Một phụ nữ đi bộ trên cầu Ông Lãnh lì xì 100.000đ cho anh Toàn - trong vai người nghèo khổ - Ảnh: MY LĂNG
30 tết ra cầu ngồi… "ăn xin"
20h30 đêm 30 tết.
Dòng người hối hả ngược xuôi trên cầu Ông Lãnh - cây cầu nối quận 1 và quận 4 của TP.HCM. Ai cũng vội vàng di chuyển để chuẩn bị nốt những việc cuối cùng đón giao thừa.
Trên hành lang cầu dành cho người đi bộ, có khá nhiều đàn ông, đàn bà ngồi bệt xuống nền gạch, ánh mắt hướng về phía dòng xe chạy lên cầu. Lẫn trong đó, có 2 người trẻ quấn khăn che đầu, che mặt. Họ cũng ngồi đó, "ăn xin". Nhưng "ăn xin" lại là vì một lý do khác: thực hiện một “thước đo” đặc biệt về lòng tốt.
Họ là Châu Thành Toàn, thủ lĩnh của nhóm tình nguyện SV07 (trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh) và cô bạn thân tên Phương.
Châu Thành Toàn là cái tên không xa lạ với các nhóm thiện nguyện ở TP.HCM. Còn Phương, một cô gái mồ côi cha mẹ, yêu thích làm thiện nguyện, nhà ở quận 4. Cả hai đều là dân Sài Gòn "chánh hiệu".
Vậy mà đêm 30 tết, đôi bạn thân không ở nhà chuẩn bị đón giao thừa, lại rủ nhau ra cầu Ông Lãnh ngồi, mặc cho bụi bặm đường phố, xe cộ ập vào mặt mũi.
Họ thực hiện một ý định rất đặc biệt đã ấp ủ mấy năm trước: thử giả dạng người nghèo khó ngồi trên cầu để xem một đêm không làm gì, sẽ được bao nhiêu người qua đường cho và nhận được bao nhiêu.
Và họ cũng muốn trả lời câu hỏi: có bao nhiêu người lành lặn, khỏe mạnh nhưng lười lao động cứ chờ tối đến ra đây ngồi để trông chờ vào lòng hảo tâm của người tốt?
Ngồi một lát, Toàn và Phương đã được cho mấy hộp bánh bao - Ảnh: MY LĂNG
Tại sao lại có ý tưởng này?
"Mình ra ngồi thực tế để xem một đêm họ xin được bao nhiêu - anh Châu Thành Toàn nói. "Hàng ngày đi làm mình thấy rất nhiều người ăn xin. Mình tự hỏi tại sao người dân càng ngày ra đường xin càng nhiều? Có phải là vì xin tiền, xin ăn dễ hơn là đi lao động?
Họ không nghĩ rằng các bạn đi làm thiện nguyện cũng phải dành dụm tiền lương của mình, kêu gọi anh em bạn bè góp nhặt lại mới có kinh phí. Làm thiện nguyện thì phải giúp đúng người, đúng nơi, đúng chỗ mới ý nghĩa.
Mình muốn đi thực tế để nắm tình hình và về sẽ chia sẻ với các nhóm thiện nguyện để quà đến đúng đối tượng, đúng với phương châm, ý nghĩa".
Để lòng tốt không bị lợi dụng
Dòng người cứ hối hả ngược xuôi. Gió cuốn bụi bay lên, táp vào mắt vào mũi. Rồi mùi khói xe xộc vô mắt mũi Toàn và Phương..
Dọc theo hành lang cầu vốn dành cho người đi bộ, theo quan sát của phóng viên, những người ngồi ở đây đều đang trong độ tuổi lao động sung sức, tầm khoảng 30-45 tuổi. Đàn ông, đàn bà cũng ngồi cả ra đây.
Thậm chí một lát sau khi thấy có nhiều người đến phát quà, một cô gái trẻ có bầu cũng xuất hiện và ngồi bệt xuống hành lang đi bộ, chìa tay xin khi thấy có người mang quà đến. Có người lì xì 100.000đ, có người lì xì 20.000đ…
Mỗi khi thấy xe dừng lại, ngay khu chân cầu, 3-4 người lại vội vàng chạy đến nhận quà. Thậm chí, khi thấy được lì xì tiền, có người còn xin cho con mình. Rồi 2-3 người chạy theo xin tiền cho người ở nhà!
Một phụ nữ nhận quà xong quay qua nói với phóng viên Tuổi Trẻ: "Mấy năm trước bọn tui xin đàng hoàng, lịch sự lắm. Tụi tui ngồi hết dưới đường (chỉ xuống đường Cô Giang - con đường nhỏ bên dưới hông cầu), người ta ghé lại cho.
Mấy năm nay mấy ông bả cứ nhào tới, xúm lại tranh giành, giựt đồ tùm lum làm người ta bị mất điện thoại, người ta sợ, không dám ghé lại nhiều nữa".
Đám đông xúm lại khi thấy có người đến tặng quà - Ảnh: MY LĂNG
Lòng tốt của người Sài Gòn quả thật đáng để bất cứ ai sống ở thành phố này cảm thấy tự hào. Chỉ trong một thời gian ngắn, có gần chục người ghé lại cho quà.
Có gia đình còn chở cả hai con nhỏ đi phát quà làm việc thiện. Có những cặp vợ chồng, những người đang yêu nhau và cả người độc thân, cũng ghé lại, cho hộp cơm thơm nức, chai nước, cái bánh bao nóng hổi…
"Đêm qua ngồi đến 23h30, tụi mình được cho 7 cái bánh bao, 2 ổ bánh mì, 2 hộp cơm, 2 bịch sữa và 240.000đ. Phần quà đó tụi mình lại mang đi tặng những người mà mình biết chắc là khó khăn thật sự", anh Toàn nói.
Sau một tối ngồi ở cầu Ông Lãnh đóng vai người ăn xin, anh Châu Thành Toàn nhìn nhận: "Đa số người ngồi ở đây không có việc làm do lười lao động. Có cả những người nhậu say xỉn ra đây nằm làm cho thành phố nhếch nhác, không văn minh, lịch sự.
Lòng tốt bây giờ cũng bị lợi dụng nhiều. Có những người lười lao động, thấy việc xin quá dễ dàng, cứ ra đường ngồi cũng có ăn, có tiền. Điều đó sẽ đánh mất niềm tin của người làm thiện nguyện. Dần dần, người tốt sẽ quay lưng với xã hội, trở nên vô cảm".
Một người đàn ông vui mừng với phong bao lì xì của người đi đường ghé qua tặng - Ảnh: MY LĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận