cụ già nhìn tôi, nhìn chàng điên tóc đỏ Van Gogh, rồi nhìn thấy đứa con, thằng cháu đang lang bạt đâu đó nơi xứ người, và đang xin cụ một vài trái lựu đỏ. Cụ già nói: “Con hái đi. Nhưng con nhớ là chỉ được hái hai, ba trái thôi đó.” Tôi hiểu cụ. Tôi chỉ được hái hai, ba trái lựu, và muốn ăn nữa thì tôi lại phải xin. Rồi cụ lại có dịp nhìn đứa con, thằng cháu lưu lạc của cụ, vui vẻ nói với nó điều gì đó, với tất cả tình thương của mình.
Van Gogh chỉ có một quê hương để xa cách. Còn tôi, tôi phải sống xa tới hai quê hương. Tôi từng cảm thấy cô đơn. Tôi nghĩ đến sự cô đơn của Van Gogh. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu, Van Gogh không chỉ có sự cô đơn mà thôi. Những bức tranh của chàng đẹp quá. Những bức tranh đã vẽ bằng tất cả tình thương của chàng. Tình thương đó, chàng đã tiếp nhận từ những ông bà cụ, lâu lâu cho chàng một trái táo, quả lê hay chùm nho xanh. Ở đâu, tình người cũng đẹp cả. Và tôi hiểu, chỉ cần biết tiếp nhận tình người, thì ở đâu ta cũng sống sâu sắc. Ta sẽ không lưu lạc nữa. Ta sẽ trở về căn nhà của tình thương, cảm thấy ấm cúng ở trong lòng. Ta sẽ biết rong chơi trên quả đất xinh đẹp này.
Em ơi, chàng điên Van Gogh đã chết trong sự cô đơn cùng cực, tự cắt lấy tai của mình, la hét trong một nhà thương điên. Người ta đã nói về chàng điên như vậy. Nhưng người ta đâu có sống ở đây như tôi, và có thể người ta chưa nhìn sâu vào những bức tranh của chàng. Những bức tranh nằm trên khung vải và những bức tranh nằm trong sự sống. Những bức tranh đó đẹp lắm. Mà cái làm cho những bức tranh trở nên đẹp là tình người. Chính tình thương đã khiến cho những bức tranh của Van Gogh trở thành vô giá. Kỹ thật vẽ của Van Gogh ư? Nó nằm ở tấm lòng của chàng. Chàng Van Gogh đã rong chơi thỏa thuê, đã vẽ và để lại cho cuộc đời một tấm lòng, một đôi mắt. Em hãy dùng đôi mắt đó mà nhìn tranh Van Gogh. Em hãy dùng đôi mắt đó mà nhìn cuộc đời. Và hãy biết rong chơi.
Pháp, 8-2007
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận