18/09/2017 13:16 GMT+7

Đồng bào vùng bão rất cần hỗ trợ của cộng đồng

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
HÀ THANH - CHÍ TUỆ

TTO - Hai ngày sau cơn bão số 10 đi qua, người dân làng chài Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về dựng lại nhà cửa, vớt vát chút tài sản còn sót lại trong đống đổ nát.

Đồng bào vùng bão rất cần hỗ trợ của cộng đồng - Ảnh 1.

Người dân làng chài Cẩm Nhượng tìm kiếm trong đống đổ nát những vật dụng còn sót lại - Ảnh: CHÍ TUỆ

Địa phương rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội để chung tay khắc phục thiệt hại vì rất nhiều nhà ở đây cơ bản hộ nghèo, cận nghèo, khả năng tự phục hồi rất khó

Ông NGUYỄN SỸ HUYỀN (bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng)

Thống kê thiệt hại ban đầu, toàn xã Cẩm Nhượng có 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 42 nhà bị sập một phần, tốc mái nặng. Hầu hết những ngôi nhà bị thiệt hại nằm ở rìa biển từ cồn Gò đến địa phận thôn Hải Nam - vị trí chịu sức gió, sức nước mạnh nhất của cơn bão số 10.

Sập sạch trơn rồi...

Sáng 17-9, nhiều hộ gia đình ở xã Cẩm Nhượng trở về nhà sau bão, cùng nhau gia cố mái nhà cho con cái có chỗ trú nắng mưa. Thế nhưng, có 8 hộ gia đình bị mất nhà cửa phải đi ở nhờ nhà người thân, hàng xóm. Nhìn ngôi nhà chỉ còn lại đống đổ nát, ai ai cũng không kìm được nước mắt.

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hải Nam) ngồi bần thần trên bờ kè nhìn các chiến sĩ bộ đội, người dân đang đập bỏ mảng tường còn trơ lại của nhà mình. Nước mắt ngắn dài, bà Lan xót xa: "Tránh bão về nhìn ngôi nhà cạnh bên bị sập, mình nói: Chết rồi, nhà mình chắc cũng không còn chi. Ngó sang thấy nhà đổ hết, của cải sạch trơn rồi...".

Ngôi nhà này vợ chồng bà Lan tích cóp dựng lên từ 14 năm trước. Bà như bất lực trước sự cố thứ hai xảy đến với gia đình chỉ trong vài năm nay. Ông Tôn Đức Cẩn (48 tuổi, chồng bà Lan) kể ba năm trước thuyền của ông bị đánh chìm vì gặp dông gió, thiệt hại hơn 300 triệu đồng, hiện gia đình còn mắc nợ 90 triệu đồng vay ngân hàng. "Giờ chỉ còn hai vợ chồng, ba đứa con và hai bàn tay trắng. Chỉ mong được các nhà hảo tâm giúp đỡ làm lại được túp lều" - ông Cẩn nói.

Kế bên nhà bà Lan, nhà bà Hoàng Thị Huệ (69 tuổi) cũng tan hoang không kém. Ngồi bần thần bên đống đổ nát còn sót lại sau bão, bà Huệ rơm rớm nước mắt nói: "Chừ màn trời chiếu đất thôi. Ở nhà chỉ còn một mình, chồng thì mất, con cái đi lấy chồng xa hết. Nhờ tình thương làng xóm đùm bọc, giờ chỉ mong có nhà cửa rồi ổn định sau".

Rất cần hỗ trợ của cộng đồng

Dọc từ cồn Gò cửa Nhượng đến thôn Nam Hải (xã Cẩm Nhượng), gạch ngói, tôn vữa chất đống. Sáng 17-9, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em trở về nhà nhặt nhạnh chút tài sản còn sót lại, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Người vớt vát lại bát đũa còn nguyên vẹn, người đào bới trong đống gạch vữa những tấm lưới chưa bị bão cuốn trôi...

Trước khó khăn của bà con ngư dân, 150 chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh có mặt kịp thời giúp bà con dọn dẹp nhà cửa, gia cố các ngôi nhà sau bão. "Không thể tưởng tượng được sức chịu đựng của bà con trong giây phút này. Nhiều cơn bão đã qua, nhưng tôi chưa từng chứng kiến sự tàn phá nặng nề như vậy. Thương bà con trong hoàn cảnh này không biết khắc phục ra sao!" - đại úy Lê Kiếm Sơn (phó đội trưởng đội đặc nhiệm, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) bày tỏ.

Ngăn chặn việc nâng giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết qua kiểm tra một số cửa hàng và một số nơi, cơ sở kinh doanh thì có hiện tượng nâng giá vật liệu, nâng giá dịch vụ, nâng giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. "Việc lợi dụng dịp này mà nâng giá, ép giá, ép những người đang bị thiệt hại do bão như thế là không được. Cho nên cần phải tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra kiểm soát việc niêm yết giá. Ở địa bàn thị xã Kỳ Anh, ngay từ trưa nay, chính quyền đã cho đi kiểm tra và chắc chắn sẽ không để việc nâng giá như vậy xảy ra" - bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Hà, chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết tỉnh cũng có chỉ đạo các doanh nghiệp trong và ngoài Hà Tĩnh cung cấp nguyên vật liệu xây dựng để ổn định giá. "Chúng tôi đã khuyến cáo, kêu gọi người dân bình tĩnh chưa mua vội để chúng tôi có biện pháp điều chỉnh giá. Thị xã cũng đang chỉ đạo rất sát sao, huy động tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải chung tay để giúp đỡ người dân" - ông Hà nói. Ông Nguyễn Văn Danh, bí thư huyện Kỳ Anh, cũng cho biết lực lượng chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên để không có chuyện "chặt chém" sau bão đối với tất cả các mặt hàng.

T.TRUNG - D.LIỄU - H.THANH - C.TUỆ

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên