Một góc dinh Thượng Thơ (số 59-61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) nay là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương, chiều 13-5 - Ảnh: HOÀI LINH
Theo ông Quân, có thể nhiều người chưa biết hết các yếu tố pháp lý trong lĩnh vực bảo tồn di tích và quan điểm của TP.HCM về bảo tồn là có hai hướng: bảo tồn những đối tượng đã được công nhận là di tích và cả các đối tượng ngoài di tích, tức chưa được công nhận nhưng được đưa vào danh mục kiểm kê.
Tuy nhiên, còn một "cửa" nữa là chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP, cũng là cách hữu hiệu để bảo tồn các đối tượng ngoài di tích.
* Dinh Thượng Thơ có thể đưa vào danh mục kiểm kê di tích được không, thưa ông?
- Bây giờ thì không được vì danh mục này lập 5 năm 1 lần. Nhưng những trường hợp đặc biệt có thể đưa thẳng vào di tích luôn.
Với danh mục kiểm kê di tích hiện thời, đến năm 2021 mới hết hạn. Theo tôi, trong việc muốn bảo tồn dinh Thượng Thơ, có thể vận dụng "Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM" do chủ tịch UBND TP ban hành theo quyết định số 2751/QĐ-UBND ký ngày 29-5-2013.
Đây là chương trình của Nhà nước, do TP khởi động, lại không bị ràng buộc bởi Luật di sản.
Quan điểm bảo tồn cảnh quan của TP đã xác định rõ: ngoài những di tích, chắc chắn còn những công trình khác cũng cần bảo tồn, nên chương trình này sẽ đưa các công trình chưa phải là di tích ấy vào diện bảo tồn.
Vì có một số công trình chưa đủ các tiêu chí để công nhận di tích nhưng có giá trị bảo tồn, chương trình này ra đời chính là để làm nhiệm vụ đó.
Ông Trương Kim Quân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM
* Vậy đơn vị nào được giao chủ trì chương trình này?
- Là Sở Quy hoạch - kiến trúc chủ trì, nhưng sở sẽ làm việc với các bên như Sở Văn hóa - thể thao, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện và những đơn vị như Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc... và thành lập hội đồng rất đông thành viên sau khi đưa tiêu chí và xét các công trình, rồi đưa lên TP.
Những công trình này đều ở ngoài danh mục kiểm kê di tích. Như vậy, dinh Thượng Thơ có thể đưa vào chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc này chứ!
Còn nếu TP muốn, xét thấy cần thiết thì đưa dinh Thượng Thơ vào thẳng di tích luôn chứ không cần kiểm kê nữa, giống như trường hợp lò gốm Hưng Lợi mà TS Nguyễn Thị Hậu từng đề cập là đưa trực tiếp vào di tích chứ không qua danh mục kiểm kê.
Tuy nhiên, trường hợp dinh Thượng Thơ có cái khó là theo Luật di sản, bắt buộc chủ quản công trình phải có đơn xin công nhận di tích vì cần phải có sự đồng thuận của chủ sở hữu công trình được công nhận di tích ấy. Mà chỗ này là trụ sở của hai sở, bây giờ ai làm đơn?
* Nếu đưa vô chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc thì công trình này sẽ không bị đập, đúng không thưa ông?
- Đúng, TP quy định rõ: những công trình được bảo tồn là di tích và những công trình ngoài di tích nhưng có giá trị về cảnh quan kiến trúc đô thị theo những tiêu chí cụ thể. Nội dung này sẽ do Sở Quy hoạch - kiến trúc chủ trì rà soát, đánh giá theo từng tiêu chí và đề xuất bảo tồn.
Quyết định số 2751/QĐ-UBND, trong phần công tác cấp bách có nội dung: Đề xuất cụ thể tiêu chí làm cơ sở phân loại, lập "Danh mục các công trình biệt thự cần bảo tồn (nhóm 1, 2)" và "Danh mục các công trình chưa được phép tháo dỡ", trình UBND TP phê duyệt công bố. Trên cơ sở đó có thể xác định được các công trình không thuộc diện bảo tồn (nhóm 3) và xác định danh mục các "Khu vực cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự" (nội dung 2.c trong thông báo số 70/TB-VP ngày 25-1-2013)...
Như vậy, có thể thấy TP từng lập nhiều "danh mục bảo tồn", nhưng đến nay các danh mục này còn giá trị không hay đã bị "điều chỉnh" như thế nào vẫn là những câu hỏi cần được làm rõ.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận