NSƯT Thanh Điền thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở Dấu xưa chiều 22-3 - Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Chiều 22-3 tại Huyện ủy huyện Bình Chánh (TP.HCM), trong hội nghị giới thiệu chuyên đề những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khoảng 600 đại biểu ở huyện Bình Chánh đã được thưởng thức vở kịch Dấu xưa (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) do các nghệ sĩ của nhà hát 5B (Hội Sân khấu TP.HCM) biểu diễn.
Vở kể về chuyến công tác của Bác ở xã Đại Phong để tìm hiểu công trình đào mương làm thủy lợi. Cả xã chỉ còn ách tắc ở khu vực đất nhà ông cựu lý trưởng khi ông làm dữ, cương quyết không cho các xã viên giật chòi nhà ông để đào mương...
Trong Dấu xưa, Bác Hồ xuất hiện giản dị và gần gũi, truyền cảm xúc từ những hành động, câu nói nhỏ. Khi trao quả cam cho người cận vệ, anh một mực không dám ăn vì đang làm nhiệm vụ, Bác bảo cho Bác mượn cây súng rồi nói: “Đấy, bác canh gác thay rồi, cháu cứ ăn cam đi!”.
Để chuẩn bị chuyến công tác về Đại Phong, mọi công tác bảo vệ cho Bác gần như bị thay đổi hoàn toàn khi Người có cách nhìn khác. Văn phòng Chính phủ điều xe mới đến đón Bác, Bác đã quay sang tài xế hỏi: “Xe cũ còn tốt, còn chạy an toàn không? Nếu tốt thì bác dùng xe cũ thôi. Xe mới để dành đón khách, bạn bè quốc tế đến thăm”.
Bác cũng không hài lòng khi chuyến công tác của mình được báo trước với địa phương: “Họ biết bác về, tổ chức tiệc linh đình thì tốn kém lắm. Mà cũng không cần hộ tống vì dân có thương, có quý mới đến gần mình. Dân gần mình thì mừng chứ sao lại lo!”.
Và người xem đã chùng lòng khi cận vệ đề nghị có người đóng giả Bác để đảm bảo an ninh, Bác nói: “Lỡ người đóng giả họ gặp sự cố thì làm sao?...”.
Từng đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 với vai diễn Bác Hồ trong vở Đêm trắng, NSƯT Thanh Điền một lần nữa hóa thân thật tốt trong vai vị chủ tịch đáng kính.
Ở tuyến nhân vật phụ, Thái Kim Tùng (vai chủ tịch huyện), NSƯT Mỹ Uyên (vai bà bếp) đã đem đến cho vở diễn không khí vui nhộn. Sự tung hứng của “cặp đôi” này khiến người ta nhìn thấy được vấn đề ở những ngày đầu xây dựng chính quyền mới.
Có những chủ trương bị lệch lạc là do những con người lãnh đạo cứng nhắc, kém hiểu biết và có chút hợm hĩnh này. Người ta cười đó rồi cũng xót xa đó, vì dường như trong thời đại nào cũng có những con người như vậy và hậu quả đôi khi khôn lường nếu không có ai đó nhìn ra và điều chỉnh kịp thời...
Những chuyện ngày xưa trong Dấu xưa vẫn khiến người xem hôm nay đồng điệu bởi chuyện đất đai, chuyện lãng phí, bệnh hình thức, bổ nhiệm sai... vẫn còn nóng hổi đó.
Chỉ gói gọn trong khoảng 90 phút, nhưng Dấu xưa mang đến cho khán phòng nhiều cảm xúc. Vẫn còn nguyên vẻ xúc động sau buổi diễn, chị Nguyễn Tấn Hồng đến từ Văn phòng Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A chia sẻ:
“Mấy lần mình muốn rớt nước mắt vì cách diễn rất tình cảm của nghệ sĩ Thanh Điền trong vai Bác Hồ. Những câu chuyện thật giản dị mà chạm đến trái tim người xem. Lâu rồi mình mới được xem một vở kịch về Bác hay thế...”.
Tác giả Nguyễn Thanh Bình chia sẻ ông viết Dấu xưa dựa vào câu chuyện có thật trên những tư liệu về Bác. Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM thấy kịch bản tốt đã đầu tư kinh phí để phát triển thêm. Vở từng được dàn dựng và phát sóng trên VTV trong dịp sinh nhật Bác khoảng năm 2010. Kịch bản từng nhận giải thưởng của Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. NSƯT Mỹ Uyên - quyền giám đốc nhà hát 5B - cho biết: “Đây là vở diễn do Thành ủy TP.HCM cấp kinh phí thực hiện. Suất diễn chiều 22-3 là suất diễn mở màn cho 15 suất biểu diễn phục vụ ở các cơ quan, ban ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đem vở đến các trường học, các đơn vị trên địa bàn TP”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận