09/05/2008 03:13 GMT+7

Đọc loạt bài "nhà lao An Nam ở Guyane": Vừa mừng vừa xấu hổ...

NGUYỄN ĐẮC XUÂN (Huế)
NGUYỄN ĐẮC XUÂN (Huế)

TT - Chưa bao giờ đọc báo mà tôi thấy mừng vui lẫn lộn với xấu hổ như đọc loạt bài về "Nhà lao An Nam ở Guyane" (khởi đăng trên TT từ 25-4).

2hmCrOC4.jpgPhóng to

Gần 80 năm, "chuồng cọp" trong nhà lao An Nam ở Guyane đã mục nát hết, cánh cửa cũng không còn, chỉ còn những bản lề bằng sắt to tướng này. Ảnh đăng trên trang web www.sagnimorte.info, do bạn đọc Lưu Bảo (California, Mỹ) giới thiệu với Tuổi Trẻ

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mừng vì báo Tuổi Trẻ đã phát hiện được một nguồn tư liệu mới về những chính trị phạm VN bị thực dân Pháp cầm tù ở Guyane - một tỉnh thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Xấu hổ vì phải nghe quá nhiều lời trách móc của bạn bè. Nhà văn Bửu Ý gặp tôi hỏi ngay: "Nhà lao An Nam ở Guyane to đùng như thế mà sau hơn 30 năm đất nước được giải phóng, giới sử học các ông không hề biết gì cả rứa? May có các nhà báo. Tôi ngao ngán hết sức".

Một người khác bảo: "Nhìn dân chúng và bọn trẻ say sưa đọc loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane", tôi nghĩ lâu nay người ta phê phán bọn trẻ không thích học lịch sử thật oan. Nguyên nhân là tại người lớn chứ không phải tại chúng nó!". Một thầy giáo dạy sử ngồi ở quán cà phê bên cầu Trường Tiền phân bua: "Học sinh không thích học sử không phải vì giáo viên chúng tôi không biết dạy sử. Học sinh không thích học sử chính vì sách sử của các anh viết ra xa rời thực tế quá. Loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane" là một thực tế để các nhà sử học phải suy ngẫm"...

Tuy tôi chỉ là một sử gia nghiệp dư nhưng không thể chạy trốn được trước những lời chê trách cay đắng như thế. Thành thật mà nói tôi thấy xấu hổ thật sự. Tôi chưa biết phải làm gì để rửa bớt nỗi xấu hổ này. Trước mắt, để phát huy tác dụng của loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane", tôi mong nó sẽ sớm được in thành sách để phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng như Nhật ký Đặng Thùy Trâm trước đây, và ủng hộ chủ trương của báo Tuổi Trẻ xây dựng bia tưởng niệm tù nhân chính trị VN ngay trên đất khổ sai Guyane, để đời đời nhớ ơn những người bị đày ải ở nước ngoài và đã chết vì nước.

Lịch sử không phải là môn học tẻ nhạt

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hiệu ứng của "Nhà lao An Nam ở Guyane" như một minh chứng hùng hồn rằng lịch sử không phải là môn học khô cứng, tẻ nhạt mà là những gì có sức khơi gợi, xuyên dội mạnh mẽ nhất vào tầng sâu của một tình cảm thiêng liêng của con người: tình yêu nước.

Vậy mà bao lâu nay, như một nghịch lý, học sinh của ta lại thờ ơ, hờ hững, nếu không nói là ngán ngại, quay lưng với môn lịch sử. Những số liệu thống kê, đo đếm kết quả học tập của học sinh - nhất là ở bậc trung học - với môn lịch sử đã như một cú sốc làm bàng hoàng cả xã hội với dấu chấm hỏi càng lúc càng lớn: tại sao học sinh lại học sử tồi tệ đến như vậy? Nhiều ý kiến đã được nêu, nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm câu trả lời cho vấn nạn, hầu mong có những chuyển biến tích cực trong việc truyền thụ loại kiến thức vốn là một phần quan trọng trong nguồn tri thức cơ bản của con người này.

Thật lý thú, giữa bối cảnh một giải pháp căn cơ cho vấn đề vẫn còn ở phía trước, hiệu ứng của "Nhà lao An Nam ở Guyane" đã hé mở phần nào cái nhìn về cách dạy và học sử của ta hôm nay. Chính những câu chuyện ngắn gọn, được kể với văn phong giản dị, nhẹ nhàng, bám sát thực tế, không cường điệu, không giáo điều cùng những hình ảnh sống thực đã ngay lập tức đi vào tâm trí, vào bộ nhớ và tạo độ rung cao cho tâm hồn người đọc. Từ những câu chuyện như thế, người đọc đã tự thân hòa nhập quá khứ trên trang viết với những tình cảm của một con dân, một thành viên tích cực của đất nước, của xã hội mà không cần đến một phương pháp, một cơ chế hướng dẫn, rao giảng cao đạo, dài dòng nào khác.

Huỳnh Văn Mỹ (Quảng Nam)

NGUYỄN ĐẮC XUÂN (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên