04/04/2019 16:57 GMT+7

'Điểm danh' giang hồ mạng

VÕ THÀNH NHÂN - RA NY
VÕ THÀNH NHÂN - RA NY

TTO - Bùng lên như các trào lưu gây sốt từng tồn tại, những giang hồ mạng thu hút hàng triệu người hiếu kỳ theo dõi. Chuyện này thật ra không mới và cũng chẳng lạ.

Điểm danh giang hồ mạng - Ảnh 1.

Từ trái qua: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng

Nhà văn Đoàn Thạch Hãn, trong một bài viết về nhà văn Duyên Anh năm 2012, có kể câu chuyện Duyên Anh trả lời câu hỏi của một tuần báo vì sao lại tôn vinh nhân vật giang hồ Trần Đại trong Điệu ru nước mắt. Duyên Anh đáp rằng: "Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần tượng cho tuổi trẻ nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại là xứng đáng hơn cả".

Khó để nhận xét giới trẻ đang thần tượng giang hồ mạng hay chỉ hưởng ứng vì tò mò, và thần tượng cho giới trẻ ngày nay không thiếu. Có thể những Khá Bảnh chỉ là một trào lưu "mua vui cũng được một vài trống canh". Chỉ bận lòng những thanh niên như Khá rồi sẽ bước tiếp trên con đường nào, khi trước mắt là nhà tù đang đợi.

Giang hồ mạng, có thể kể đến Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc…

Khá Bảnh

Khá Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993 ở Bắc Ninh. Thanh niên này có kênh YouTube đạt hơn 2 triệu người đăng ký và có hơn 600.000 người theo dõi trang facebook cá nhân. 

Khá Bảnh chăm chỉ livestream trên mạng xã hội nói tục, chửi thề và phát ngôn sốc.

Ngày 21-3, Khá Bảnh bị công an phạt 5,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng vì dừng ô tô chụp ảnh dàn hàng ngang trên cao tốc. 

Ngày 26-3, Khá đăng clip đốt xe máy, bị cơ quan công an lập biên bản. 

Khá bị Công an Bắc Ninh tạm giam ngày 1-4 vì hành vi tổ chức đánh bạc, lô đề và hoạt động tín dụng đen. Kênh YouTube của Khá Bảnh đã bị khóa.

"Thánh chửi" Dương Minh Tuyền

Trước khi thành giang hồ mạng, Dương Minh Tuyền từng làm đầu bếp cho một nhà hàng. Chuyển qua làm nghề tự do ở Bắc Ninh, Tuyền bất ngờ nổi tiếng với hỗn danh "thánh chửi".

Tuyền thường đăng tải những clip cởi trần khoe hình xăm, bình luận các sự kiện, nhân vật đang nổi trên mạng xã hội với lời lẽ chửi bới thô tục khiến lượt người theo dõi tăng chóng mặt.

Tháng 4-2017, "thánh chửi" nhận án 32 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công cộng" và tội "hủy hoại tài sản". 

Tuyền ra tù tháng 9-2018 một cách ồn ào khi có nhiều người đến đón. Ngày 31-3 vừa qua, "thánh chửi" gây xôn xao khi đến nhà của nữ sinh bị 5 bạn cùng lớp đánh để trao 10 triệu đồng giúp đỡ.

Huấn Hoa Hồng

Tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984 tại Yên Bái. Huấn sống tại TPHCM với công việc cho vay nặng lãi. 

Huấn nổi danh trên mạng xã hội và các diễn đàn do thể hiện tính khí thích chơi ngông: lái siêu môtô không đội mũ bảo hiểm, tặng thẻ cào điện thoại cho người nào like và share fanpage của mình, chặt vàng để chứng minh mình đeo vàng thật...

Huấn thu hút sự chú ý khi thường xuyên xuất hiện trên mạng với hình ảnh một người đeo nhiều vàng, khoe tiền bạc.

Dũng Trọc

Ngày 21-3-2013, Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, quê ở Hà Đông, Hà Nội) bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. 

Trước đó, vào ngày 5-1-2012, Dũng và đàn em nổ súng gây náo loạn một vũ trường ở Hà Nội.

Dũng ra tù và trở thành một hiện tượng mạng xã hội. Dũng Trọc gây chú ý bằng những clip bắt người khác quỳ lạy mình và nhiều phát ngôn gây sốc.

Điểm danh giang hồ mạng - Ảnh 3.

Sau khi kênh YouTube Khá Bảnh bị xoá, một số kênh "nhái" đã mọc lên.

Giang hồ xưa và nay

Trong văn hóa Trung Hoa thời cổ, giang hồ dùng để chỉ nơi chốn các bậc hiền triết ngao du, ở ẩn. Còn với tiểu thuyết, giang hồ thường mô tả một xã hội võ hiệp, tồn tại mà hầu như không cần luật pháp.

Trong giới giang hồ, võ công thường là yếu tố ảnh hưởng địa vị, cùng với lối sống nghĩa khí, ân đền oán trả đối với tất cả mọi sự. Điều này làm ta nhớ tới những môn phái chính - tà như Thiếu Lâm, Cái Bang, Ma Giáo, Bạch Liên Giáo…

Với Việt Nam, hình ảnh giang hồ thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn học. Chẳng hạn nhân vật người chồng Năm Sài Gòn và người vợ Tám Bính trong tác phẩm Bỉ Vỏ của nhà văn Nguyên Hồng viết năm 1938.

Chuyện một tay giang hồ ra tay chuộc cô gái vốn ngây thơ trở thành gái điếm về làm vợ, rồi bôn ba, mất con… được Nguyên Hồng nhấn mạnh ở yếu tố tình người. Năm Sài Gòn tuy được gọi là giang hồ nhưng vẫn giữ những nguyên tắc của bậc trượng phu, có lòng nhân ái.

Điểm danh giang hồ mạng - Ảnh 4.

Vở kịch Bỉ Vỏ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, biểu diễn ở Nhà hát Kịch Hà Nội năm 2015 - Ảnh TL

Hay như nhân vật Trần Đại trong truyện dài Điệu ru nước mắt của nhà văn Duyên Anh được cho là hình tượng của Đại Cathay - một trùm giang hồ khét tiếng Sài Gòn trước 1975. Đó là câu chuyện một giang hồ nhí nếm trải cay đắng từ tấm bé sau đó thu nạp đàn em, trở nên lớn mạnh sau nhiều lần vào sinh ra tử.

Dưới ngòi bút Duyên Anh, Đại là người nghĩa khí, không đánh đập đàn em, tiền thu về không tịch thu mà chia đều. Đây cũng được cho là yếu tố hấp dẫn người đọc.

Còn nhiều nữa những nhân vật giang hồ trong văn học có hơi hướng ngoài đời, hoặc tác giả hư cấu. Một luồng ý kiến cho rằng giang hồ dù thế nào thì cũng là những người chuyên hành hiệp trượng nghĩa, đều có đặc điểm sòng phẳng, dám nói dám làm.

Qua hình ảnh những giang hồ mạng nổi danh một vài năm trở lại đây, có thể thấy điểm chung của các giang hồ này là từng vướng lao lý, sau đó dựa vào mạng xã hội để được biết đến.

Điểm danh giang hồ mạng - Ảnh 5.

Khá Bảnh đốt xe

Về tính cách, sự được biết đến của giang hồ mạng thể hiện qua các hành vi mà nền tảng đạo đức xã hội cho rằng ngông cuồng, lệch chuẩn: cho vay nặng lãi, đánh bạc, chửi thể, đốt xe… rồi tiếp tục vi phạm pháp luật, trượt dài ngoài đời.

Đó có còn là giang hồ nguyên mẫu của ngày trước, của tiểu thuyết hay không? Hay giang hồ ngày ấy cũng ngông cuồng, có khi "trẻ trâu" hệt như bây giờ, chẳng qua do không có Internet nên người ta chưa rõ chân dung mà thôi.

Một ý nghĩ hơi ấu trĩ: không biết trước đây nếu có mạng xã hội, những giang hồ ngày ấy sẽ sử dụng như thế nào?

Bạn có cho rằng giang hồ mạng là một hiểm họa?

Xu hướng thích thể hiện mình là anh hùng trên mạng có đáng lo ngại?

Làm cách nào để người trẻ tăng sức đề kháng với những trào lưu xấu xí?

Cần sự góp sức của nhà trường, phụ huynh, thiết chế văn hóa, pháp luật không?

Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài.

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

YouTube YouTube 'dung dưỡng' giang hồ mạng?

TTO - Khá Bảnh vừa bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc. Trước đó là hiện tượng giang hồ Khá Bảnh cùng tuyên bố đã đạt nút vàng YouTube và mỗi tháng bỏ túi 500 triệu từ YouTube bằng những video gây sốc.

VÕ THÀNH NHÂN - RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên