03/10/2017 13:23 GMT+7

Đảng phải tiên phong tinh giản bộ máy

LÊ NAM (đại biểu Quốc hội khóa XIII) -  LÊ KIÊN ghi
LÊ NAM (đại biểu Quốc hội khóa XIII) - LÊ KIÊN ghi

TTO - Tôi ủng hộ quan điểm của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ là phải "cách mạng" trong cơ cấu lại tổ chức, bộ máy chính trị, hành chính của chúng ta.

Đảng phải tiên phong tinh giản bộ máy - Ảnh 1.

Muốn làm được điều này, Đảng cần phải tiên phong, điều mà đông đảo đảng viên, nhân dân đang trông đợi vào Hội nghị trung ương 6.

Đổi mới bộ máy chính trị: Không có đường lùi! Đổi mới bộ máy chính trị: Không có đường lùi!

TTO - "Đổi mới gì thì đổi mới, nhưng phải cách mạng bộ máy đi đã" - nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ trước thềm Hội nghị trung ương 6.

Quan sát trong khoảng mười năm trở lại đây, tôi thấy chúng ta cứ đặt nặng nhiệm vụ cải cách hành chính, tinh giản bộ máy đối với các cơ quan nhà nước, nhưng dường như chưa đụng chạm nhiều đến các cơ quan của Đảng và các đoàn thể chính trị. 

Tôi cho rằng nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản biên chế, gọn đầu mối, tăng hiệu quả chỉ có thể thành công khi Đảng tiên phong, đột phá trước tiên vào bộ máy của Đảng với quyết tâm bằng tư duy đổi mới thực sự.

Tôi từng công tác trong cơ quan Đảng và nhận thấy rằng bộ máy phình ra khá lớn. Ví dụ, trước đây cả một tỉnh ủy chỉ có văn phòng tỉnh ủy phục vụ chung với một tài khoản, thì bây giờ mỗi ban Đảng có một văn phòng riêng và tài khoản riêng, vì vậy không chỉ tăng thêm về bộ máy lãnh đạo, tham mưu mà bộ máy phục vụ, cơ sở vật chất, xe cộ cũng theo đó mà tăng lên đáng kể.

Đổi mới tư duy trong cơ cấu lại bộ máy chính trị - hành chính cũng là việc xem xét để sáp nhập, tinh giản, "nhất thể hóa" vị trí người đứng đầu trong các cơ quan Đảng và Nhà nước có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Về việc này, trong những năm vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm và kết quả rất tốt. 

Một người vừa làm bí thư vừa làm chủ tịch UBND huyện thì hiệu lực, hiệu quả sẽ tốt hơn (tất nhiên phải đi kèm cơ chế giám sát quyền lực, tránh lạm quyền), tương tự như vậy ở cấp gần dân nhất thì một người vừa làm bí thư chi bộ vừa làm trưởng thôn cũng sẽ tập trung được đầu mối, tập trung hiệu lực... 

Từ thí điểm này, hoàn toàn có thể áp dụng ở cấp cao hơn, trên diện rộng hơn.

Một trong những khâu không thể thiếu trong cuộc đổi mới quan trọng này chính là cải cách chế độ tiền lương và cơ chế sàng lọc, đánh giá. 

Báo chí từng nêu câu chuyện anh Bùi Quang Vinh kể khi đương chức bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, rằng anh muốn tuyển dụng một người có năng lực có thể làm tốt hơn việc của 7-8 người khác đang làm, nhưng không có cách nào để cho thôi việc 7-8 người đang là công chức và lấy tổng số lương của họ trả cho người muốn tuyển dụng kia.

Tôi cho rằng đây là "bài toán" phải giải bằng cơ chế pháp luật, người đứng đầu phải có thực quyền về công tác nhân sự và chịu trách nhiệm về bộ máy của mình. 

Nếu cứ giữ những quy định như hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ mới xem xét cho thôi việc, trong khi đơn vị nào cũng phấn đấu 30% xuất sắc và 70% hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm bình bầu xong dắt nhau đi liên hoan thì khó mà nói đến hiệu quả.

LÊ NAM (đại biểu Quốc hội khóa XIII) - LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên