30/09/2007 06:41 GMT+7

Điện ảnh Thái Lan: Có một thời tưởng như đã chết…

ĐƠN DƯƠNG (Tổng hợp theo Sina, TQ)
ĐƠN DƯƠNG (Tổng hợp theo Sina, TQ)

TT- Từ điêu tàn, điện ảnh Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ năm trong nền điện ảnh châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Trung Quốc.

4DcMgVqg.jpgPhóng to

Ngôi sao võ thuật châu Á tương lai Tony Yaa (trái)

TT- Từ điêu tàn, điện ảnh Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ năm trong nền điện ảnh châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Trung Quốc.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trong những năm 1990, điện ảnh Thái Lan gần như lụn bại trước sự tấn công ồ ạt của "anh cả” Hollywood. Từ một quốc gia sản xuất hơn 100 bộ phim mỗi năm, vào năm 1997 họ chỉ còn "cầm hơi" với khoảng chục phim. Hệ quả là nhiều hãng phim phải đóng cửa, số lượng rạp chiếu phim thu hẹp chỉ còn vài rạp tập trung ở thủ đô Bangkok. Đến năm 2000, sản lượng tụt xuống mức báo động: 7 phim/năm, điện ảnh Thái Lan chẳng khác gì một chiến binh bị trọng thương đang trong cơn hấp hối.

Hồi sinh từ cơn hấp hối

Cứ ngỡ rằng số phận của điện ảnh Thái Lan được "an bài" thì sự ra tay kịp thời của chính phủ đã giúp chàng chiến binh hồi sinh từ cơn hấp hối bằng những chính sách khôi phục và phát triển thiết thực. Hiện nay, số đầu phim đã đạt trung bình 75 phim/năm. Tuy con số này vẫn chưa phải lý tưởng nhưng với một nền điện ảnh tưởng như đã bị xóa sổ thì đó là bằng chứng cho sự hồi sinh mãnh liệt. Điện ảnh Thái Lan bây giờ không chỉ toàn phim thương mại như thời cực thịnh trước kia, mà đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật được đánh giá cao tại các cuộc liên hoan phim (LHP) quốc tế.

Nhà sản xuất phim người Úc Ric Lawes vừa hoàn thành một cuốn sách dày gần 900 trang viết về nền công nghiệp điện ảnh Thái Lan. Trong đó, ông phân tích cụ thể những ưu điểm, chế độ ưu đãi, chính sách quốc tế hóa cùng nhiều điểm nổi bật, nhất là chiến lược mở rộng vòng tay để đón chào các nhà làm phim thế giới. Tác phẩm này được xem là kim chỉ nam cần thiết cho bất cứ nhà làm phim thế giới nào muốn "dòm ngó” thị trường Thái Lan, muốn đến Thái Lan làm phim.

Không những tự thân phát triển, điện ảnh Thái Lan còn thu hút các đoàn làm phim thế giới, đặc biệt là Hollywood với vai trò "người làm công đáng tin cậy". Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhân công rẻ, thiết bị hiện đại và cuộc sống tiện nghi, Thái Lan còn hấp dẫn các đoàn làm phim nước ngoài bằng những chế độ, chính sách ưu đãi. Điển hình là việc đánh thuế thu nhập của các ngôi sao nước ngoài giảm từ 37% xuống còn 10%. Chính điều này đã giúp điện ảnh Thái Lan nhanh chóng khôi phục và quay trở lại uy hiếp nền điện ảnh các nước bạn đang nằm trong top như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nhắc đến điện ảnh Thái Lan bây giờ người ta cũng không quên nói tới LHP quốc tế Bangkok. Sự ra đời của LHP này không chỉ đơn thuần là một LHP, mà nó nằm trong chiến lược phát triển nền điện ảnh được Chính phủ Thái Lan đã dành nhiều ưu ái. Được tổ chức tại Siam Paragon Shopping Mall-một trung tâm văn hóa nằm giữa thủ đô Bangkok với tầng năm có 14 rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế, LHP quốc tế Bangkok dùng mọi hình thức để thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim, phát hành phim đến từ châu lục cũng như thế giới. Có người ví von LHP quốc tế Bangkok là "LHP Cannes châu Á".

Một thế hệ trẻ ra đời

Thành công của điện ảnh Thái Lan không thể tách rời công lao của những nhà làm phim thuộc thế hệ mới. Họ được tài trợ để đưa sang Mỹ đào tạo chính qui và khi trở về luôn có đất dụng võ, phát huy những gì mình đã được học. Với phương tiện kỹ thuật tân tiến, sự tiếp sức nhiệt tình của chính phủ, họ có nhiều cơ hội thể hiện mình.

Có thể kể đến trong số này là đạo diễn Prachya Pinkaew, xuất thân là dân kiến trúc nhưng vì niềm đam mê nên chuyển sang điện ảnh, được biết đến khi thực hiện bộ phim Ong Bak (Trộm tượng Phật). Tên tuổi của anh còn gắn liền với nhiều tác phẩm tham gia các LHP quốc tế với vai trò giám đốc sản xuất. Hoặc Nonzee Nimibutr - người được xem là đạo diễn xuất chúng nhất của điện ảnh Thái Lan trong vòng 20 năm trở lại đây với rất nhiều giải thưởng. Hay Youngyooth Thongkonthun - đạo diễn đang giữ kỷ lục doanh thu với bộ phim về đội bóng rổ gồm những cầu thủ đồng tính, chuyển giới tính mang tên Iron Ladies…

Điện ảnh Thái Lan cũng đã sản sinh được một thế hệ diễn viên trẻ tài sắc, nổi bật nhất chính là Tony Yaa-nam diễn viên võ thuật đã làm kinh ngạc khán giả nhiều nước trên thế giới, trong đó có khán giả VN qua bộ phim Ong Bak.

Không chỉ đạt doanh thu kỷ lục ở Thái Lan năm 2004, Ong Bak còn rất được yêu thích khi đến Hong Kong, Đài Loan và đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ. Tạp chí Entertainment Weekly xuất bản tại Mỹ đã bình chọn Tony Yaa là một trong những "Nhân vật đáng chú ý nhất năm 2005".

Sau thành công này, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Prachya Pinkaew tiếp tục cộng tác với Tony Yaa trong Tom Yum Goong Sword. Trong chuyến sang HongKong tuyên truyền cho bộ phim mới, Tony Yaa đã được các đạo diễn phim võ thuật đặc biệt quan tâm. Còn khi công chiếu tại Đài Loan, trên apphich những bộ phim do Tony Yaa đảm nhận vai chính luôn kèm một slogan rất kêu: "Lý Tiểu Long đã chết, Thành Long đã mỏi mệt, Lý Liên Kiệt đã yếu và bây giờ Tony Yaa xuất hiện".

ĐƠN DƯƠNG (Tổng hợp theo Sina, TQ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên