Nakata (trái) góp công không nhỏ trong hành trình vô địch Serie A của AS Roma mùa 2000-2001 - Ảnh: Gazzetta
17 năm sau, "King Kazu" Kazuyoshi Miura làm điều tương tự ở Serie A nhưng đó là một kỷ niệm buồn.
Hiện tại, trong các quốc gia châu Á, bóng đá Nhật sở hữu nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải hàng đầu châu Âu nhất. Và họ cũng từng trải qua một thế hệ của những người đi tiên phong.
Nghịch lý Okudera - Miura
Okudera - tiền đạo sinh năm 1952 - là cầu thủ Nhật đầu tiên chơi bóng cũng như ghi bàn ở châu Âu. Trong một chuyến đi tập huấn của CLB Furukawa, Okudera tình cờ lọt vào "mắt xanh" của HLV huyền thoại Hennes Weisweiler. Vài tháng sau, Weisweiler mang Okudera đến Cologne và biến ông trở thành một trụ cột của CLB.
Trong 3 năm rưỡi khoác áo Cologne, Okudera ra sân gần 100 lần và ghi được 21 bàn thắng. Sau đó ông chuyển đến Hertha Berlin rồi Werder Bremen và trở về Nhật Bản vào năm 1986 ở tuổi 34.
Nhưng suốt 9 năm chơi bóng ở Đức, Okudera không được gọi lên đội tuyển Nhật lần nào dù trước đó ông là ngôi sao hàng đầu. Sau khi trở lại Nhật Bản, Okudera mới lại được khoác lên mình chiếc áo tuyển quốc gia.
Do bóng đá Nhật giai đoạn đó không có chính sách xuất ngoại nên thành công của Okudera hầu như không có tác động nào với các cầu thủ Nhật.
Kazuo Ozaki là cầu thủ Nhật thứ hai đặt chân sang Bundesliga (Giải vô địch Đức) vào năm 1983. Ozaki chơi không tệ chút nào khi ra sân thường xuyên trong màu áo Bielefeld. Cũng như Okudera, Ozaki không được gọi lên tuyển quốc gia kể từ khi sang Đức.
Sau nhiều thập niên "bài ngoại", bóng đá Nhật bắt đầu phóng tầm mắt ra châu lục. Thập niên 1990 đánh dấu rất nhiều cột mốc quan trọng của bóng đá Nhật khi họ lần đầu vô địch Asian Cup (1992), lần đầu dự World Cup (1998) và lần đầu tiên phát động chiến dịch "Tây du".
Người "mở lối đi châu Âu" của bóng đá Nhật là Kazuyoshi Miura - cầu thủ có biệt danh "King Kazu" vì sự nghiệp vĩ đại của mình (ghi 55 bàn trong 89 lần khoác áo đội tuyển, và hiện vẫn đang chơi bóng chuyên nghiệp ở tuổi... 52).
Miura sang Brazil chơi bóng từ bé và là siêu sao số 1 nước Nhật những năm thập niên 1990 trong màu áo CLB Tokyo Verdy.
Mùa hè 1994, Miura được Genoa - một đội bóng trung bình của Serie A (Ý) khi đó - mượn.
Khác hẳn sự ghẻ lạnh đối với Okudera, người Nhật dành cả một chiến dịch để đưa Miura sang Ý. Genoa không tốn đồng nào để có Miura, mức lương của anh cũng do các nhà tài trợ Nhật Bản trả.
Đổi lại, kênh truyền hình Fuji TV được quyền phát sóng các trận đấu của Genoa. Đầu tháng 9-1994, cả nước Nhật ngồi trước màn hình tivi để hóng màn ra mắt châu Âu của "King Kazu" trong trận Genoa gặp AC Milan.
Ý chí của người Nhật
Nhưng đó hóa ra lại là một kỷ niệm buồn. Chỉ mất vài phút, hậu vệ Franco Baresi cho Miura thấy thế nào là sự khốc liệt của bóng đá Ý. Bằng một cú huých chỏ cực nhanh và hiểm, Miura đổ gục xuống sân và rời sân với cái mũi bị gãy.
Hơn hai tháng sau anh trở lại để đóng vai... gã hề cho các khán giả Ý. Truyền hình Ý thực hiện cả một video riêng về những pha xử lý bóng lỗi ngớ ngẩn, ngờ nghệch của Miura với mục đích chế giễu.
Kết thúc mùa giải, Genoa xuống hạng, còn Miura trở về Nhật Bản (anh ra sân 23 trận cho Genoa và ghi 1 bàn thắng). Nhưng Miura không hề bỏ cuộc. Nhiều năm sau đó, "King Kazu" đặt chân đến Croatia rồi Úc để thử sức.
Dù không nơi nào anh thực sự thành công nhưng tinh thần dấn thân của Miura đã thực sự lan tỏa đến các cầu thủ đàn em.
Năm 1998, người kế vị "King Kazu" trên vị trí cầu thủ xuất sắc nhất nước Nhật là Hidetoshi Nakata cũng nối bước người đàn anh đến với CLB Perugia (Ý).
Sau 2 năm chơi bóng ở đây, Nakata chuyển đến AS Roma và có những giây phút để đời khi không CĐV Roma lẫn Nhật nào có thể quên "khoảnh khắc châu Á" của Nakata vào cuối mùa giải 2000-2001, cũng là mùa giải họ vô địch.
Trong trận đấu quan trọng với Juventus ở vòng 29, Roma bị Juventus dẫn trước 0-2 và HLV Fabio Capello quyết định tung Nakata vào sân thay Totti ở hiệp 2.
Khi trận đấu chỉ còn 11 phút, hai cú nã đại bác của Nakata, một thành bàn và một giúp Vicenzo Montella ập vào đá bồi ghi bàn gỡ hòa 2-2 ở phút 90+1 giúp AS Roma bảo toàn cách biệt 6 điểm, qua đó đăng quang vào cuối mùa. Trên hành trình huyền thoại năm đó của AS Roma, Nakata được nhớ đến chẳng kém gì những Gabriel Batistuta, Totti, Cafu...
Sau Roma, Nakata tiếp tục đến với Parma, Bologna, Fiorentina và sang Anh chơi cho Bolton. Anh trở thành một biểu tượng của bóng đá Nhật trong hành trình chinh phục châu Âu.
Tuy chơi không quá hay nhưng Nakata chứng tỏ tinh thần chuyên nghiệp, nghị lực của người Nhật. Quan trọng hơn, người hâm mộ châu Âu sau những chế giễu, cười cợt dành cho Miura đã phải nghiêm túc nhìn nhận: các cầu thủ châu Á không sang châu Âu để kiếm tiền hay quảng bá hình ảnh mà là để cạnh tranh.
Từ bước chân tiên phong của người Nhật, một cuộc di cư ồ ạt của các ngôi sao châu Á mở ra những năm sau đó: Shunsuke Nakamura (Reggina), Keisuke Honda (CSKA Moscow và AC Milan), Park Ji Sung (PSV và M.U), Ahn Jung Hwan (Perugia, Metz...)... Cho đến ngày nay, có cả trăm cầu thủ châu Á hiện diện trên các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Miura thất bại thảm hại, Nakata cũng không quá thành công, nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ người mở ra đường đến với bóng đá châu Âu cho các cầu thủ Nhật. Đó có thể cũng là tương lai của Công Phượng sau này như bầu Đức nói: "Đi châu Âu chưa biết có thành công hay không nhưng cần khuyến khích vì tương lai".
Tây Á lép vế
Miura trong màu áo Genoa - Ảnh: IT
Xét về thành tích, danh hiệu, các nền bóng đá Tây Á như Iran, Saudi Arabia không kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng các cầu thủ của họ lại thua xa khi bước ra đấu trường châu Âu.
Theo thống kê, từ trước đến nay chỉ có 24 cầu thủ Iran thi đấu tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (gồm Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue 1). Trong khi con số tương ứng của Nhật là 67, Hàn Quốc là 37.
Ngoài Bundesliga, Serie A cũng là "đất lành" với các cầu thủ Nhật dù Miura - người đi tiên phong đã thất bại trong khoảng thời gian chơi bóng tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận