09/11/2018 14:36 GMT+7

Con nhỏ giải cứu chó mèo!

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Cả đàn chó ùa ra, sủa vang một góc con hẻm cụt. Từ lâu rồi hàng xóm đã không còn lạ với khung cảnh ấy ở nhà Trương Quang Kỳ Nhật Quyên (P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM) mà nhiều người vẫn quen gọi là “con nhỏ giải cứu chó mèo”.

TTO - Cô gái giải cứu chó mèo - Video: QUỐC LINH

Con nhỏ giải cứu chó mèo! - Ảnh 2.

Nhật Quyên cùng những “bé chó” do cô giải cứu, chăm sóc - Ảnh: Q.L.

Mình tin chó hay mèo đều biết cảm nhận. Mình nuôi, chăm sóc, thương con vật thì chắc chắn nó cũng thương mình, chỉ là nó không thể nói với mình điều đó.

TRƯƠNG QUANG KỲ NHẬT QUYÊN

Khách chưa kịp định thần trước màn chào đón quá nhiệt tình của bầy chó, người phụ nữ lớn tuổi nhất nhà - mẹ Nhật Quyên - bưng ra chiếc thau nhựa lấp xấp nước đề nghị: "Làm ơn nhúng giùm hai chiếc giày vào đây". Bà giải thích: "Làm vậy để ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài có thể ảnh hưởng đến mấy bé".

Trong ngôi nhà ba mẹ con đang ở thuê ấy, họ không gọi mấy chục con kia là chó hay mèo mà ưu ái gọi là "các bé", mỗi con đều có tên riêng.

Sủa inh ỏi là vậy nhưng thấy người lạ được cô chủ dẫn vào nhà, cả bầy chó lại bu đến, bám lên người khách. Phòng khách góc thì chuồng chó, góc thì nệm chó nằm, chỗ là đồ nghề làm mộc của cô chủ nhỏ. Khó chọn được vị trí nào trong nhà có thể ngồi yên nói chuyện. Cuối cùng, nơi tiếp khách là gian bếp khá ẩm thấp mà chỉ cần mưa là ngập!

Con nhỏ giải cứu chó mèo! - Ảnh 4.

Những "bé chó" được Nhật Quyên cứu sống và đang được chăm sóc rất tốt - Ảnh: Q.L.

Không gian tạm yên vì mấy chú chó được ngăn lại ở nhà trên qua hai lớp cửa kéo tự chế. Nhưng có con Tùng, giống Husky, kịp đi theo và nằm dưới chân Quyên. Nhìn bộ lông "bé Tùng" suôn mượt, nằm hóng chuyện, ít người biết chừng một năm trước Tùng đầy ghẻ lở, bị chủ vứt ra đường. 

Tấm ảnh Quyên lưu trong điện thoại thấy rõ con Tùng khi ấy chỉ lốm đốm vài khoảnh lông trên thân hình gầy gò, đầy vết lở loét, mình bê bết máu. Theo lời Quyên, con Tùng "bị tự kỷ", tự cắn chính mình, cắn cụt đuôi, cắn luôn cả bộ phận sinh dục.

"Đưa qua bác sĩ thú ý, Tùng phải bị tháo khớp đuôi vì hoại tử, còn may là vẫn giữ được mạng" - Quyên nhớ lại.

Gia tài của mấy mẹ con Quyên hiện còn gần chục con chó, hơn 20 con mèo vì nhiều con đã cho đi rồi. Nhà nào muốn nhận nuôi phải cam kết, cập nhật thường xuyên tình hình nuôi cho mẹ con Quyên, nếu không thể nuôi nữa phải mang trả lại chỗ cũ, không được ăn thịt hay bán. Thỉnh thoảng mẹ con Quyên lại đảo một vòng qua mấy nhà đã từng nhận nuôi chó, mèo để xem "con" đang sống ra sao.

Con nhỏ giải cứu chó mèo! - Ảnh 5.

Góc nhà mà Nhật Quyên dựng cho những "bé mèo" của mình - Ảnh: Q.L.

Hồi đầu thấy Quyên ôm con mèo hoang về, mẹ bảo thôi cũng được, nuôi cho vui nhà vui cửa. Rồi nay ôm con chó, mai ôm con mèo, toàn những con sắp chết về nhà, mẹ cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng khi "đàn con" cứ ngày một đông thêm, mẹ la: "Thôi nha, không nhận thêm con nào nữa, chăm tụi bây đã mệt muốn chết giờ còn thêm đống này". 

Nói vậy chứ bà đi ngang công viên, thấy chú mèo con nằm quắt queo bên bụi cây cũng ôm về vì "đâu nỡ để nó chết ở đó".

Có khi Quyên phải móc sạch túi, nhờ thêm bạn hùn tiền mới đủ chuộc về từ lò giết mổ. Như con Mai, cũng giống Husky, ngày Quyên ôm về nhà, may mắn có hai em bác sĩ thú y Khang, Hòa chịu giúp một tay. Từ con chó nằm liệt một chỗ, bé Mai hiện đi lại bình thường được bằng ba chân, chân còn lại cũng bước mà hơi yếu.

Bà Tố Quyên - mẹ Nhật Quyên - khoe: "5kg gạo nấu được hai ngày. Mỗi ngày "các con" ăn hai bữa chính, bữa phụ thêm bánh, hạt cho chó mèo. Con già yếu sẽ uống thêm sữa". Vật dụng đựng thức ăn cho chúng được rửa sạch, phơi nắng tiệt trùng. Ngôi nhà lưới của đàn mèo phía sau nhà cũng do một tay mẹ Quyên leo trèo, dựng lên.

Quyên học y học cổ truyền, từng làm phòng khám đông y nhưng đã nghỉ, giờ nhận bấm huyệt, châm cứu tại nhà cho khách. Cô gái mát tay, khách làm thấy ưng ý lại giới thiệu thêm khách mới. Đó cũng là thu nhập chính của cả nhà.

Gần đây Quyên còn hì hục đi mua gỗ, tự đóng nhà cửa, làm võng, đệm ngủ cho thú cưng, giới thiệu sản phẩm trên trang "Home for pets - không chỉ là ngôi nhà mà còn là tổ ấm". Ban đầu chỉ làm cho "đàn con" trong nhà song nhiều người biết, hỏi mua nên Quyên làm thêm bán, ở xa đặt hàng sẽ gửi xe tới. 

Nguồn thu nhập thêm một chút, Quyên lại dồn cho "đàn con", trích một phần hùn với bạn đi phát quà cho người không nhà ngoài đường ban đêm.

Cô bạn ấy đang là sinh viên năm 2 bác sĩ thú y ĐH Nông lâm TP.HCM, học buổi tối. "Mình học để chăm sóc "các bé" tốt hơn, nếu được sẽ tham gia triệt sản cho mèo vì cứ để mèo hoang ngoài đường tội lắm" - Quyên chia sẻ.

Chích ngừa định kỳ đầy đủ

Hỏi Quyên có phiền phức gì vì nuôi trong nhà quá nhiều chó, mèo hay thú y có đến kiểm tra không? Cô gái cười hiền lành xác nhận phiền là có, hàng xóm không phải ai cũng cảm thông, có người còn gửi đơn kiện vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Đó cũng là một trong những lý do khiến mấy mẹ con chuyển chỗ thuê mấy lần rồi vì "đàn con" chưa bao giờ ít đi.

Nhật Quyên cho biết định kỳ đều có chích ngừa đầy đủ cho "các con" trong nhà, lưu đủ giấy tờ. "Phải đảm bảo an toàn cho cả nhà nữa. Mỗi lần có khách, chó sủa hay tụi nó chơi với nhau đúng là có hơi phiền hàng xóm nhưng cũng chỉ xíu thôi, ai thông cảm giúp được mình cảm ơn họ chứ kêu bỏ, không nuôi nữa mình làm không được, duyên còn lớn lắm" - Quyên cười hiền lành.

Cô gái 9X "làm mẹ" của hơn 100 chó mèo hoang Cô gái 9X 'làm mẹ' của hơn 100 chó mèo hoang

TTO - "Chỉ mong có một căn nhà riêng để tiện chăm nom các con và không phải vất vả chuyển nhà mỗi đợt Tết nữa", Trần Uyên Như chia sẻ về hơn cả trăm "đứa con" mình đang cưu mang.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: giải cứu chó mèo