Phóng to |
Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền - Ảnh: VNN |
Trong những ngày tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, anh đã thổ lộ những chia sẻ thầm kín nhất.
* Đang ở thời kỳ phong độ nhất của thương hiệu giải trí Huỳnh Phúc Điền, đột nhiên giới văn nghệ rúng động với tin anh bị ung thư gan. Trên blog của anh cũng thấy những tự sự công khai về từng chặng đường gian truân tìm thầy chữa bệnh…
- Người có bệnh thì hay giấu, tôi cũng vậy. Ban đầu cũng giấu, nhưng về sau tôi cảm thấy áp lực, như là mình tự giam cầm bản thân, cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, gần đây có nhiều sự việc làm tôi suy nghĩ khác. Tôi nhớ hoài một câu nói trong bộ phim Mongol đã xem gần đây. Khi được một bại tướng hỏi tại sao không sợ sấm sét, Thành Cát Tư Hãn đã trả lời: “Không sợ vì ta không còn nơi nào để lẩn trốn”.
Giữa thảo nguyên mênh mông, điều đáng sợ nhất là sấm sét. Nhưng hàng ngàn binh lính, hàng ngàn con người tìm chỗ trú thân như vậy thì chẳng mấy chốc không còn chỗ nào để trú ẩn nữa, bất đắc dĩ Thành Cát Tư Hãn đã trở thành một tượng đài sừng sững trên lưng ngựa bách chiến bách thắng. Từ đó, ông ta trở thành niềm tin vững chắc cho quân lính và đó là yếu tố then chốt của chiến thắng. Bản thân tôi cũng vậy, khi nhận được kết quả xét nghiệm, tôi đã thực sự lo lắng. Nhưng một khi đã chấp nhận, đã đối mặt thì tôi biết mình phải dũng cảm đón nhận tất cả. Hơn nữa, khi mở lòng mình ra thì đột nhiên cuộc sống trở nên dễ chịu kỳ lạ.
* Với quyển nhật ký mở và thái độ tích cực, thoải mái, anh đã nhận được gì từ mọi người?
- Căn bệnh này là chuyện cá nhân, nên ban đầu tôi nghĩ mọi người nghe xong sẽ sợ hãi và sẽ ảnh hưởng đến công việc chung. Làm mọi người phải lo lắng, quan tâm cho mình thì quả là không hay. Nhưng thật sự thì tôi cảm thấy thoải mái hơn khi mở lòng mình ra. Căn bệnh này đã ủ trong tôi hơn một năm rồi. Bắt đầu những cơn đau là từ chuyến đi dự một festival âm nhạc bên Nhật, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn thuần là đau dạ dày.
Cách đây ba tháng, khi tôi thực hiện một cuộc xét nghiệm chi tiết thì kết quả là bị ung thư gan. Kinh nghiệm của những người cùng chung cảnh ngộ giúp ích tôi rất nhiều. Phải nói rằng họ rất tốt, họ chia sẻ hết những bài thuốc hay từ Đông y, Tây y đến cả những bài thuốc bí truyền của Nhật. Tôi đã thử qua hết, nhưng tôi hiểu rõ mình nhất, biết tôi cần gì và tự điều tiết, điều chế cho phù hợp. Cuối cùng, tôi chọn sang Singapore để chữa trị.
Có những người thậm chí tôi không biết là ai nhưng họ vẫn nhiệt tình gọi điện đến hỏi thăm và chia sẻ với tôi. Có những người tuy khác tôn giáo nhưng vẫn cầu nguyện cho tôi. Ngay cả người tài xế đưa đón tôi điều trị cũng lặn lội đến những ngôi đền linh thiêng để xin một hồng ân. Rồi bạn bè và gia đình vẫn không ngớt làm tôi ngạc nhiên và cảm động vì tình cảm của họ. Mỗi người một cách quan tâm, trực tiếp hay gián tiếp, làm tôi cảm thấy mình cần phải nỗ lực vượt qua tất cả.
* Những khoảng lặng, khi ở một mình, là lúc người ta thường bị ám ảnh nhiều nhất bởi cuộc đời. Anh hay nghĩ về điều gì nhất khi đối diện với chính mình?
- Trong những lúc phủ đầy cảm giác cô đơn đó, tôi mong có bạn bè bên cạnh. Không cần làm gì cả, chỉ đơn giản là muốn nhìn thấy họ ngồi đó. Đó là điều tôi mong muốn nhất. Bởi vì khi ở một mình, cảm giác bi quan rất lớn, có thể nói là vô vọng vì căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa trị. Những giờ phút đó cũng là lúc tôi nghĩ về ngôi nhà mơ ước của mình, với hồ cá, luống hoa, con đường đất chạy quanh quanh, với cuộc sống thư thái, bên những đứa con của mình. Đó là lúc tôi mơ về một cuộc sống bình lặng đúng nghĩa. Những điều lớn lao hơn lúc đó chẳng còn ý nghĩa gì cả!
Tôi vẫn còn nhớ ngày sống ở nhà chị Minh Trang (diễn viên điện ảnh) tại Singapore. Nhà chị Minh Trang đẹp lắm, nhưng tôi vẫn có cảm giác trống trải, vì khi ấy mọi người đã về Việt Nam hết rồi. Tôi đứng trên lầu cao nhìn xuống phố sá đông đúc bên dưới, thấy bãi giữ xe có những chiếc xe bé tẹo cứ chạy ra chạy vào, xếp chi chít đông dần lên theo thời gian, thấy cuộc sống cứ hối hả trôi đi bên mình, mà mình giống như không được dự phần vào đó trọn vẹn. Lúc đó buồn lắm! Cảm giác trống vắng rất kinh khủng.
Tôi còn nhớ mình mong từng giờ, từng giờ trôi qua để đến ngày về Việt Nam. Cảm giác đó khác hẳn với những ngày trước, khi mọi người sang thăm tôi trong bệnh viện, lúc tôi được vây quanh bởi tình cảm của người thân yêu. Chuỗi ngày bi quan đó càng nặng nề hơn khi bác sĩ thông báo rằng tế bào ung thư vẫn tồn tại khiến tôi thêm thất vọng. May mắn là khi kết thúc chuyến đi Singapore vừa rồi, các bác sĩ nói tình hình đã lạc quan hơn. Qua lần bệnh này, tôi mới thấy tinh thần là rất quan trọng. Không chỉ là tinh thần của mình, mà còn của những người xung quanh nữa.
* Cuộc sống anh là những miên mải đắm chìm trong nghệ thuật biểu diễn, anh bắt đầu đam mê nó từ lúc nào?
- Tôi đam mê cuộc sống tự lập. Cũng như các bạn trẻ khác, ở tuổi sắp trưởng thành, ai cũng mong muốn được quyền dám nghĩ, dám làm và không bị người lớn quản thúc. Tuy gia đình tôi không khó khăn nhưng tôi vẫn muốn thoát ly để có cuộc sống tự lập riêng mình. Năm 15 tuổi là cột mốc quan trọng. Khi đó tôi quyết định thi vào trường Nghệ thuật sân khấu, nhưng dù tự tin, tôi nghĩ mình khó có cơ hội chiến thắng mấy ngàn người để được vào học. Mặc dù vậy, cuộc đời tôi lại rất may mắn vì những điều tôi muốn mong đều đạt được. Và kể từ đó, tôi đã sống cuộc sống tự lập.
Sống tự lập thì gian khổ, nhưng tôi vẫn cảm thấy sung sướng vì đã thỏa mãn được cả hai niềm đam mê của mình là tự do và nghệ thuật. Ngày đó, tôi đi làm thêm, đi bỏ báo, đi làm thiết kế sân khấu, làm hậu đài cho những chương trình ở Nhà Văn hóa Thanh niên, làm mọi công việc để bươn chải cho cuộc sống riêng. Cực lắm nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Hồi thi vào là chuyên ngành Diễn viên kịch nói thuộc khoa Đạo diễn kịch nói, tôi lại đam mê viết và những công việc đằng sau sân khấu, thành ra tôi vẫn thường lén đi nghe dự thính lớp đạo diễn. Tôi và Phước Sang - khi ấy là bạn cùng lớp - vẫn có mặt thường xuyên trong lớp đạo diễn. Đó cũng chính là lý do mà những vở tốt nghiệp của chị Hồng Vân, tôi cùng Cảnh Đôn hoặc cùng Phú Hải đều tham gia (cười). Vì thế, khi ra trường, tôi xác định mình sẽ đi theo nghề đạo diễn.
* Người ta thường biết đến Huỳnh Phúc Điền như một đạo diễn sân khấu tên tuổi, nhưng anh đã tạo dựng sự nghiệp bằng những cuốn băng video ca nhạc bán đắt như tôm tươi. Anh có thể chia sẻ thêm về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình?
- Tôi bắt đầu sự nghiệp là đạo diễn video clip và cộng tác với Phương Nam Film thông qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Văn Vinh - đạo diễn video clip nổi tiếng thời đó. Những chương trình đầu tiên tôi thực hiện là dành cho thiếu nhi, rồi dần dần lấn sang những lĩnh vực khác. Có thời kỳ, chính xác là năm 1993 nở rộ phong trào làm video clip. Rất nhiều hãng làm video clip và bản thân tôi mong được cộng tác với nhiều hãng để trải nghiệm chính mình. Lúc đó, các hãng phim chưa chuyên nghiệp lắm, mỗi hãng có một cách làm việc riêng, nên tôi phải tự rèn mình để những ý tưởng của tôi đều được các hãng chấp nhận. Kết quả là tôi đã cộng tác với tất cả các hãng trong thời kỳ đó. Nhờ làm video clip mà tôi đã sắm được nhà riêng khi mới 27 tuổi.
Có lẽ do mọi người yêu thích những gì tôi thể hiện trong những video clip nên khi chuyển sang đạo diễn sân khấu, tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Tôi nhớ có năm tôi lĩnh đến bốn chiếc cúp của chương trình VTV - Bài hát tôi yêu. Chắc là do tiếng lành đồn xa (cười).
* Ngoài yếu tố tài năng, điều gì đã góp phần giúp anh được như ngày nay?
- Tôi nghĩ một phần là do may mắn. Tôi đã từng được mời làm đạo diễn phim, nhưng sau khi đắn đo, tôi đã từ chối. Sau này khi phim đó phát hành thì nhận phản ứng tiêu cực từ phía khán giả, mà lỗi chủ yếu là của nhà sản xuất. Như vậy tôi đã gặp may mắn. Cho đến khi được mời làm đạo diễn cho chương trình Duyên dáng Việt Nam, tôi lại cảm thấy sức ép của những đạo diễn đàn anh đi trước.
Hồi ấy tôi hay đi quay với Trinh Hoan, khi lên xe hai anh em chỉ bàn chuyện nên nhận hay không nhận. Cho đến một ngày Trinh Hoan thông báo rằng đã nghĩ ra ý tưởng thiết kế sân khấu, sau khi bàn bạc thì tôi thấy ý tưởng quá hay nên đã gọi điện cho báo Thanh Niên nhận lời. Rồi kể từ khi nhận lời, ngày nào hai anh em cũng phải ra quán cà phê để bàn bạc, sắp bài.
Hồi ấy anh em không có nhiều kinh nghiệm như bây giờ, làm việc rất máy móc và cứng ngắc, cứ làm cái biểu đồ hình sin để sắp bài, sắp ca sĩ, rất buồn cười. Phần nào cũng cực khổ, tưởng rằng thiết kế sân khấu là phần dễ dàng nhất vì đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng không ngờ lại là phần “khoai” nhất vì phải thuyết phục những người có sẵn định kiến mình là đạo diễn phim, không biết gì về sân khấu. Thực ra tôi được đào tạo và trưởng thành từ sân khấu đó chứ. Tôi chỉ nhớ nhất lúc phúc khảo xong, anh Nguyễn Công Khế vỗ vai tôi nói: “Tôi sẽ mời ông làm Duyên dáng Việt Nam suốt đời”.
* Cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp anh là đâu?
- Đó là năm 1998, tôi 27 tuổi, khi làm Duyên dáng Việt Nam lần đầu tiên. Lần đầu tiên tôi được cọ xát với một chương trình lớn như vậy, để từ đó có thêm tự tin nhận làm chương trình cho Lam Trường và nhiều chương trình khác. Hơn nữa, tôi nghĩ mình có lợi thế lớn khi nhận làm đạo diễn sân khấu vì đã có kinh nghiệm quay video clip, tôi có thể tự quay những đoạn video rồi tự biên tập. Ngay cả thiết kế ánh sáng tôi cũng đã có kinh nghiệm và trao đổi rất chi tiết với người phụ trách. Dù ở cương vị đạo diễn chung cho cả chương trình, nhưng từng chi tiết nhỏ tôi đều dấn thân vào. Tôi chỉ tiếc mình không biết… múa nữa mà thôi (cười).
* Anh có những dự đoán gì cho làng giải trí của Việt Nam trong tương lai không?
- Nói trong năm nay thôi nhé. Tôi nghĩ năm nay là năm những thương hiệu của thế giới đổ bộ sang Việt Nam, vậy sân khấu Việt Nam nên tạm dừng để quan sát, học hỏi để rồi lấy những kinh nghiệm đó đắp xây cho chương trình của mình. Chẳng hạn như những chương trình của Walt Disney, Fashion TV… Tôi nghĩ họ sẽ không chỉ dừng lại ở mảng truyền hình, mà sẽ tấn công sang cả mảng sân khấu. Tất nhiên Việt Nam mình cũng có thể tấn công sang thị trường khác, nhưng nay chúng ta chưa đủ mạnh.
Tôi thấy đồng nghiệp nước ngoài làm rất bài bản. Họ tấn công song phương, vừa phủ sóng truyền hình, vừa mở ra những chương trình hoành tráng cho sân khấu. Điển hình là Fashion TV hay High School Musical của Disney Channel. Tôi nhận ra điều qua chuyến đi sang Singapore chữa bệnh. Không hiểu sao, trong lần đi ngắn ngủi này tôi lại nhìn về Việt Nam với một cái nhìn rất khác. Tôi tiếp xúc với những bác sĩ và họ cho rằng Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đang mạnh lên trong con mắt của thế giới. Vì thế, tôi nghĩ những chương trình đó sang Việt Nam là điều sớm hay muộn thôi.
Những kênh truyền hình đều mang tính thương mại, mà từ trước đến giờ làng giải trí Việt Nam không chen chân vào được là do mức tiêu thụ của thị trường quá yếu, chứ không phải làng giải trí của chúng ta không đủ trình độ để bước vào cạnh tranh. Đó là những kênh truyền hình lớn, đích nhắm của họ là thương mại và điều họ quan tâm là thị trường tiêu thụ.
* Hiện nay nghệ thuật luôn phải được đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường với những chi phối của nó, anh có cảm thấy khó khăn nào cho người làm nghệ thuật không?
- Tôi nghĩ nên coi nó như là thử thách hơn là khó khăn, vì người ta sẵn sàng trả tiền để thưởng lãm nghệ thuật có giá trị, vấn đề là mình có làm được ra nghệ thuật có giá trị hay không. Sự cạnh tranh tạo nên những chuẩn mực mới để người làm nghệ thuật soi chiếu theo đó, và một đạo-diễn-nghệ - thuật cần tạo cho mình những giá trị nhất định để tương thích với nhiều nhà-sản-xuất-nghệ-thuật thì cơ hội nghệ thuật của mình được sản xuất chỉn chu sẽ cao hơn.
Tôi tự hào trong những giai đoạn đầu mình là đạo diễn “dễ làm việc” nhất, có thể cộng tác với bất kỳ nhà sản xuất nào, dù cho cơ chế mỗi nơi có khác nhau ra sao đi nữa. Hơn thế, tôi nghĩ, kinh tế cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa nghệ thuật. Khi thị trường của chúng ta thông thoáng hơn, sức mua cao, tự động sẽ có những thúc đẩy về văn hóa đáng kể vì văn hóa nghệ thuật cũng là một dạng hàng hóa dịch vụ.
* Trong cuộc sống của anh, điều gì là quan trọng nhất?
- Ngay lúc này chắc tôi phải nói là sức khỏe. Sau lần này tôi mới thấy trước đây mình phung phí sức khỏe quá. Trước đây tôi làm việc không biết mệt, khi nào xong việc mới nghỉ ngơi.
* Anh có điều gì muốn mọi người cùng chia sẻ với mình trong lúc này không?
- Tôi muốn viết một chuyện trên blog và mọi người sẽ cùng viết chung. Trước giờ, mọi người đều viết blog cá nhân, từng “entry” riêng, ai muốn chia sẻ gì thì tham gia nhận xét. Nhưng bây giờ tôi muốn được mọi người viết chung, như một cuộc marathon tiếp sức, người này nối tiếp người kia viết về một đề tài nào đó. Đó không phải là nhật ký hay hồi ký, đơn giản là tôi chỉ mong muốn được chia sẻ những điều đã trải qua, hy vọng mọi người cùng chia sẻ. Sau đó, tôi sẽ thu thập được rất nhiều câu chuyện với muôn mặt cảm xúc để chuyển tải thành một hình thức nghệ thuật nào đó, làm được thì ắt hẳn sẽ rất thú vị.
Những cảm xúc đầu tiên của tôi khi xem phim, lần đầu tiên tôi nghe nhạc… tôi đều muốn được chia sẻ cùng mọi người. Tôi muốn nêu một vấn đề và mong mọi người viết, chia sẻ cùng tôi… Tôi muốn họ cùng viết, viết những câu chuyện thật của họ, chứ không chỉ nhận xét đưa ý kiến về những bài tôi viết. Thế hệ của tôi lớn lên trong một giai đoạn lịch sử như vậy, là cuộc sống khổ cực nhưng là đề tài nói mãi không hết với những người bạn thân. Cảm giác khi được chia sẻ những câu chuyện khác nhau trong cùng một hoàn cảnh lịch sự thật sự rất “đã”.
* Anh có lo lắng về quy định khắt khe trên blog không?
- Tôi nghĩ mình đâu có làm gì sai đâu mà sợ. Còn những người đưa ý kiến mà làm sai thì họ phải chịu thôi, vì tôi không thể kiểm soát được. Cũng đã nghĩ đến chuyện này, nên theo tôi trước hết phải có một bài viết để định hướng.
* Xin cảm ơn anh và chúc anh nhiều điều tốt đẹp nhất trong chuyến đi kỳ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận