21/04/2008 22:23 GMT+7

Để người dân diện giải tỏa không bị thiệt thòi

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Đại học Cần Thơ)
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Đại học Cần Thơ)

TT - Lâu nay, hầu như có rất ít vụ đền bù và giải phóng mặt bằng được thực hiện suôn sẻ. Mỗi khi phân tích một trường hợp vướng mắc, người ta lại thấy nổi cộm vấn đề quen thuộc, xuất hiện như một thách thức: đền bù như thế nào là hợp lý, chấp nhận được?

(Nhân đọc bài: "Đền bù giải tỏa: chuyện dài nhiều tập", Tuổi Trẻ 15 và 16-4)

lz02R7cI.jpgPhóng to

Hiện nay nhiều dự án chưa triển khai được do người dân chưa thuận giá đền bù. Trong ảnh: đơn vị thi công đang làm đường ở khu tái định cư thuộc Q.12, TP.HCM cho người dân bị giải tỏa Ảnh: P.P.H.

TT - Lâu nay, hầu như có rất ít vụ đền bù và giải phóng mặt bằng được thực hiện suôn sẻ. Mỗi khi phân tích một trường hợp vướng mắc, người ta lại thấy nổi cộm vấn đề quen thuộc, xuất hiện như một thách thức: đền bù như thế nào là hợp lý, chấp nhận được?
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đã có rất nhiều biện pháp điều chỉnh cơ chế đền bù được đề ra, nhưng rồi mọi chuyện vẫn rơi vào chỗ bế tắc theo một kịch bản duy nhất: người phải ra đi cương quyết không nhận đền bù, chê ít; còn người thụ hưởng việc giải phóng mặt bằng thì dứt khoát không chịu trả nhiều hơn.

Có một điều mà những người hoạch định chính sách không chịu hiểu: đền bù và giải phóng mặt bằng, đối với người dân, chỉ là cách nói hoa mỹ về một vụ cưỡng bách chuyển nhượng tài sản. Nói nôm na, người dân không hề muốn bán những gì đang là của mình nhưng bị buộc phải bán.

Ở các nước tiên tiến, khi phải chuyển nhượng tài sản trong khuôn khổ thực hiện qui hoạch đất đai, người chuyển nhượng được đối xử, về mặt pháp lý, theo cùng một qui chế dành cho nạn nhân của một vụ gây thiệt hại ngoài hợp đồng. Chế độ đền bù phải được xây dựng theo các nguyên tắc xác lập, thực hiện trách nhiệm dân sự.

Tất nhiên, các bên có quyền giải quyết sự khác biệt về ý chí thông qua thương lượng. Nhưng phải coi đó như một khả năng, một sự lựa chọn giữa nhiều phương án, chứ không phải là một bước đi bắt buộc trong thủ tục đền bù. Nếu muốn, bên nào cũng có quyền kiện ngay ra tòa án để yêu cầu ấn định mức đền bù bằng một bản án, không tội gì phải hành hạ nhau trong các cuộc đôi co vô ích, mất thời gian và chi phí xã hội.

Trong trường hợp điển hình, người được đền bù phải dời chỗ ở và thay đổi phương tiện, cách thức làm ăn, sinh sống. Việc di dời sẽ làm phát sinh một loạt vấn đề: chi phí để khôi phục các điều kiện sống vật chất và điều kiện làm ăn giống như trước; bù đắp thiệt hại phát sinh trong thời gian gián đoạn công việc mưu sinh; thiệt hại do giảm thu nhập; thiệt hại do phải thay đổi ngành nghề và phải mất thời gian học nghề hoặc thích nghi với nghề mới... Các chi phí và thiệt hại đó, một khi được chứng minh đầy đủ, đều phải được tính và đền bù thỏa đáng.

Việc bồi thường phải được thực hiện trên nguyên tắc dưới hình thức trả một số tiền, trong một lần. Cá biệt, trong trường hợp người phải ra đi không có khả năng tự tìm kiếm và tự thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sống mới thì người thụ hưởng việc giải tỏa phải có biện pháp bảo đảm tái định cư: cấp đất, nhà, phương tiện làm ăn sinh sống, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra... Các biện pháp này có thể được tòa án quyết định trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận.

Điều cần nhấn mạnh là nếu tiền bồi thường, cơ sở, công việc làm ăn mới hoặc chỗ ở mới có giá trị và điều kiện khai thác không chênh lệch so với trước đây, thì người được bồi thường không có quyền từ chối. Nếu người này từ chối, tòa án có thể ra quyết định buộc dời đi.

Ở các nước tiên tiến, biện pháp cưỡng chế di dời thường nhận được sự ủng hộ của công luận. Sự đồng thuận của xã hội trong trường hợp này, suy cho cùng, là kết quả logic của việc thực thi một chính sách đúng.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Đại học Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên