Những dòng nhật ký của người tạm trú trong Nhà bình yên - Ảnh: N.Hiển |
“Gần 10 năm làm việc tại đây, điều đáng buồn nhất của tôi đó là không ít người tạm trú chọn cách im lặng thay vì đứng lên tố cáo những kẻ buôn bán người bởi họ là người thân quen, trú cùng địa phương với nạn nhân |
Chị Hà Minh Ngọc |
Hành trình đẫm nước mắt đó đã được những người trong cuộc bộc bạch qua trang nhật ký được lưu lại cẩn trọng trong một ngôi nhà có tên gọi là “Nhà bình yên”.
Căn nhà ba tầng này nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi nương náu cho những cô gái từng là nạn nhân của nạn buôn bán người.
Cầm cuốn sổ màu đen, bên ngoài có dòng chữ “Sổ nhật ký người tạm trú” đưa cho chúng tôi xem, chị Hà Minh Ngọc, nhân viên xã hội của Nhà bình yên, nói: “Cuốn sổ này như một người bạn để cho những người tạm trú trải lòng qua từng trang giấy. Nhiều người đã khóc khi cầm viết kể ra câu chuyện buồn của đời mình”.
Tuy gọi là nhật ký nhưng cuốn sổ này dành cho tất cả những người tạm trú, mỗi trang giấy là một câu chuyện đời, một nét chữ và một ngày tháng viết khác nhau. Ở mỗi câu chuyện, ai cũng ghi ra mốc thời gian mà họ khắc sâu vào tâm trí, đó là thời điểm bị lừa bán sang Trung Quốc.
“Tôi không thể nào quên được ngày 9-3-2008, ngày đó trở đi tôi đã trải qua một cuộc sống như địa ngục, những cơn ác mộng khiến tôi sợ hãi không còn muốn sống nữa khi mở mắt ra thấy mình đang ở Trung Quốc cùng với những người xa lạ và độc ác”.
Đó là câu chuyện trong rất nhiều những trang nhật ký. Những cô gái này như rơi xuống vực thẳm của cuộc đời để đấu tranh giữa lằn ranh của sự sống và cái chết mà tương lai mịt mù.
“Nếu sống, tôi phải cam chịu cảnh đọa đày cả thể xác và tinh thần còn hơn cả cảnh ngục tù dù tôi không có tội. Nếu chết, tôi nợ cha mẹ, nợ quê hương một lời xin lỗi bởi họ vẫn đang kiếm tìm tôi, một nữ sinh ngoan bỗng dưng mất tích” - một người viết trong nhật ký.
Chị Minh Ngọc cho biết cuốn nhật ký này chính là bằng chứng rõ ràng nhất để tố cáo sự tàn nhẫn của những kẻ vì đồng tiền mà sẵn sàng bán đi người bạn, người thân hay thậm chí là người yêu của mình.
Theo chị Ngọc, có nhiều trường hợp nạn nhân là nữ sinh viên đại học hoặc vừa mới đậu đại học nhưng lại bị chính người yêu bỏ thuốc mê lừa bán thẳng sang biên giới.
Ngoài ra, không ít trường hợp nữ sinh THPT bị bắt cóc, bị dụ dỗ đi du lịch, đi làm thêm nhưng đều có kết cục đau đớn là bị đẩy vào các nhà thổ Trung Quốc.
“Nhiều người bỏ trốn, bị bọn chủ chứa bắt lại treo ngược hai chân lên, cởi hết áo quần rồi đánh vào vùng kín, ngất lịm đi nhưng họ vẫn tạt nước vào đánh tiếp. Có người thì dù tới tháng nhưng vẫn bị buộc phải nhét bông để tiếp cả chục khách mỗi ngày. Đó đều là những hành động mất hết nhân tính mà những nạn nhân khi trở về đã viết ra, đã chia sẻ lại” - chị Ngọc kể.
Hành trình được giải cứu, trở về quê hương đã được những nạn nhân kể chi li trong từng trang nhật ký. Nhưng niềm vui ngày về chưa được bao lâu thì những dòng chữ ấy lại thổ lộ những giọt nước mắt khi bị bạn bè, chòm xóm láng giềng kỳ thị, bàn tán.
Theo chị Ngọc, rào cản lớn nhất để những nạn nhân của nạn buôn bán người khó có thể tái hòa nhập cộng đồng chính là sự phán xét của những người xung quanh.
“Thay vì mở lòng bao dung đón họ hồi hương thì một lần nữa họ tiếp tục đứng bên bờ vực nỗi đau tinh thần khác, và họ tìm đến những nơi tạm trú như Nhà bình yên” - chị Ngọc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận