15/03/2019 10:44 GMT+7

Đoàn Thị Hương: 'Tôi rất đau khổ. Tôi vô tội'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sau khi tòa thượng thẩm Shah Alam bác đơn đề nghị tha bổng, Đoàn Thị Hương bật khóc nức nở: "Tôi rất đau khổ. Tôi vô tội... Tôi muốn gia đình hãy cầu nguyện cho tôi".

Đoàn Thị Hương: Tôi rất đau khổ. Tôi vô tội - Ảnh 1.

Đoàn Thị Hương rơi nước mắt khi cô rời tòa án thượng thẩm Shah Alam ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS

Tòa thượng thẩm Shah Alam ở ngoại ô Kuala Lumpur ngày 14-3 bác đơn đề nghị tha bổng bị cáo Đoàn Thị Hương, người bị tình nghi sát hại công dân Triều Tiên Kim Jong Nam cách đây hai năm.

Mở đầu phiên tòa, Đoàn Thị Hương (30 tuổi) đã bật khóc nức nở khi nghe công tố viên thông báo Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas từ chối yêu cầu thả tự do cho cô và phiên xử sẽ tiếp tục.

Cả hai bị cáo đều đã nói họ bị Triều Tiên biến thành những “con dê tế thần”, cả hai đều tham gia những trò chơi khăm ghi hình video, rất rõ ràng đã có sự phân biệt đối xử.

Luật sư HISYAM TEH POH TEIK bức xúc trước quyết định của tòa ngày 14-3.

Hoãn phiên tòa tới ngày 1-4

Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah (người Indonesia) bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX sát hại công dân Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un năm 2017. Hương và Aisyah bị bắt giữ ngày 15-2-2017, trong khi các nghi can Triều Tiên trốn thoát.

Hơn hai năm bị giam giữ đã khiến Hương gần như kiệt sức. Cú sốc tinh thần sau khi bị cáo Indonesia Siti Aisyah được tòa tha bổng trước đó ba ngày càng khiến cô trông tiều tụy hơn trong phiên tòa ngày 14-3.

Khi Đoàn Thị Hương bật khóc nức nở tại phòng xử án, vị thẩm phán đã nói cô đang trong tình trạng không khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, không thích hợp để trình bày các lập luận biện hộ cho mình.

Vì lẽ đó, tòa đã ra lệnh hoãn phiên xử bị cáo Hương tới ngày 1-4. Tuy nhiên tòa Malaysia cũng cảnh báo sẽ không trì hoãn thêm nữa sau thời điểm đó.

Lúc này Hương là bị cáo duy nhất trong phiên tòa xử vụ ám sát ông Kim Jong Nam và có thể đối mặt với án tử hình bằng hình phạt treo cổ nếu cô bị kết tội.

Phải có hai cảnh sát dìu Đoàn Thị Hương ra khỏi phòng xử án. Cô gái nức nở khi nói với các phóng viên đưa tin tại tòa: "Tôi rất đau khổ. Tôi vô tội... Tôi muốn gia đình hãy cầu nguyện cho tôi".

Trước phiên tòa này, những ngày qua theo lời luật sư của cô, ông Hisyam Teh Poh Teik, Hương đã hầu như không ngủ được, mỗi đêm cô chỉ ngủ được khoảng một tiếng. Hương đã bị sốc nặng sau khi bị cáo Siti được phóng thích.

Ông Hisyam Teh Poh Teik cho biết sẽ tiếp tục gửi yêu cầu lần nữa xin xóa tội cho Hương. Trước đó các luật sư bào chữa cho hai bị cáo đều nói hung thủ thực sự là 4 công dân Triều Tiên, nhưng họ đều đã tẩu thoát khỏi Malaysia ngay sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam vào tháng 2-2017.

Trả lời truyền thông sau khi dự phiên tòa, đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết ông "thất vọng" với quyết định của Bộ trưởng tư pháp Malaysia. Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ yêu cầu Malaysia đưa ra quyết định công bằng và thả cô ấy (Đoàn Thị Hương) sớm nhất có thể".

Đoàn Thị Hương: Tôi rất đau khổ. Tôi vô tội - Ảnh 3.

Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của bị cáo Đoàn Thị Hương, hồi hộp chờ tin phiên tòa ngày 14-3 và sau đó thất vọng vì con gái không được trả tự do - Ảnh: REUTERS

Ở quê nhà Nam Định, ông Đoàn Văn Thạnh, cha của Hương, đã rất đau lòng khi biết tin tòa Malaysia không chấp nhận tha tội cho con ông. Người cha này vốn đã giặt giũ chăn màn và dọn dẹp mọi thứ để hi vọng có thể đón con gái về.

Ông Thạnh chia sẻ: "Tôi rất buồn. Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi tất cả những gì có thể nhưng phía bên kia không thể giải quyết điều đó".

Kêu gọi công lý cho Hương

Hãng tin AFP dẫn ý kiến của ông Abdul Rashid Ismail, luật sư hàng đầu về luật hình sự Malaysia, một người không liên quan tới vụ xét xử bị cáo Đoàn Thị Hương, cho rằng quyết định truy tố bị cáo Hương mà không truy tố bị cáo Aisyah là điều "rõ ràng bất công".

"Đây là lý do xác đáng cho thấy cần phải hủy bỏ án tử hình, việc thực thi án tử hình có thể không được áp dụng công bằng. Nó không mang lại niềm tin với hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta" - ông Abdul nói.

Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, trong đó có Straits Times, đặt vấn đề nên hiểu như thế nào về hệ thống tư pháp của Malaysia nếu xảy ra tình huống chỉ một trong hai người bị cáo buộc cùng một tội danh và cùng được bào chữa như nhau được xóa tội?

Công hội người Hoa Malaysia (MCA), một trong ba đảng hợp thành chủ yếu của liên minh cầm quyền Barisan Nasional tại Malaysia, cũng phát thông cáo báo chí phản đối sự bất công của tòa Malaysia khi xóa tội cho công dân người Indonesia mà không tha cho bị cáo người Việt Nam.

Thông cáo do người phát ngôn của MCA, bà Chan Quin Er công bố, nêu: "Những cáo buộc tương tự, những kháng cáo tương tự, nhưng cô Đoàn tiếp tục tiều tụy sau song sắt, trong khi cô Siti đã được tự do".

Thông cáo đặt ra những câu hỏi tại sao lại có sự phân biệt đối xử với hai bị cáo cùng bị buộc một tội danh trong một vụ việc.

"Luật pháp Malaysia chúng ta không nên phân biệt đối xử. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, dù họ là công dân Malaysia hay người nước ngoài tại Malaysia, người lao động nhập cư, người đi lại vì công việc và khách du lịch tới Malaysia. Hiến pháp liên bang của chúng ta cho chúng ta sự đảm bảo này" - thông cáo nêu.

MCA kêu gọi chính quyền Malaysia hãy để cho công lý không chỉ được làm ra, mà còn phải chứng kiến đã được thực hiện như thế nào.

Việt Nam đã trao đổi với Malaysia ở nhiều cấp

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều 14-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam lấy làm tiếc về việc tòa án Malaysia diễn ra cùng ngày không trả tự do ngay cho công dân Đoàn Thị Hương.

Bà Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và phải được trả tự do. Theo người phát ngôn, trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ quyền công dân để đảm bảo công bằng và lợi ích hợp pháp cho công dân Đoàn Thị Hương.

Theo đó, hôm 12-3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện đàm với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas. Ngày 14-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng đã có cuộc gặp đại sứ Malaysia tại Hà Nội.

Trong tất cả các trao đổi này, theo bà Thu Hằng, Việt Nam đã đề nghị phía Malaysia đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan và trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.

"Cần phải nói thêm ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế" - bà Hằng nêu rõ.

"Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp, kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương. Tôi nghĩ phía Malaysia hiểu được sự quan tâm của lãnh đạo cũng như công luận Việt Nam" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin thêm.

BÙI HÀ

Việt Nam lấy làm tiếc việc tòa Malaysia chưa trả tự do Đoàn Thị Hương Việt Nam lấy làm tiếc việc tòa Malaysia chưa trả tự do Đoàn Thị Hương

TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam lấy làm tiếc sau khi tòa bác đơn đề nghị tha bổng bị cáo Đoàn Thị Hương ngày 14-3. Việt Nam mong muốn Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và phải được trả tự do.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên