01/04/2018 15:38 GMT+7

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, tàu vỏ thép nằm bờ ôm nợ

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG

TTO - Được hỗ trợ vay vốn theo nghị định 67 đóng tàu vỏ thép vươn khơi làm ăn, chưa mừng được lâu thì nhiều ngư dân hành nghề lưới rê ở Quảng Nam đang “ngồi trên đống lửa”.

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, tàu vỏ thép nằm bờ ôm nợ - Ảnh 1.

Tàu vỏ thép ở Quảng Nam nằm cả năm trời chờ vốn để sửa chữa, cải hoán hành nghề khác hiệu quả hơn - Ảnh: V.HÙNG

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, không hiệu quả, nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỉ đồng nằm bờ. Chủ tàu chạy đôn chạy đáo không ra tiền để cải hoán tàu hành nghề khác. Nợ nần lại chồng chất, ngư dân đuối sức khi nhìn tàu bất lực trở lại biển khơi.

Chủ tàu vỏ thép đi... làm thuê cho tàu gỗ

Những ngày này, ông Phan Thu (xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tàu vỏ thép QNa-95997 trị giá hơn 11 tỉ đồng nằm bờ, đang đi tìm việc. Ông Thu là ngư dân tiêu biểu của tỉnh, được chọn đóng tàu vỏ thép đầu tiên.

Ông Thu kể tháng 11-2015, tàu vỏ thép 820 CV được đóng xong trong niềm vui mừng của gia đình. Những tưởng tàu lớn, vỏ thép chắc chắn, vươn khơi dài ngày sẽ đánh bắt sản lượng lớn, thu nhập cao. Song chuyến biển đầu tiên chỉ 3 ngày thì tàu quay vào bờ vì nghề lưới rê không đạt. 

Nguyên do tàu sử dụng lưới chì nằm trong dây, khi thả xuống biển lưới không chìm, không đánh được cá. Các chuyến sau, ông đổi lưới chì ngoài dây nhưng vẫn đánh bắt không hiệu quả. Tàu liên tục lỗ, bạn tàu thất vọng, hụt hẫng, có ý định đi làm cho tàu khác.

"Năm 2016, tàu chuyển đổi nghề đánh bắt lươn biển nhằm cứu vãn tình thế nhưng vẫn không hiệu quả. Thiết kế tàu không phù hợp khiến tàu rung lắc dữ quá, cá, lươn không sống được, chết nhiều" - ông Thu kể. 

Ông giãi bày trước đây tàu gỗ làm nghề chụp mực, mành chụp, chuyển qua tàu vỏ thép làm nghề lưới rê thì ngư dân Quảng Nam khá mới mẻ, lại không phù hợp với ngư trường truyền thống ở vùng biển miền Trung. 

Thế nhưng tàu vỏ thép làm nghề chụp mực đóng 16-18 tỉ đồng, ngư dân không có vốn nên không kham nổi. Lại nghe tàu vỏ thép làm nghề lưới rê phù hợp với việc đánh bắt các đàn cá di cư theo mùa, sản lượng cao nên ngư dân mới đóng theo thiết kế nghề lưới rê, giá 10-11 tỉ đồng.

"Gần 30 năm tung hoành ngang dọc trên biển, chưa có lúc nào khó như hồi bám con tàu vỏ thép này, đau đớn lắm. Hồi xưa mình làm chủ tàu, nhiều người làm thuê tàu mình nhưng giờ tàu làm không hiệu quả, tàu nằm đà, mình phải làm thuê lại họ" - ông Thu nghẹn ngào. 

Từ tháng 2-2017 đến nay, tàu QNa-95997 phải nằm bờ, áp lực trả nợ, lãi ngân hàng hằng ngày. Để cải hoán tàu qua nghề chụp mực, mành chụp thì cần thêm 3-4 tỉ đồng nhưng ngân hàng lẫn quỹ bảo trợ ngư dân tỉnh không cho vay nên việc ra khơi với tàu là bất lực. 

"Tôi đã làm đơn kiến nghị trình ngân hàng, tỉnh xin chuyển nhượng dự án vì không đủ khả năng nữa" - ông Thu nói.

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, tàu vỏ thép nằm bờ ôm nợ - Ảnh 2.

Dữ liệu: LAN ANH - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Tìm vốn "tiếp sức" ngư dân hụt hơi

Hiện tỉnh Quảng Nam có 13 tàu vỏ thép làm nghề lưới rê hỗn hợp được đóng mới theo nghị định 67. Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nhìn nhận thực tế nhiều tàu lưới rê làm ăn không hiệu quả. Hiện đã có 4 chiếc cải hoán sang nghề khác như chụp mực, lưới vây...; một số chiếc không cải hoán nhưng làm nghề khác như lưới quét, đánh bắt lươn biển. Hiệu quả không như mong đợi của ngư dân lúc trước khi đóng tàu.

Theo ông Tấn, có một số nguyên nhân khiến các tàu lưới rê không hiệu quả, chẳng hạn như nghề này còn quá mới mẻ với ngư dân Quảng Nam. Ngư dân ở đây không chịu vươn ra vùng khác, bởi do họ gặp một số khó khăn như bạn tàu không chịu đi xa, chỉ chịu đi đánh bắt gần, vì vậy sản lượng đánh bắt không đạt. 

Mặt khác, ngư dân gặp trở ngại khi đánh ở vùng biển Hoàng Sa do nước sâu, trong khi dàn lưới rê nặng đến 30 tấn, chiều dài hơn 10km, nên khi thả lưới thì vấn đề an ninh, bảo vệ lưới khó khăn, hư hại khi một số tàu đi qua vướng.

Theo ông Tấn, khó khăn nhất của ngư dân lúc này là việc cải hoán tàu qua nghề khác thì phải bỏ ra một số vốn nữa để tiếp tục đầu tư. Sở đã đề xuất và UBND tỉnh đang xem xét giải quyết cho vay từ quỹ hỗ trợ ngư dân để ngư dân vay cải hoán tàu. 

Sắp tới đây theo nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 67, nếu chủ tàu hoạt động không hiệu quả thì có quyền chuyển nhượng dự án lại cho chủ tàu khác.

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, tàu vỏ thép nằm bờ ôm nợ - Ảnh 3.

Tàu vỏ thép QNa-94989 làm nghề lưới rê nhưng thiết kế tàu không phù hợp khiến tàu rung lắc, đánh bắt không hiệu quả, giờ phải sửa chữa lại - Ảnh: V.HÙNG

Tháo gỡ, đáp ứng vốn phần nào cho ngư dân

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói tàu đóng theo thiết kế mẫu khi ra biển hoạt động nghề lưới rê không phù hợp, đánh bắt không hiệu quả, không hợp ở vùng biển truyền thống của các ngư dân này.

Nguyên do khi xác định việc đóng, thiết kế tàu, giữa chủ tàu và địa phương, ngành thủy sản chưa có thông tin, phối hợp chặt chẽ để lựa chọn ngành nghề phù hợp con tàu.

Tỉnh đã chỉ đạo sở cùng chính quyền địa phương, ngân hàng ngồi lại xem xét giải quyết, tháo gỡ để đáp ứng vốn phần nào cho ngư dân.

Hướng giải quyết theo 2 cách: một là yêu cầu các ngư dân đảm bảo tài chính để đảm bảo an toàn cho quỹ hỗ trợ ngư dân, vì quỹ cho người này vay đồng nghĩa người khác không được vay. Hai là tỉnh xem xét bổ sung vốn cho quỹ, điều này phụ thuộc vào ngân sách tỉnh.

* Ông NGUYỄN VĂN TRUNG (vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản): Các "điểm tựa" mới

img_5680 (2) 4(read-only)-crop

Chúng tôi đang chuẩn bị một đánh giá chuyên đề về hiệu quả của tàu đóng theo nghị định 67, trên cơ sở kết hợp cả khảo sát tại địa phương, báo cáo từ các tỉnh thành.

Việc ban hành nghị định 17 sửa đổi nghị định 67 chính là thay đổi chính sách cho phù hợp hơn. Nghị định 17 dừng không cho vay đóng mới tàu cá mà thay thế bằng chính sách các chủ tàu có trong danh sách phê duyệt có vốn hoặc huy động được vốn đóng tàu từ 800 mã lực trở lên (tàu vỏ thép và composite) thì được hỗ trợ tối đa 35% giá trị đóng tàu.

Nghị định 17 sửa đổi nghị định 67 cũng cho phép chuyển đổi chủ sở hữu đối với các tàu cá đóng mới theo nghị định 67. Nếu chuyển đổi, chủ tàu mới sẽ được nhận các ưu đãi về vốn và đảm bảo các nghĩa vụ về tài chính như chủ cũ. Ngoài ra, nếu tàu, ngư dân bị tai nạn trên biển có bảo hiểm và nếu gặp thiên tai cũng được hỗ trợ. Tôi cho là đã có các "điểm tựa" xung quanh rồi.

* Ông VÕ THIÊN LĂNG (phó chủ tịch Hội Nghề cá VN): Thiết kế tàu phải lăn lộn thực tế với ngư dân

20180331_ong vothienlang-pho chu tich hoi nghe ca vn-anh phansongngan 3(read-only)-crop

Một mẫu tàu đưa vào thực tế còn cần phải hoán cải, sửa đổi ít nhất ba lần trở lên thì mới có thể phù hợp được thực tiễn.

Vì vậy, nhà thiết kế cần phải xuống tàu lăn lộn thực tế với ngư dân, quan sát khi họ sử dụng con tàu đánh bắt trên biển mới nhận ra những chỗ còn khiếm khuyết, cần hoán cải rồi về điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nhiều lần mới ra được mẫu tàu phù hợp.

Phải làm sao để tất cả những người quản lý, thiết kế, giám sát, đóng tàu và cả ngư dân được vay vốn đóng tàu... đừng coi tiền đóng tàu là tiền của Nhà nước rồi cùng nhau dễ dàng "gật đầu" chấp nhận cho qua những việc chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu khi đóng một con tàu để có chút lợi nhỏ trước mắt.

Vì thực chất tiền đóng tàu đó là tiền của chính ngư dân. Tránh được chuyện chấp nhận "cùng ăn chịu" đó thì việc đóng tàu vỏ thép mới mong đảm bảo chất lượng.

LAN ANH - P.S.NGÂN ghi

Hải Phòng: tàu vỏ gỗ đánh bắt tốt hơn tàu vỏ thép

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Xuân - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng - nói so về tổng thể, cả hai loại tàu vỏ gỗ và vỏ thép đều được ngư dân phát huy hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn so với trước kia.

Có những chuyến đi đánh bắt tàu vỏ thép mang lại lợi nhuận trên 1 tỉ đồng cho ngư dân. Trong đó, đặc biệt là tàu vỏ gỗ hoạt động rất tốt với nhiều tàu có thể trả nợ trước hạn.

Ông Xuân cho rằng sở dĩ tàu vỏ gỗ đánh bắt hiệu quả hơn tàu vỏ thép vì ngư dân Hải Phòng chuyên về nghề chụp mực nên tàu vỏ gỗ công suất lớn hoạt động hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Xuân, điểm thuận lợi giúp tàu vỏ gỗ hoạt động hiệu quả cao hơn tàu vỏ thép là do ngư dân quen vận hành tàu vỏ gỗ hơn, công tác bảo trì bảo dưỡng tàu cũng giúp tiết kiệm được nhiều hơn.

"Tàu vỏ gỗ sau khi hạ thủy hoạt động 3-4 năm, thậm chí có những chiếc cả chục năm mới phải đưa lên đà để sơn lại, trong khi tàu vỏ thép năm nào cũng phải sơn lại, bảo trì với chi phí không nhỏ" - ông Xuân nói.

TIẾN THẮNG

doanhoa_a2_tauvotheo 3(read-only)

Nghệ An kiểm tra năng lực đơn vị đóng tàu vỏ thép rồi mới triển khai - Ảnh: DOÃN HÒA

Nghệ An: kiểm tra năng lực đơn vị đóng tàu mới triển khai

Ông Bùi Xuân Trúc - phó Phòng nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết đến nay toàn huyện có 52 tàu (4 tàu vỏ thép, 48 tàu vỏ gỗ) được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của nghị định 67 với số vốn vay hơn 19 tỉ đồng đều hoạt động hiệu quả, chưa ghi nhận trường hợp nào bị hỏng hóc.

"Rút kinh nghiệm từ một số địa phương lựa chọn đơn vị đóng tàu không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc tàu của ngư dân sau khi đóng xong phải nằm bờ, huyện đã phối hợp với các ban ngành của tỉnh kiểm tra năng lực của đơn vị đóng tàu cho bà con mới triển khai" - ông Trúc nói.

Ông Trần Hữu Tiến - phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An - cho biết trong số 9 tàu vỏ thép được đóng mới có 5 tàu đóng tại Công ty tàu thủy Sông Đà, 4 tàu đóng ở Hải Phòng và Thái Bình, các tàu đều đóng đúng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

Trong quá trình đưa vào khai thác đánh bắt hải sản cho thấy các tàu vỏ thép chỉ có một số trục trặc nhỏ, không có hư hỏng lớn.

DOÃN HÒA

Quảng Ninh: mẫu tàu chưa phù hợp

Ông Nguyễn Văn Công, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết theo các ngư dân, hầu hết các tàu vỏ thép đều có chất lượng tốt, đảm bảo hoạt động trên biển 16-18 ngày, cho lãi trung bình 100-300 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, có 3 chủ tàu phản ảnh tàu vỏ thép đóng theo mẫu thiết kế LC-01-BNN của Bộ NN&PTNT khi đi vào hoạt động đã gặp nhiều hạn chế. Ngư dân Dương Văn Tập (thị xã Quảng Yên) và Đỗ Văn Thi (TP Uông Bí) cho hay khi hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5-6 tàu bị chòng chành.

Theo nhận định của ông Công, các mẫu tàu cá của bộ chưa phù hợp với nhu cầu của ngư dân nên các chủ tàu phải mất thời gian, kinh phí để điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp, gây khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng.

ĐỨC HIẾU

Bình Định: chủ tàu nợ đầm đìa

Có 41/62 chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo chương trình nghị định 67 ở tỉnh Bình Định nợ quá hạn 58 tỉ đồng, không có khả năng trả nợ cho các ngân hàng. Thông tin này được ông Nguyễn Trà Dương - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định - xác nhận với Tuổi Trẻ.

Theo ông Dương, qua 3 năm triển khai nghị định 67, Bình Định phê duyệt cho 301 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn đóng mới, nâng cấp theo chương trình này.

Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 61 chủ tàu đóng mới, 1 chủ tàu nâng cấp được các ngân hàng cho vay, tổng vốn giải ngân là 911 tỉ đồng. 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng nặng, phải nằm bờ để sửa chữa nhiều tháng liền, chủ tàu không có khả năng trả nợ gốc và lãi theo lộ trình cam kết; 22 chủ tàu khác không thể trả nợ do làm ăn không hiệu quả, thua lỗ.

"Đây là một thách thức rất lớn với ngành ngân hàng, vì hiện nay tổng số nợ quá hạn của 41 chủ tàu nêu trên đã lên đến 58 tỉ đồng" - ông Dương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu vỏ thép ở huyện Phù Mỹ do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng, cho biết tàu ông đã nằm bờ 10 tháng liền do hư hỏng nặng nề. Nhận con tàu vỏ thép đóng mới với tổng mức đầu tư hơn 15 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 13,6 tỉ đồng, ông Lý chỉ đi đánh bắt được 1 chuyến là nằm bờ luôn đến nay.

Tương tự, ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép ở huyện Phù Cát do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng, cũng nói tàu ông nằm bờ 1 năm do hư hỏng khiến nợ vốn và lãi quá hạn hơn 2,54 tỉ đồng.

"Vay tiền đóng tàu 17,7 tỉ đồng, giờ tôi khốn đốn, không biết chừng nào mới có tiền trả nợ được" - ông Thãi bày tỏ.

DUY THANH

Đề nghị sửa nghị định đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Đề nghị sửa nghị định đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

TTO - Chủ trương đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo nghị định 67 được đánh giá là đúng nhưng sau ba năm thực hiện lại gặp rất nhiều vướng mắc, vì thế cần phải sửa đổi.

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên