13/10/2017 18:42 GMT+7

Đại học Anh cũng đau đầu với đạo văn

LÊ THANH HẢI
LÊ THANH HẢI

TTO - Các trường ở Việt Nam đang ráo riết chống tình trạng đạo văn trong sinh viên. Tại Anh, vấn nạn đạo luận văn cũng đang khiến ngành giáo dục nước này nhức nhối.

Đại học Anh cũng đau đầu với đạo văn - Ảnh 1.

Theo giáo sư Frank Furedi, nếu giáo dục đại học tiếp tục đối xử với sinh viên theo mô hình kinh doanh thì sớm muộn gì sự đạo văn cũng được chấp nhận - Ảnh: Lincoln College

Nhiều ý kiến cho rằng trước tình trạng này, các trường đại học nên xem lại mình chứ đừng đổ lỗi cho người khác.

"Bằng cấp là một món hàng"

Theo báo The Guardian, vụ trưởng Vụ Đại học nước Anh vừa lên tiếng hối thúc các trường chặn một số trang web và dùng những phần mềm phát hiện gian lận thông minh hơn để dẹp bỏ vấn nạn sinh viên mua luận văn trên mạng và... "xào" lại thành của mình.

Trước đó, giáo sư Frank Furedi, phụ trách bộ môn xã hội học của Trường đại học Kent, cũng đã có bài viết phân tích về vấn nạn này. Ông viết:

Thỉnh thoảng lại có một đợt bùng phát lo ngại về nạn đạo văn ở bậc đại học. Bộ Giáo dục Anh cho thấy họ đang xem xét việc "trấn áp" này không những bằng cách phạt tiền mà còn đưa vào hồ sơ tội phạm đối với những sinh viên nộp các bài luận văn đã được mua lại.

Mục tiêu của cuộc "thập tự chinh" này là các trang web chuyên sản xuất ra những bài luận văn mẫu, được tiếp thị là nguyên gốc, cho phép sinh viên qua mặt hệ thống phát hiện đạo văn của nơi mình đang theo học, từ đó mua được cả mảnh bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ của văn hóa gian lận ở cấp đại học, cao đẳng. Trước khi có sự thương mại hóa việc đạo văn khá lâu, gian lận đã hoành hành trong hệ thống giáo dục này. 

Hồi năm 2004, khi còn giữ vai trò trưởng ban giám khảo, tôi đã bị sốc bởi số lượng luận văn được đạo mà chúng tôi phát hiện ra. Khi tôi tham vấn các đồng nghiệp tại những trường đại học khác thì rõ ràng rằng vấn đề này không chỉ giới hạn trong khoa của mình. 

Theo những cuộc thảo luận với các đồng nghiệp, tôi ước tính có khoảng 20-25% luận văn được đạo trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Ngày nay bằng cấp là một món hàng, chẳng trách sao càng ngày càng có nhiều sinh viên gian lận.

Những gì tôi thấy đáng lo nhất là sự thất bại của cộng đồng học thuật trong việc giải thích sự đóng góp của mình với vấn đề này. Ngày nay, mọi chuyện đều được đổ lỗi cho những sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu có tiền và có sẵn nguồn để mua. 

Cách đây hơn một thập kỷ, vấn đề này được cho là do chi phí vào đại học tăng, khiến các sinh viên tìm cách đi "đường tắt". Khi ấy, khó khăn về kinh tế, thay vì là những sinh viên con nhà giàu, được xem như là nguồn gốc của vấn nạn này.

Các cuộc thảo luận học thuật về nạn đạo văn thỉnh thoảng tìm cách làm chệch hướng vấn đề này bằng cách cho rằng các sinh viên nước ngoài mới là đối tượng chiếm số đông trong những vụ copy, vì họ đến từ những nền văn hóa giáo dục khác, nơi mà việc "nhái" lại sản phẩm của người khác được xem là... bình thường.

Và có lẽ công cụ được đề cập thường xuyên nhất chính là Internet. Hành động copy và paste mà sinh viên từng làm ở trường phổ thông được dùng để giải thích cho sự tiếp diễn của vấn nạn này ở bậc đại học.

Hầu hết các trường đại học hiện đều có sẵn phần mềm phát hiện đạo văn và vấn đề này liên tục được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, đây là trường hợp "nên làm một điều gì đó hơn là đương đầu với nó", vì đạo văn không phải là một vấn đề liên quan đến kỹ thuật mà là vấn đề làm dấy lên những câu hỏi về cách làm việc của văn hóa học thuật.

Sinh viên không nghĩ mình làm sai!

Nếu giáo dục đại học tiếp tục đối xử với sinh viên theo mô hình kinh doanh thì sớm muộn gì sự đạo văn cũng được chấp nhận"

Giáo sư Frank Furedi

Những gì tôi thấy đáng báo động nhất không phải là sinh viên gian lận mà là họ không tin rằng mình đã làm điều gì đó sai trái. Họ cảm thấy mình đang tận dụng những gì hệ thống giáo dục cho phép và vẫn đang hành động đúng theo những giá trị được tiếp thu ở trường. 

Các sinh viên được bảo rằng họ là "khách hàng" nên đã xem mối quan hệ của họ với các trường đại học như là một giao dịch thương mại thay vì là một mối quan hệ tri thức.

Khách hàng thì luôn tìm cho mình một mức giá hời, chứ không phải là sự kích thích về tri thức. Với khách hàng, điều quan trọng không phải là sự hứng khởi đến từ việc đạt được những hiểu biết về một vấn đề liên quan tới tri thức mà là điểm số cuối cùng trên bài luận văn hay một kỳ thi. 

Hệ thống đại học dường như "âm mưu" khuyến khích sinh viên chỉ nghĩ tới những kết quả cân đong đo đếm được hơn là một hành trình khai sáng do sự giáo dục mang tính học thuật cung cấp. 

Về mặt này, trường đại học, vốn cũng được đánh giá trên những kết quả mang tính định lượng, chỉ quan tâm đến việc truyền cho sinh viên những toan tính giúp họ "sống sót" được.

Những công ty cung cấp luận văn chuyên nghiệp sẽ mất đi ngành kinh doanh béo bở của họ nếu các trường đại học giáo dục cho sinh viên hướng tới những giá trị học thuật và khuyến khích họ dấn thân vào một cuộc tìm kiếm kiến thức. 

Tuy nhiên, nếu giáo dục đại học tiếp tục đối xử với sinh viên theo mô hình kinh doanh thì sớm muộn gì sự đạo văn cũng được chấp nhận.

LÊ THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên