Tọa đàm kết hợp giao lưu trực tuyến diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của bạn đọc - Video: ĐAN THUẦN - ANH THƯ
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh và Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC) tổ chức.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trần Viết Nguyên - phó trưởng ban kinh doanh của EVN - cho biết tập đoàn đang xây dựng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời.
Đặc biệt, hướng đến các đối tượng khách hàng có nguồn thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận, sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo ông Nguyên, ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu, nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp cho nhà đầu tư. Như ở Úc, có thời điểm nhà đầu tư trực tiếp được hỗ trợ 2.000 USD.
Tương tự, ở Hàn Quốc và Ấn Độ, Chính phủ cũng có thời điểm đưa ra mức hỗ trợ 20-30% chi phí.
Còn tại Việt Nam, để khuyến khích thị trường phát triển, EVN đang tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, trong đó hướng đến xin hỗ trợ các nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài thông qua Chính phủ, Bộ Công thương để cho phép tập đoàn triển khai thực hiện.
Hiện EVN đang phối hợp Ngân hàng Tái thiết Đức triển khai dự án với nguồn vốn trị giá 14 triệu euro. Theo ông Nguyên, nếu được tiếp cận nguồn vốn này, EVN sẽ thực hiện giảm 2 triệu đồng đối với các dự án đầu tư điện mặt trời, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu cho các hộ gia đình.
Ông Trần Viết Nguyên, phó trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực TP.HCM, chia sẻ các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Nguyên cũng cho biết có một giải pháp khác để sử dụng điện mặt trời là cho bên thứ 3 vào đầu tư. Khi khách hàng có diện tích mái nhà lớn, có thể cho các nhà đầu tư, các ngân hàng thuê mặt bằng để đầu tư pin mặt trời trên mái để bán lại cho khách hàng.
Bên cạnh lợi ích không phải bỏ chi phí đầu tư, hình thức này cũng mang lại lợi ích cho các khách hàng là làm giảm nhiệt cho mái, giảm sử dụng các thiết bị điều hòa.
Bên cạnh đó, EVN cũng đang nghiên cứu để triển khai giải pháp cung cấp dịch vụ năng lượng như dịch vụ lắp đặt điện mặt trời áp mái cho khách hàng.
Với mô hình này, ông Nguyên cho biết khách hàng không phải bỏ chi phí đầu tư, nguồn vốn sẽ do EVN đứng ra thu xếp với các công ty tài chính hoặc do khách hàng đàm phán với các công ty tài chính và EVN sẽ là cầu nối để đầu tư cho khách hàng.
Hiện EVN đang nghiên cứu, cố gắng đẩy nhanh tiến độ để sớm thực hiện một trong các giải pháp trên ngay trong năm 2019 này.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm kết hợp giao lưu trực tuyến, trả lời các thắc mắc của độc giả Tuổi Trẻ về cơ chế, chính sách liên quan đến điện mặt trời trên mái nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước vấn đề gia đình nào đầu tư hiệu quả nhất, đại diện EVN cho biết đang áp dụng giá điện bậc thang, khách hàng tiêu thụ điện bậc 3 trở lên sẽ cao hơn 2.000 đồng/kWh nên những hộ dân sử dụng trên 200kWh điện mỗi tháng đầu tư sẽ hiệu quả hơn, ít nhất giảm được lượng điện để thanh toán tiền điện hưởng được bậc giá thấp.
Nhu cầu lắp điện mặt trời tăng gấp 3, gấp 4
Ông Trần Khiêm Tuấn - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - khuyến cáo về mặt tiêu chuẩn, chất lượng của hệ thống, thiết bị năng lương mặt trời, các nhà cung cấp, nhà đầu tư phải công khai, minh bạch để khách hàng tìm hiểu.
Các cơ quan quản lý như lực lượng quản lý thị trường, Sở Công thương kiểm tra để bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, khách hàng nên yêu cầu nhà cung cấp ký cam kết để đảm bảo chất lượng, an toàn cho công trình bởi đặc thù là lắp đặt trên mái nhà.
Ông Trần Khiêm Tuấn - phó Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) - hiện trên thị trường có rất nhiều loại pin áp dụng công nghệ của rất nhiều nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tuy nhiên, nơi sản xuất chủ yếu vẫn là Trung Quốc.
Tính riêng miền Nam đã có trên 1.400 khách hàng lắp đặt, đấu lưới hơn 21MW và dự tính cuối năm sẽ tăng 95MW.
Hiện tại, EVN SPC đã xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá các thiết bị, kiểm tra miễn phí cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam, cho biết đã có 1.400 khách hàng lắp điện mặt trời tại miền Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với số lượng các nhà cung cấp, lắp đặt điện mặt trời nhiều như hiện nay, ông Huỳnh Đình Hiệp - giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC) - cũng khuyến cáo khách hàng nên nghiên cứu, lựa chọn những công ty có uy tín, sử dụng thiết bị của những nhà cung cấp có tên tuổi để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn.
Ông Huỳnh Đình Hiệp, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC), chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại diện các nhà cung cấp, lắp đặt, ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh -cho biết công ty đã lắp đặt cho khoảng 200 hộ gia đình, tổng công suất 2MW.
Theo ông Đức, nhu cầu của khách hàng hiện đã tăng gấp 3, gấp 4 và còn tiếp tục tăng cao. Trong đó, việc tiêu chuẩn thiết bị, thiết kế hệ thống... được nhiều khách hàng quan tâm, vì thế khách hàng nên chọn nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm có chứng nhận xuất xứ, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn của quốc tế và Việt Nam.
Hiện tại, công ty cũng đang cũng đang liên kết với đối tác Hàn Quốc để sản xuất nội địa hóa các thiết bị, giảm giá thành sản phẩm.
Ông Thái Huy Đức, giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh, cho biết công ty này đã lắp khoảng 200 hộ gia đình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Pin mặt trời có thể tái chế
Chuyên gia Trịnh Quang Dũng phát biểu tại tọa đàm - QUANG ĐỊNH
Trước sự quan tâm của nhiều bạn đọc về việc xử lý các tấm pin đã không còn sử dụng, chuyên gia điện mặt trời Trịnh Quang Dũng (nguyên trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời Viện Vật lý TP.HCM) cho biết các quốc gia đã đi trước về năng lượng tái tạo như Đức đã có các nhà máy tái chế pin mặt trời.
Với nhà máy tái chế mà ông đã tham quan tại Đức, ông Dũng cho biết quy trình xử lý rất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn về môi trường.
Theo ông Dũng, hiện nay đã hình thành các nhà máy tái chế pin mặt trời nên khi có thị trường pin loạt thải đủ lớn để cho các nhà máy hoạt động sẽ thì có các nhà đầu tư tham gia.
Ông cũng khuyến cáo khách hàng nên chọn các nhà lắp đặt chuyên nghiệp bởi nếu chênh lệch góc, độ dù rất nhỏ cũng mất đi 3-10% công suất.
Với điều kiện khí hậu hiện đang bất thường, người dân khi lắp đặt phải đảm bảo an toàn, quan tâm đến các yếu tố như trọng lượng, hướng gió...
Đề xuất duy trì mức giá ưu đãi 9,35 cent/kWh
Chỉ riêng của khu vực miền Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện khảo sát vào năm 2018, kết quả cho thấy tiềm năng điện mặt trời áp mái ở khu vực này là ước đạt 6.700MW.
Theo ông Trần Viết Nguyên, với công suất trên nếu triển khai thực hiện có thể cung cấp nguồn năng lượng tại chỗ cho các hộ gia đình, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và giảm áp lực về xây dựng nguồn điện cho EVN.
Ông Nguyên cho biết trong tháng 4 vừa qua, lượng điện năng tiêu thụ của đối tượng khách hàng sinh hoạt tăng rất là cao, tăng trên 15% so với tháng 4 của các năm trước. Do đó, nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là nguồn năng lượng dồi dào, mang lại lợi ích cho cả hộ gia đình lẫn quốc gia.
Hiện nay đã có 3.074 khách hàng trên toàn quốc đã lắp đặt điện mặt trời. Trong đó, chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Công suất đã tải lên lưới của toàn bộ khách hàng chỉ đạt hơn 40MW, một con số rất nhỏ so với tiềm năng.
Theo ông Nguyên, để khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời, EVN cam kết sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký, lắp đặt đơn giản, thuận tiện và minh bạch cho khách hàng.
Về mức giá mua bán điện sau ngày 30-6 được nhiều khách hàng quan tâm, ông Nguyên cho biết sẽ báo cáo lên Bộ Công thương và Chính phủ để duy trì cơ chế ưu đãi về giá là giữ mức 9,35cent/kWh và tiếp tục thúc đẩy những cơ chế ưu đãi đặc thù cho khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận