Quang cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu TTXVN
Tuy nhiên câu hỏi ai là người quay những thước phim đó vẫn là bí mật lớn mà xung quanh nó có rất nhiều giả thuyết.
Những thước phim vô giá
Năm 1945, điện ảnh cách mạng Việt Nam chưa thành lập. Tư liệu về thời kỳ này chủ yếu được khai thác qua lời kể của các nhân chứng, bản thu âm của đài phát thanh, ảnh, hồi ký...
Còn phim thì tuyệt nhiên không có.
30 năm sau, ngày 2-9-1975, lần đầu tiên người Việt Nam được xem những thước phim về ngày 2-9-1945 thông qua bộ phim mang tên Ngày độc lập 2-9-1945 do Xưởng phim Thời sự tài liệu Việt Nam thực hiện.
Trong bộ phim này, có khoảng 6 phút phim tư liệu cho thấy hình ảnh duyệt binh ở quảng trường Ba Đình, hình ảnh nhân dân tham gia ngày lễ và đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài chuẩn bị đọc Tuyên ngôn độc lập.
Thước phim được đánh giá là độc nhất vô nhị này do nhóm nhà làm phim gồm: đạo diễn Phạm Kỳ Nam; quay phim Nguyễn Như Ái; biên kịch, nhà báo Hồng Hà đem từ châu Âu về.
Khi ở Pháp, nhóm này đã rất may mắn được trao tặng những hộp phim, trong đó có hình ảnh về ngày 2-9-1945. Tuy nhiên họ không biết chủ nhân thực sự của những hộp phim là ai.
Đoàn làm phim Ngày độc lập 2-9-1945 gặp gỡ đạo diễn Hà Lan Joris Ivens - Ảnh tư liệu của đạo diễn NGUYỄN NHƯ VŨ
Món quà của người giấu danh tính
Trong một phóng sự mang tên Đi tìm những tác giả của bộ phim Ngày độc lập 2-9-1945 của đạo diễn Nguyễn Như Vũ, phát sóng trong chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy năm 2003 có hé lộ một số thông tin.
Đạo diễn Nguyễn Như Vũ là con trai của nhà quay phim Nguyễn Như Ái.
Thời điểm ông Vũ làm phóng sự thì đoàn làm phim đưa những thước phim vô giá về Việt Nam nói trên chỉ còn duy nhất một thành viên còn sống là ông Hồng Hà.
Thời điểm đó, ông Hà giữ chức vụ tổng thư ký Hội đồng Lý luận trung ương.
Theo lời kể của ông Hồng Hà, năm 1974 đoàn làm phim gồm ông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Nguyễn Như Ái đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sang châu Âu làm bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Trước khi đoàn đi, tổng bí thư Trường Chinh có dặn đoàn cố gắng tìm kiếm những thước phim về 2-9-1945.
Khi sang Pháp, đoàn đã vào rất nhiều kho lưu trữ của điện ảnh Pháp, quân đội Pháp, các kho lưu trữ tư nhân để tìm nhưng không có.
Sau đó, đoàn đã gặp đạo diễn Hà Lan Joris Ivens, người đã thực hiện bộ phim rất nổi tiếng Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân.
Ông đã mách họ đến gặp một người Pháp và người đàn ông này đã tặng đoàn ba hộp phim về Đông Dương nhưng yêu cầu giấu danh tính.
Ngay lập tức, đoàn đã tìm cách xem ba hộp phim này. Hai hộp phim đầu khô ráo, nhưng không có hình ảnh ngày 2-9-1945.
Hộp phim còn lại bị gỉ sét, bắt đầu mục. Sau khi cắt bỏ những đoạn phim hỏng, ba ông đã nhìn thấy những hình ảnh của ngày 2-9-1945. "Ba chúng tôi ôm nhau, xúc động tột độ" - ông Hồng Hà nói trong phóng sự.
Đạo diễn Nguyễn Như Vũ - quyền giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương, người thực hiện phóng sự này - nói: "Phải nói là hồng phúc của dân tộc Việt Nam mới giúp các nhà làm phim thời đó tìm được những thước phim vô giá".
Sau khi đem phim về Việt Nam, đoàn làm phim đã phải chắt chiu hơn 6 phút phim vô giá đó, kết hợp với phim tư liệu và hình ảnh quay mới để tạo thành bộ phim Ngày độc lập 2-9-1945.
Tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Ảnh: TTXVN
Manh mối người quay phim
Ở cuối thước phim mà đoàn được tặng tại Pháp có ký tên người Việt Nam: Thu. Đó là một manh mối đáng giá.
"Sau khi phóng sự phát sóng trên truyền hình, có một người đàn ông tên là Tính, quê ở Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội - nơi có rất nhiều người làm nghề nhiếp ảnh) đến tìm tôi và cho biết vào ngày 2-9-1945 ông ấy đã đứng cạnh một người dùng máy quay phim quay bằng tay ghi lại khung cảnh ngày 2-9-1945.
Ông Tính cho biết người quay phim đó mặc áo dài khăn đóng Việt Nam" - đạo diễn Nguyễn Như Vũ kể.
Ông Vũ cho biết những người trong nghề đều nghiêng về giả thuyết người quay phim 2-9-1945 có thể là một người Việt.
Bởi với an ninh vòng trong, vòng ngoài của sự kiện đó, khó có một người nước ngoài nào xuất hiện được quanh khu vực quảng trường để quay phim.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thi - NSND, đạo diễn của Điện ảnh Quân đội - cho biết thời điểm đó Chính phủ đã thuê hiệu ảnh Hương Ký (86 Hàng Trống, Hà Nội) ghi hình ngày 2-9-1945.
Có nhiều giả thuyết cho rằng hiệu ảnh Hương Ký đã thuê một người quay phim. Sau đó, những thước phim này lưu lạc ra nước ngoài, cho đến khi nó được trao lại cho Việt Nam.
Cũng chung nhận định như ông Lê Thi, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn - người đã nghiên cứu rất nhiều về lai lịch của những thước phim ngày 2-9-1945 - nói:
"Tôi đã được một số nguồn tin cung cấp là người quay những thước phim này đã từng làm ở hiệu ảnh Hương Ký.
Sau đó họ lưu lạc ra nước ngoài. Khi họ biết có đoàn của ông Phạm Kỳ Nam ở bên Pháp, họ đã sang Pháp bí mật tặng lại bộ phim. Câu chuyện này rất kỳ diệu như châu về hợp phố và đó là những thước phim độc nhất vô nhị".
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần trân trọng người quay phim
Hơn 40 năm nay, chúng ta rất nhiều lần được xem những thước phim lịch sử ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình.
Cá nhân tôi cho rằng cần phải đánh giá cao những người đã quay những thước phim ấy và trao lại cho chúng ta sau đó 30 năm.
Còn câu hỏi ai là người quay thước phim đó thì đến bây giờ vẫn là một ẩn số. Tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với những người có hiểu biết về vấn đề này như ông Nguyễn Hữu Đang là thứ trưởng Bộ Thanh niên, trưởng ban tổ chức ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.
Ông Đang cho rằng người quay thước phim đó là nhân viên của hiệu ảnh Hương Ký nổi tiếng một thời.
Giả thiết thứ hai là do người Mỹ quay thước phim đó.
Nhưng cá nhân tôi được gặp nhiều người Mỹ trong đội quân OSS ngày đó thì họ đều nói rằng lúc đó họ không tiếp cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh và không có động tĩnh gì cả.
Tôi nghiêng về giả thiết là người Việt Nam quay thước phim đó.
Khi đó, đội ngũ quay phim chuyên nghiệp không nhiều. Hiệu ảnh Hương Ký rất nổi tiếng ở Hà Nội nhưng thời kỳ đó việc làm hậu kỳ rất phức tạp.
Vậy nên trong thời gian ngắn, lại xảy ra nhiều biến cố lớn, bộ phim chưa thể hoàn thành ngay.
Chúng ta trân trọng họ vì họ đã tặng lại chúng ta cuộn phim một cách rất kín đáo, khiêm nhường, thể hiện trách nhiệm của họ đối với di sản này.
Lâu nay, chúng ta có cách làm không minh bạch là có những bức ảnh, có những đoạn phim lịch sử chúng ta dựng lại.
Việc dựng lại như vậy là cần thiết vì có thể vì hoàn cảnh lịch sử chúng ta không thực hiện được.
Nhưng dưới những tư liệu đó phải ghi chú rõ là ảnh, phim dựng lại. Cũng như thước phim lịch sử ngày 2-9, khi chưa tìm được tác giả thì chúng ta cần ghi rõ điều ấy.
V.V.TUÂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận