Vào 11g35 ngày 16-2-2010 (mồng 3 tháng giêng năm Canh Dần), đạo diễn Trần Vũ đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội. Sau khi hỏa táng (ngày 20-2), đạo diễn Trần Vũ sẽ được an táng tại nghĩa trang Thanh Tước vào ngày 4-3 tới.
1. Tôi không phải là người được gần bác Trần Vũ nhiều. Nhưng lần nào gặp cũng thấy từ bác một sự cởi mở, thân tình trong cách bác hỏi han, chia sẻ. Trong suy nghĩ của tôi, các tác phẩm của đạo diễn - NSND Trần Vũ chiếm một vị trí đặc biệt, không thể thay thế được của điện ảnh VN. Quan trọng hơn, với tôi, ông luôn là một con người đáng kính bởi tài năng và sự sâu sắc nhưng lại khiêm nhường và biết rút lui đúng lúc.
Người xưa nói: văn là người. Với đạo diễn điện ảnh thì có lẽ phim là người. Ðiều đó đúng với con người và tác phẩm của đạo diễn- NSND Trần Vũ, bởi những gì mà đồng nghiệp, bạn bè biết về ông là sự tinh tế, sâu sắc trong con người và trong những bộ phim của ông - những tác phẩm đã làm nên một dòng chảy riêng cho điện ảnh VN.
Với những cống hiến liên tục và xuất sắc cả trong sự nghiệp bảo vệ đất nước và xây dựng ngành điện ảnh VN, đạo diễn Trần Vũ đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. |
Học khóa 1 Trường Ðiện ảnh VN, Trần Vũ trở thành một trong những gương mặt nổi bật, làm nên diện mạo của phim truyện VN. Bộ phim đầu tiên Con chim vành khuyên là phim tốt nghiệp, ông làm đồng đạo diễn với người bạn đồng môn - đạo diễn Nguyễn Văn Thông, theo kịch bản của chính Nguyễn Văn Thông.
Cho đến hôm nay Con chim vành khuyên vẫn là một trong những tác phẩm thành công nhất của điện ảnh VN, đến độ ít ai có thể ngờ rằng đây lại là một bài tập tốt nghiệp Trường điện ảnh VN của hai ông. Nó không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà năm 1962, ngay sau khi hoàn thành, phim được tặng giải đặc biệt dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc).
Ðây cũng là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho phim truyện VN. Năm 1973, tại LHP VN lần 2, phim được tặng giải Bông sen vàng.
2. Có thể nói dấu ấn đậm nét nhất mà đạo diễn Trần Vũ để lại là ông đã làm nên một dòng phim hiện thực - tâm lý xã hội bên cạnh dòng phim chiến tranh vốn là nét chủ đạo của điện ảnh thời chiến.
Có thể kể đến bộ phim truyện Vợ chồng anh Lực, được trao giải Bông sen vàng tại LHP VN lần 2-1973, đồng thời đạo diễn Trần Vũ, tác giả kịch bản Vũ Lê Mai và diễn viên Tuệ Minh được "biểu dương đặc biệt" - tiền thân của giải cá nhân xuất sắc tại các LHP VN sau này.
Nhưng nói đến đạo diễn Trần Vũ, trước hết người ta thường nhắc đến bộ phim Ðến hẹn lại lên - một trong những phim được xếp vào hàng các tác phẩm kinh điển của VN và cũng là phim tâm huyết nhất của ông.
Ngay từ khi ra đời, bộ phim đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt và được đánh giá cao với các giải thưởng quan trọng ở trong nước và quốc tế: Bông sen vàng cho phim và các giải cá nhân xuất sắc nhất cho đạo diễn Trần Vũ, nhà quay phim Nguyễn Ðăng Bảy và nữ diễn viên Như Quỳnh tại LHP VN lần 3 năm 1975; giải thưởng chính thức tại LHP quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1976.
Khai thác những tình huống bi kịch đẫm nước mắt trong cuộc đời cô Nết - người con gái tài sắc đất quan họ, các nhà làm phim đã phát triển xung đột và kịch tính lên đến cực điểm bằng sự kết hợp hài hòa và hiệu quả các yếu tố biểu hiện của ngôn ngữ điện ảnh. Cũng từ Ðến hẹn lại lên, bắt đầu một sự cộng hưởng sáng tác ăn ý của một đôi bạn vàng trong điện ảnh VN là đạo diễn Trần Vũ và nhà biên kịch Bành Bảo.
Suốt hơn chục năm kể từ khi đất nước thống nhất, đạo diễn Trần Vũ là người thành công nhất trong việc khai thác chủ đề người lính trở về sau chiến tranh, với một loạt phim được đánh giá cao tại các LHP VN như Chuyến xe bão táp (Bông sen bạc tại LHP VN lần 4; giải biên kịch xuất sắc nhất cho hai tác giả Bành Bảo, Trần Vũ; biểu dương diễn xuất của Thanh Quý, 1977), Những người đã gặp (Bông sen vàng tại LHP VN lần 5, giải biên kịch xuất sắc nhất cho tác giả Bành Bảo, quay phim xuất sắc nhất cho Trần Trung Nhàn, 1980), Anh và em (Bông sen vàng tại LHP VN lần 8, 1988).
3. Nếu cho rằng phim là người thì điện ảnh VN may mắn có được một đạo diễn làm nên phong cách riêng với những tác phẩm sâu sắc, dung dị và tinh tế về cuộc sống, về những vấn đề xã hội và về nhân tình thế thái như đạo diễn Trần Vũ. Bạn bè và đồng nghiệp may mắn có được người bạn khiêm nhường, thủy chung và đôi lúc rất lãng tử như bác Trần Vũ.
Tôi còn nhớ một ngày thu năm 2000, tôi cùng nhóm làm chương trình đến bác Trần Vũ để hỏi chuyện về phim Ðến hẹn lại lên cho một trong những chương trình đầu tiên của Ðiện ảnh chiều thứ bảy. Bác vốn không thích quay phim, phỏng vấn, không thích cho làm chân dung. Nhưng hôm đó bác dốc bầu tâm sự với chúng tôi khá lâu.
Khi nhắc đến người bạn cố tri Bành Bảo đã ra đi mấy năm trước, bác không kìm được lòng, mắt rưng rưng, nghẹn ngào không nói nên lời! Nỗi nhớ thương bè bạn, nỗi buồn nhân tình thế thái, nỗi niềm dâu bể cuộc đời... tất cả dường như luôn ẩn chứa trong con người bác, cứ đợi dịp là trào dâng...
Còn bây giờ, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người làm điện ảnh thế hệ con cháu đang rưng rưng thương nhớ bác - người đạo diễn lão thành tài hoa mà luôn lặng lẽ của điện ảnh VN!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận