Đạo diễn Nhuệ Giang hướng dẫn cho hai diễn viên nhí trong phim Tâm hồn mẹ |
Nhưng Nhuệ Giang cho biết thế hệ chị chịu khổ quen rồi, giờ chị chỉ lo cho những người trẻ không thể tìm thấy cơ hội để làm phim.
NSƯT, đạo diễn Nhuệ Giang là con gái của cố NSND, đạo diễn Phạm Văn Khoa với nghệ sĩ sân khấu Bích Châu. Nhuệ Giang kết hôn với đạo diễn Thanh Vân, là con trai của cố NSND, đạo diễn Hải Ninh. Nhuệ Giang đã tạo ra phong cách điện ảnh rất riêng với các tác phẩm điện ảnh đã từng đoạt thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế như Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ, Lạc lối… Trong điện ảnh, chị và chồng luôn song hành. Chị là người đóng góp không nhỏ cho các bộ phim của đạo diễn Thanh Vân và ngược lại. Ngoài điện ảnh, Nhuệ Giang còn đạo diễn các bộ phim truyền hình: Hậu họa, Lập trình cho trái tim, Trò đời, Sống gượng… |
* Đang hoạt động rất nhiều, giờ về hưu chị có cảm thấy hẫng không?
- Thật sự là tôi đã có một quãng 10 năm làm việc liên tục, nên khi nghỉ cũng hơi hẫng và buồn. Đặc biệt là mình nghỉ hưu trong bối cảnh Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa. Cổ phần hóa theo cách thức mà ai cũng biết trước sau gì hãng cũng sẽ bị xóa sổ.
* Nỗi buồn hẳn sẽ nhân lên nhiều lần vì không chỉ gia đình chị mà còn có gia đình anh Vân (đạo diễn Thanh Vân, chồng Nhuệ Giang – PV) đã đóng góp rất nhiều cho hãng?
- Chắc chắn là tất cả đều rất buồn. Anh Vân còn buồn nhiều hơn vì đang trực tiếp đấu tranh giữ lại Hãng phim. Quá trình này khiến anh ấy một lần nữa cay đắng thừa nhận ở nước mình người thật thà, thẳng thắn bao giờ cũng thua thiệt.
Tôi thật sự buồn, vì bố tôi (đạo diễn Phạm Văn Khoa - PV) chính là người đầu tiên tìm được mảnh đất số 4 Thụy Khuê để làm địa điểm cho hãng phim. Rất nhiều tâm huyết của bao nhiêu thế hệ nhà làm phim đã xây dựng nên hãng phim. Giờ cổ phần xong là coi như xóa sổ.
* Niềm tin của chị còn lưu giữ ở điều gì?
- Tác phẩm điện ảnh nào của việt Nam ra được liên hoan phim nước ngoài đều đem lại niềm vui cho tôi. Tôi chỉ tiếc cho những nhà làm phim tài năng như Phan Đăng Di, không biết đến bao giờ xin được tiền làm phim tiếp theo.
Cũng như anh Trần Anh Hùng rất khó khăn để có được một phim. Cuộc đời đạo diễn chủ yếu là chờ đợi một khoản tiền nào đó cho mình làm phim. Cá nhân tôi vẫn tiếp tục chờ cơ hội để có tiền làm một bộ phim, mà khi làm ra, tự mình không cảm thấy phải xấu hổ với bản thân mình.
Vợ chồng đạo diễn Nhuệ Giang và Thanh Vân hướng dẫn diễn viên phim Tâm hồn mẹ |
* Trong khi chờ đợi thì niềm tin của chị hướng về đâu?
- Thì cứ phải chờ đợi và hi vọng. Tôi nghĩ không phải ai cũng chạy theo xu hướng của xã hội. Nhiều nhà làm phim tin vào thẩm mĩ, tin vào cái mình làm và kiên trì đi đến cùng. Bùi Thạc Chuyên có một kịch bản rất hay, nhưng tiếc là nhà nước đầu tư hơi thấp, nên anh ấy đã rút kịch bản về.
Anh ấy muốn tìm một nhà đầu tư mạnh hơn, để anh ấy có cơ hội làm được phim đúng ý mình hơn. Tôi nghĩ đó là hành động rất dũng cảm.
* Chị có chân trong hội đồng thẩm định kịch bản phim nhà nước, chị có nghĩ, thà dồn tiền đầu tư cho một kịch bản thật hay còn hơn là chia nhỏ ra làm vài ba phim chất lượng tầm tầm?
- Ừ thì nước mình thường xuyên như thế, chưa bao giờ tất cả cùng đồng lòng vì một bộ phim hay, mà thường vì một cái gì đó. Hậu quả là không có phim hay.
Ở nước ngoài đạo diễn nổi tiếng sẽ nhận được số tiền họ tương ứng với danh tiếng của họ. Ví dụ Trần Anh Hùng không bao giờ làm phim 1 triệu USD mà phải là nhiều triệu USD. Chưa có tên tuổi thì nhận tiền ít hơn. Nguyên tắc là anh phải bắt đầu bằng số tiền nhỏ, làm tốt về sau sẽ được tăng tiền lên. Còn nước mình, trong các hãng phim nhà nước thì dù là đạo diễn có tiếng hay mới vào nghề, vẫn có thể được chia tiền làm phim bằng nhau. Cái đó rất vô lý, không động viên được người tài. |
* Nhìn Nhuệ Giang rất trầm, không hiểu sao lại chọn nghề đạo diễn?
- Khi tôi học đạo diễn nhiều người không tin tưởng vì thấy tôi không phải người quảng giao. Còn tôi biết mình làm được vì tôi luôn tìm cách học hỏi, không bao giờ tự bằng lòng với chính mình, tôi luôn muốn tiến lên.
Tôi có thể trầm ở đâu đó, chứ ra hiện trường thì hò hét cả ngày. Tôi dồn năng lượng để thuyết phục mọi người, để đạt được cái mình muốn. Còn trong đời sống hàng ngày tôi không thích phô bày.
* Sự cố gắng có khi nào khiến người phụ nữ trở nên quá sức không?
- Tất nhiên mỗi người đều khả năng nhất định và mình chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình.
Với nền giáo dục, nền điện ảnh như thế này, khó có nhà làm phim nào vượt qua được khả năng của mình lắm. Có tài ở Việt Nam nhưng không có đất dung dưỡng cũng chẳng nảy nở được.
Tôi rất khâm phục Hàn Quốc vì ngoài phát triển kinh tế họ đã phát triển được một làn sóng văn hóa. Họ có chính sách hỗ trợ nhân tài. Còn ở mình chưa tạo được làn sóng, nhân tài cứ lốm đa lốm đốm, không tỏa sáng được.
Cảnh phim Lạc lối |
* Nhiều nhà làm phim nữ hiện nay rất mong tìm được một đối tác vừa là chồng, vừa là đồng nghiệp để giúp họ trụ lại được với điện ảnh.
Xem ra, sự cộng sinh của Nhuệ Giang và Thanh Vân là một kết hợp lý tưởng giúp cả hai tồn tại được với nghề nghiệp khắc nghiệt này?
- Thực ra suy nghĩ đó cũng hơi yếu đuối một chút. Điều nhà làm phim nữ cần không phải là một ông chồng mà là một nhóm làm việc ăn ý, tạo nên được một tình bạn nghệ sĩ.
Tôi và anh Vân thực sự may mắn. Chúng tôi vẫn hay đùa hai người cộng lại không được tới hai, nhưng cũng được một phẩy mấy, dồn lại làm một bộ phim vẫn lợi thế hơn người làm phim một mình.
* Chị và anh Vân có chịu nhiều ảnh hưởng từ hai ông bố nổi tiếng không? Có bao giờ con cái mâu thuẫn với cha mẹ về quan điểm làm phim?
- Tôi thua bố tôi về sự hài hước. Kịch bản Lạc lối có mở màn hơi hài hước, cuối cùng loay hoay, tôi sửa thành một nhân vật bi kịch. Bố tôi mất trước khi tôi bắt đầu làm phim. Nhưng tôi nghĩ tôi giống ông ở điểm luôn làm phim về những con người bình thường trong xã hội.
Còn anh Vân trước kia viết kịch bản vẫn đưa cho bố Hải Ninh xem, tuy nhiên, ý kiến của ông khác ý của anh ấy, nên cuối cùng chẳng ai theo ai.
* Đợt này chị tập lại đàn, đó là cách để khiến ngày trở nên bớt dài hơn không?
- Hồi bé tôi đã học đàn chuyên nghiệp 9 năm và giờ chỉ ngồi tự đọc sách, tập lại. Đàn giờ cứu mình, chứ cứ đau đáu điện ảnh mà không được làm thì mệt lắm.
Ngoài ra tôi vẫn viết kịch bản. Tôi rất muốn được làm một bộ phim chiến tranh thật sự, với cách nhìn mới. Tôi muốn nói lên cái bi kịch của chiến tranh, chứ không phải chỉ ca ngợi. Tóm lại nó phải độc đáo, thật và lạ.
Tôi rất muốn chuyển thể truyện Gió dại của Bảo Ninh. Truyện này hay lắm. Nhưng phim có quan điểm của người đứng ở giữa để nhìn chiến tranh thì không ai cho tiền để làm đâu (cười).
Cảnh phim Lạc lối |
* Một ngày của chị bây giờ có nhiều thời gian?
- Cũng nhiều nhưng tôi thường sử dụng hết như đọc sách, học đàn, làm kịch bản. Tôi đã đến tuổi sống chậm lại. Trước kia cuộc sống của tôi chỉ có điện ảnh, giờ có nhiều thứ hơn và mình có thời gian để hưởng thụ hơn.
* Chị có chút nào ghen tị với anh Vân khi mình đã về hưu còn anh ấy vẫn còn tuổi để tiếp tục lao động?
- Cuộc sống của anh Vân mấy năm vừa rồi rất mệt. Phần lớn thời gian lo đấu tranh giữ lại hãng phim nên không làm được phim gì, chẳng sống cho mình được bao nhiêu. Ông Hải Ninh nếu còn sống sẽ rất buồn vì chuyện hãng phim, có khi còn làm day dứt thêm nỗi buồn của anh Vân.
* Làm thế nào để chị và anh Vân có thể đi cùng nhau một chặng đường dài?
- Chúng tôi cũng như các cặp vợ chồng khác, đầy mâu thuẫn, nhưng tình nghĩa vợ chồng giúp hôn nhân tồn tại. Thời kì đầu chúng tôi khá gần nhau, sau thì cả hai bắt đầu tách ra vì mỗi người có những ý thích rất khác nhau.
Anh Vân là người thích chơi thể thao, thích tụ tập bạn bè, ít có thời gian cho gia đình. Hồi trẻ tôi đã từng buồn nhiều vì chuyện đó. Nhưng theo thời gian tôi nhận ra việc bắt một người hướng ngoại ở trong nhà là rất vô lý. Tôi cũng có thể hoàn toàn tự vui. Đáng lẽ tôi phải mua đàn từ lâu rồi.
Đến gần cuối tôi mới nhận ra không ai thay đổi được ai cả, mỗi người phải có tự do của riêng mình, có niềm vui của riêng mình. Tôi sống với bố tôi từ bé. Ông là người có “đạo” bạn rất lớn, ông chủ yếu sống vì bạn bè, hướng cuộc sống ra bên ngoài. Thời đó tôi chủ yếu ở nhà học đàn, đọc sách.
Anh Vân cũng giống hệt bố tôi rất chú trọng đến các quan hệ xã hội. Thành ra từ bé đến giờ tôi thấy cuộc sống của mình gần như không thay đổi (cười).
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Cảnh phim Lạc lối |
Cảnh phim Tâm hồn mẹ |
Cảnh phim Tâm hồn mẹ |
Cảnh phim Tâm hồn mẹ |
Cảnh phim Thung lũng hoang vắng |
Cảnh quay phim Thung lũng hoang vắng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận